(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với lễ ra mắt Kênh truyền thông trực tuyến đa nền tảng (VPF Media) diễn ra tại KS New World, TP.HCM chiều qua (24/1) là một loạt các hợp đồng được ký kết với các đơn vị tài trợ đồng hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2016; trong đó, đáng chú ý có chương trình hợp tác cùng Sportradar trong việc phòng chống và ngăn ngừa tiêu cực và gói bảo hiểm cho toàn bộ các cầu thủ cũng như đội ngũ giám sát trọng tài với Cty bảo hiểm Hùng Vương…
Rung cây doạ khỉ?
Đại diện Sportradar, Cty có trụ sở tại Thuỵ Sỹ, đã được dành một thời lượng đáng kể để thuyết trình về các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa tiêu cực trong bóng đá của một đơn vị có kinh nghiệm.
“Dịch vụ an ninh của Sportradar, nhà cung cấp hàng đầu thế giới trong việc đưa ra các giải pháp cho các tổ chức thể thao bao gồm UEFA, AFC, AF, DFB…, sẽ hỗ trợ trong cuộc chiến phòng chống, ngăn ngừa hành vi tiêu cực”, trích thông cáo báo chí của Sportradar.
“Qua FDS (Fraud Detection System), Sportradar theo dõi qua màn hình các chuyển động về tỷ lệ cá cược, xác định các hoạt động đáng ngờ và cung cấp tin tức tình báo, các dữ liệu định hướng và những đánh giá chính xác về các trận đấu cụ thể cho khách hàng. Những dữ liệu này sẽ được sử dụng cho những quyết định kỷ luật trong thể thao, phục vụ công tác điều tra và truy tố tội phạm…”, ông Biplav Gautam, Giám đốc Sportradar khu vực châu Á, cho biết thêm.
Nghe có vẻ không mơ hồ chút nào, song trên thực tế, việc điều tra và truy tố tội phạm trong thể thao ở Việt Nam mang những đặc thù riêng. Theo đó, mọi nguồn tin và các quyết định truy tố, khởi tố, bắt giam các cá nhân và tổ chức vẫn phải phụ thuộc trực tiếp vào cơ quan điều tra. Sportradar chỉ mang chức năng đưa ra những thông tin dự báo và cảnh báo, kiểu như Ban Tư vấn Đạo đức (thuộc VPF, đã giải thể - PV) trước đây từng làm, chứ không có chức năng chế tài.
Tức là, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở cơ quan điều hành và tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (tức VPF). Họ có thực sự cầu thị, minh bạch hay chỉ rung cây doạ khỉ, bởi bất cứ vụ việc xấu xa nào bung bét, đều sẽ ảnh hưởng đến uy tín của giải đấu, cũng như quyền lợi của nhà tài trợ.
Mùa giải 2015 và các năm trước đó cũng không hiếm các nguồn tin đáng tin cậy về những trận đấu sặc mùi, nhưng đã chưa và không bao giờ được điều tra một cách thấu đáo.
Chiều 25/1 tại Khách sạn New World Sài Gòn, Công ty VPF sẽ tổ chức chương trình ra mắt Kênh truyền thông trực tuyến đa nền tảng - VPF Media, công bố đợt một các Nhà tài trợ đồng hành cùng các Giải BĐCN Quốc gia 2016.
Và khi VPF bao sân
Việc mua gói bảo hiểm thời hạn 2 năm cho toàn bộ các cầu thủ (có hợp đồng) thuộc hơn 20 CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (V-League, hạng Nhất và Cúp QG) cũng như đội ngũ giám sát và trọng tài của nhà tổ chức (VPF) thực sự là xưa nay hiếm.
Không một nền bóng đá đã và đang phát triển nào trên thế giới thực hiện quy trình này thay cho CLB, bởi nó dễ khiến người ta liên tưởng đến thời bao cấp, khi nhà tổ chức bao trọn gói mọi vấn đề.
Trả lời câu hỏi của Thể thao & Văn hoá về việc tại sao VPF không làm cầu nối cho Cty bảo hiểm đến với các CLB thay vì phải “ôm rơm nặng bụng” kiểu bao cấp hoá, TGĐ Cao Văn Chóng nói: “Tạm thời chúng tôi sẽ làm mẫu, bao sân trong 2 mùa giải, bởi thực tế, đây đáng ra phải là chuyện riêng của các cầu thủ cũng như các đội bóng. Vấn đề bảo hiểm trong thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng vẫn còn khá mới mẻ, nên VPF mới cực chẳng đã phải đi tiên phong”.
Trên thực tế, vấn đề bảo hiểm đôi chân và tính mạng cầu thủ Việt Nam không phải quá mới mẻ. Trước đây, các CLB Nam Định, SLNA, V.Ninh Bình và HAGL đã từng thực hiện thông qua các “gói” tài trợ kiểu nhà trồng được. Tuy nhiên, một thời gian đủ dài vấn đề bảo hiểm đôi chân và tính mạng cầu thủ bị xem nhẹ, cho đến khi vụ Ngọc Hải – Anh Khoa nổ ra. Rõ là nước đến chân mới nhảy và ngay cả việc thực hiện bảo hiểm như thế nào cũng là cả vấn đề chứ không đùa.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa