loading...
Sẽ không có ngôi sao Quang Hải, đó có lẽ là điểm nhấn đáng chú ý nhất trước khi V-League 2022 quay trở lại vào cuối tuần này sau 3 tháng tạm ngưng nhường sân cho các đội tuyển quốc gia. Nhưng đó chưa phải là tất cả...
Trong câu chuyện cuối tuần cùng Thể thao & Văn hóa, BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận rằng việc Quang Hải gia nhập CLB Pau để được chơi bóng tại nước Pháp ở giải Ligue 2 là một chọn lựa hợp lý, vừa vặn.
1. Một doanh nghiệp vừa mới đưa ra ý tưởng sẽ tài trợ cho đội tuyển U23 Việt Nam dự V-League như một đội bóng độc lập. Cách đây gần 10 năm, tại V-League 2013 cũng đã từng có đề xuất tương tự. Đây là một sự trùng hợp đáng suy nghĩ.
Lần đề xuất trước diễn ra trong thời điểm bóng đá Việt Nam sa sút trầm trọng. V-League năm 2013 chỉ có 12 đội, còn giải hạng Nhất thì chỉ có 8 đội. Hai thất bại liên tiếp ở SEA Games 2011 và AFF Cup 2012 khiến bóng đá Việt Nam choáng váng, không biết phải bắt đầu lại như thế nào nên mới có chuyện chính Công ty VPF - Nhà tổ chức V-League - đề xuất cho U22 tham gia nhằm gây dựng lại mọi thứ từ bóng đá trẻ.
Bóng đá Việt Nam hiện nay khác trước rất nhiều, mọi thứ đều tốt hơn. V-League và cả hạng Nhất có 13-12 CLB, nhưng dường như có một vấn đề vẫn chưa thay đổi, đó là vai trò và sự đóng góp của giải đấu số 1 Việt Nam đối với tương lai của bóng đá nước nhà.
Ngay sau thành công ở giải U23 châu Á, các cầu thủ của HLV Gong Oh Kyun đã trở lại với “cuộc đời thực”. Một thành viên U23 Việt Nam nhận thẻ đỏ khi đá ở giải hạng Nhất, còn tại trận đấu bù vòng 3 V-League giữa Nam Định và Hà Nội FC thì không tuyển thủ U23 nào được đưa ra sân.
Những điều tương tự chắc chắn vẫn sẽ diễn ra ở phần còn lại của mùa giải. Vấn đề là nó đã kéo dài suốt nhiều năm qua, thế mới có chuyện xuất hiện 2 đề xuất trùng hợp dù hoàn cảnh bóng đá Việt Nam không giống nhau.
Không phải tự nhiên mà sau U23 châu Á, nhà cầm quân người Hàn Quốc Gong Oh Kyun nhận được vô số lời khen. Bởi người hâm mộ rất ít được xem cầu thủ U23 châu Á thi đấu tại V-League nên khi họ tỏa sáng trong màu áo U23 Việt Nam, thì người ta nghĩ ngay đến tài năng của HLV hơn là khả năng của cầu thủ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao sở hữu cầu thủ trẻ tài giỏi, chi phí lương bổng thấp, CLB vẫn nói không với việc đưa họ vào sân? Như ở HAGL chẳng hạn, nhiều cầu thủ U23 của họ đang “phiêu bạt” theo dạng cho mượn, trong khi họ vẫn mua ngoại binh cũng như tuyển dụng các cầu thủ kinh nghiệm từ nơi khác.
2. Quang Hải rời V-League khi mới 25 tuổi chỉ vì “tấm áo quá chật” so với tài năng của anh. Lúc Công Phượng, Xuân Trường xuất ngoại, cũng đã ngoài 23. Họ đi rồi lại về và ở CLB vẫn chưa có ai thay thế. Nghĩa là hoàn toàn không có sự cạnh tranh ở nhóm tuổi U23 tại các CLB đá V-League, đơn giản cầu thủ trẻ không có đất diễn.
Sẽ rất dễ dàng khi cho rằng các CLB không tạo điều kiện, nhưng đây là một kết luận vội vàng. Lấy ví dụ trận Nam Định - Hà Nội FC vừa qua, tuổi bình quân của đội hình xuất phát Nam Định là 28, còn Hà Nội là 27.
Rõ ràng, đây là độ tuổi đẹp cho một đội bóng đỉnh cao, không thể nói là họ chỉ đưa ra sân các cầu thủ lão làng, giàu kinh nghiệm, chơi thực dụng để mưu cầu thành tích. Đa số các CLB tại V-League hiện nay có tuổi bình quân trong danh sách đăng ký từ 23 đến 27 tuổi. Nghĩa là họ vẫn đăng ký cầu thủ U23, nhưng ra sân thì lại là chuyện khác.
Nếu đưa nhiều cầu thủ trẻ vào thi đấu, vậy thì những người đang 26-28 tuổi… đá ở đâu? Đó là câu hỏi khó trả lời, bởi nó liên quan đến số CLB dự V-League. Với dân số gần 100 triệu dân, tỷ lệ người chơi bóng đá cao, thì con số chỉ hơn 30 CLB bóng đá tính từ hạng Nhì đến V-League ở Việt Nam quả là quá ít.
Hoàn toàn không tương xứng với dân số, nên sẽ dẫn đến việc cầu thủ nhiều mà đội bóng ít, cơ hội ra sân sẽ không thể chia đều, đặc biệt với các cầu thủ trẻ. Chu kỳ thi đấu đỉnh cao của một cầu thủ đá chính tại V-League là khoảng 10 năm, trong khi mỗi năm có gần 100 cầu thủ trẻ đạt chuẩn đá V-League, thế nên tỷ lệ để cầu thủ trẻ thay thế đàn anh là cực thấp. Đây đâu thể xem là lỗi của CLB?
10 năm trước, khi các học viện HA.GL, PVF, Viettel, Đa Phước… còn chưa cung cấp cầu thủ ra thị trường mà V-League đã không có đất cho cầu thủ trẻ. Bây giờ, tính cả V-League lẫn hạng Nhất cũng chỉ tăng thêm có 8 đội bóng, trong khi các “lò” đào tạo đã cung cấp đến 3-4 lứa cầu thủ từ đó đến nay.
Đó là chưa tính các CLB còn tự đào tạo cầu thủ cho mình như Nghệ An, Nam Định, Bình Dương hay Hà Nội FC. Tuyển thủ U23 Phan Tuấn Tài vốn là người của Viettel còn phải gửi xuống đá cho Đắk Lắk ở giải hạng Nhất.
3. V-League trở lại khi không còn ngôi sao lớn nhất của mình là Quang Hải, và bản thân giải đấu này cũng chưa có gì thay đổi về bản chất. Chưa thấy ai đề cập về khả năng mở rộng số lượng CLB dự giải dù sắp đến, lịch thi đấu sẽ theo mô-típ của châu Âu, tức là “vắt” sang 2 năm.
Vướng mắc lớn nhất vẫn là tài chính khi mà giải đấu số 1 Việt Nam chưa tạo ra nguồn thu đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư. Số CLB bóng đá dù có tăng, nhưng rất chậm và nếu tình hình này tiếp tục diễn ra thì đến một lúc các trung tâm đào tạo bóng đá cũng sẽ phải ngừng hoạt động khi không tìm được đầu ra cho các “sản phẩm” của mình.
Thực tế thì V-League đang giàu tính cạnh tranh. Cuộc đua vô địch đã có thêm vài ứng viên trong khi cuộc chiến trụ hạng vẫn quyết liệt như trước. Ý tưởng lập đội U23 đá V-League là không cần thiết, bởi nói cho cùng, nếu có tài năng thì cầu thủ trẻ phải đấu tranh cho cơ hội ra sân ở V-League ngay tại CLB của mình chứ không nên dùng đến suất đặc cách.
Vấn đề là dù đã hấp dẫn hơn trước, có nhiều ngôi sao hơn, được hưởng lợi từ thành tích của đội tuyển quốc gia, nhưng tại sao V-League không thể tạo ra được doanh thu nhiều hơn, thu hút hơn các nhà đầu tư? Không có tiền thì đừng hy vọng sẽ tạo ra sự khác biệt nào cả ở một giải đấu mà mọi rắc rối từ trước đến nay đều xuất phát từ việc… thiếu tiền như V-League.
Đơn giản như chỉ cần tạo ra một giải đấu dành cho U23 hay đội hình dự bị diễn ra song song với V-League thì sẽ giải quyết bài toán thi đấu cho cầu thủ trẻ, nhưng kiếm tiền cho V-League còn vất vả, lấy đâu ra nguồn để tổ chức thêm…
Quang Việt
loading...