A+ A A- Kiểu đọc sách

V-League và nỗi ám ảnh chấn thương

06:23 19/03/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Một pha bóng kiểu “quân ta đá quân mình", phút thứ 20 trận đấu giữa Hải Phòng và HAGL ở vòng 2 Nuti Cafe V-League 2018, chàng tiền vệ hào hoa của HAGL và bóng đá Việt Nam - Nguyễn Tuấn Anh, đổ xuống đau đớn. Động tác đập tay xuống thảm cỏ sân Lạch Tray, như một phản xạ rất con người và nó cũng có thể được hiểu là, Tuấn Anh bị hạ “knock-out”.

Từng ngày, thậm chí là từng giờ, các cầu thủ phải đối diện với nguy cơ chấn thương rất cao trong các trận đấu bóng đá thời buổi bị thương mại hoá. Tuấn Anh là một trường hợp như thế, và người hâm mộ tiếc nuối nhiều hơn bởi, nó không đơn thuần là một tai nạn trong thể thao. Với lần tái phát chấn thương đầu gối này, dù theo chẩn đoán không quá nghiêm trọng, song hoàn toàn có thể phá nát sự nghiệp của cầu thủ quê Thái Bình, vốn có bố cũng là một bác sỹ đa khoa. Gia đình của Tuấn Anh hẳn cũng đau đớn không kém cho con cháu của họ.

Từ trước năm 2012, tức là khi mới 17 tuổi và là một trong 4 cầu thủ ưu tú của Học viện HAGL Arsenal JMG được CLB Arsenal danh tiếng mời qua Emirates thưởng thức bầu không khí giải Ngoại hạng Anh trong vài tuần, Tuấn Anh đã bắt đầu làm quen với chấn thương, với dao kéo bàn mổ. Trước và sau đó, Tuấn Anh vẫn được đánh giá là gương mặt triển vọng nhất mà Học viện Hàm Rồng sản sinh ra. Thực tế, dù phải sống chung với chấn thương và tái phát dai dẳng, ở nhiều thời điểm, “chàng Nhô” đã vẫn chứng minh được năng lực chơi bóng, dựa trên nền tảng kỹ thuật và tư duy cấp tiến.

Đời sống thể thao khắc nghiệt, khi một chấn thương nặng có thể tiêu tan luôn sự nghiệp của cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng với trường hợp của Tuấn Anh, nó còn có thể là sự cẩu thả trong điều trị, sự nóng vội trong việc “tận thu” một sản phẩm mẫu, có giá trị chuyên môn lẫn thương mại. Trước SEA Games 2017, Tuấn Anh thậm chí đã không chơi bóng trong nhiều tháng, nhưng vẫn bị kéo đi Malaysia, để rồi phải chịu những hệ luỵ cho đến tận ngày hôm nay. Trước đó nữa, người ta không ít lần bơm huyết tương vào gối Tuấn Anh, để giúp anh hồi phục nhanh hơn dự tính...

Tuấn Anh thay vì cần được nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu theo đúng phác đồ, thì anh bị đẩy ra sân trong trạng thái không khoẻ khoắn, ở nhiều cấp độ, từ quốc nội lẫn ở nước ngoài.

“Con giun xéo mãi cũng quằn”, huống chi là các dạng chấn thương nguy hiểm như dây chằng chéo trước đầu gối, sụn chêm và tràn dịch. Người hâm mộ tiếc nuối và cho rằng Tuấn Anh quá đen, thực ra, đấy là họ không ở trong cuộc, chưa từng bị chấn thương thể thao hành hạ và không năm lần bảy lượt phải leo lên bàn mổ. Tuấn Anh giống một nạn nhân hơn và ở pha bóng trên sân Lạch Tray, đồng đội của anh không phải tác nhân. Trường hợp của Tuấn Anh và những hình ảnh truyền đi ở Lạch Tray hôm đó, mang nhiều thông điệp, nhưng chúng ta đã tỉnh chưa?

Cố lên Tuấn Anh!

Cố lên Tuấn Anh!

Sau tình huống va chạm với đồng đội dẫn tới chấn thương thì hình ảnh Tuấn Anh lấy áo chiếc áo khoác đen trùm kín khuôn mặt để che đi sự thất vọng tới cùng cực khiến những ai yêu mến tiền vệ HAGL không khỏi xót xa.

Trong quá khứ, HAGL từng hơn một lần mất đi các cầu thủ trẻ tài năng, vì chấn thương. Đó là cựu đội trưởng đội tuyển U23 Việt Nam - Bùi Xuân Hiếu, vì tai nạn giao thông; là trung vệ Bá Khôi cũng vì lý do tương tự và mới nhất, Tạ Thái Học sau lần bị đốn gãy chân cố trở lại sân cỏ, nhưng không thể chơi bóng với khả năng tốt nhất, không thể cạnh tranh vị trí, bị đào thải và đang tính chuyện giải nghệ ở tuổi 25-26, cái tuổi đẹp nhất của sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp...

Y học thể thao Việt Nam đã tiến một bước dài và tiệm cận với thế giới, chúng ta cũng không thiếu các bác sỹ chuyên khoa giỏi, nhưng sự cẩu thả, từ khâu hội chẩn đến phương pháp điều trị, sai một li đi cả sự nghiệp của rất nhiều cầu thủ - VĐV tiềm năng. Tiếc cho Tuấn Anh một, thì trách những người có liên quan 5-7 phần.

Tùy Phong

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...