A+ A A- Kiểu đọc sách

VPF và Ban tổ chức như đi… trên dây

05:55 21/04/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ mỗi vòng đấu người của BTC và VPF lại thon thót như đi trên dây.

Từ kiện cáo đến viết “tâm thư”

Từ ngày ra đời, VPF đã có nhiều nỗ lực, bản thân Công ty này đã tích lũy quá nhiều bài học kinh nghiệm. Dù vậy, họ không bắt nhịp được sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp. Trong đó,  sự non kém của đội ngũ “vua áo đen” là cốt tử, làm giảm niềm tin trầm trọng vào năng lực tổ chức,  điều hành của VPF.

Sau biến cố Long An “đình công” ở Thống Nhất, càng lộ rõ sự lúng túng và hạn chế của VPF.  Chủ tịch HĐQT VPF lẫn Trưởng giải “ngồi im thin thít” trên khán đài chứng kiến toàn bộ sự cố. VPF bỏ ra một buổi chiều họp ở TP.HCM. Ông Trưởng giải xin từ chức (nhưng không ai cho).  

Và rồi, họ đưa ra quy trình phân công trọng tài mới. Nhưng hơn 1 vòng đấu có vẻ “êm êm”, sai sót trọng tài lại bùng lên.

Nghịch lý ở chỗ trọng tài sai sẽ bị trảm, còn lãnh đạo Ban Trọng tài cùng bộ máy phân công thì vô sự, không ai phải chịu trách nhiệm. Ban Trọng tài là của VFF, sự quản lý chồng chéo kéo theo khiến rất khó cải cách công tác trọng tài.

Những bức tâm thư của HAGL, CLB Sài Gòn FC gửi  đến BTC để đề nghị xem lại công tác trọng tài, cho thấy dấu hiệu các CLB sẽ sử dụng “phương pháp đấu tranh mới”, họ sẽ không chịu ngồi yên nhìn sai sót trọng tài bất tận như  lâu nay.

Nhiều người bảo chỉ cần làm tốt công tác trọng tài thì bóng đá Việt Nam sẽ chuyên nghiệp. Đúng thế, nhưng xin hiểu bóng đá nào, trọng tài ấy, nên khi lỗi hệ thống thì trách “vua sân cỏ” là chưa đủ.

Bóng đá chưa mang đến niềm tin lẫn niềm vui

Trên sân thi đấu, các CLB V-League lo trọng tài, đến khi nghỉ giữa giai đoạn, họ lại lo lắng khi đối diện với lịch thi đấu bất cập. Đa số CLB đồng ý hy sinh quyền lợi để phục vụ lợi ích cho các đội tuyển quốc gia nhưng ở khía cạnh chuyên môn, chất lượng giải đấu đã xuống thấp lại khó đảm bảo bởi lịch thi đấu khác người. Sau kỳ nghỉ 2 tháng để một đội tuyển trẻ tập trung, các CLB đá thêm 3 trận trước khi nghỉ thêm 2 tháng cho đội tuyển U23 chuẩn bị cho SEA Games. Cuộc chơi gián đoạn kéo dài khiến CLB đau đầu tính toán lịch hoạt động khoa học để có điểm rơi phong độ cho cầu thủ. Sau kỳ nghỉ đó, những CLB không đảm bảo thành tích có thể lại đổ lỗi cho BTC đã sắp xếp lịch thi đấu không khoa học. Tương tự như cách nhiều CLB thua trận tan nát nhưng vẫn có lý do để đổ lỗi: Bởi trọng tài.

Trọng tài V.League và những 'cú phốt'

Trọng tài V.League và những 'cú phốt'

Mùa giải V-League 2017 mới đi qua được nửa chặng đường nhưng những lùm xùm liên quan tới công tác trọng tài (TT) trở thành nỗi bức xúc lớn của các đội bóng tham dự giải.

Việc xử lý kỷ luật cũng chưa tạo được sự “tâm phục, khẩu phục”  từ các cá nhân, tập thể vi phạm. Ngay cả nhận định tổ trọng tài trên sân Pleiku (trận Thanh Hóa- HAGL) đúng, cũng mập mờ, phát ngôn chỉ người của Ban Trọng tài, khiến dư luận dễ nghi một quyết tâm cứu vãn danh dự của “Ban phân công trọng tài”, sau sai sót liên tiếp kể từ thời hậu ông Mùi phân công. Cứ đà này, khi CLB chịu không thấu, việc VPF và Ban trọng tài phải thuê “vua” ngoại về điều hành các trận đấu nhạy cảm cuối mùa là khó tránh khỏi. Đau lắm, trọng tài nội ê chề lắm, nhưng có cách nào hơn?

Năm nào VPF và các CLB cũng xách cặp đi trời Tây học hỏi mô hình bóng đá văn minh. Nhưng khi áp dụng lại V-League, với môi trường và sự dẫn dắt của lãnh đạo VPF hiện nay, chẳng có gì tiến triển tích cực.

Như những nụ hoa anh đào rực rỡ bên Nhật, đưa về xứ ta là khác. Đấy là chưa nói đến lễ hội hoa anh đào bị người mình chen nhau giẫm đạp, vặt cành là chuyện thường.

Bóng đá cũng phản ánh cuộc sống, nên, người hâm mộ buộc phải chờ đợi văn minh chung được cải thiện.

Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Từ khóa: VPF VFF V.League
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...