A+ A A- Kiểu đọc sách

V-League không thể có Rashford

06:16 12/03/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ không thể có một câu chuyện kiểu bỗng nhiên Marcus Rashford nổi lên cứu Man United cả ở đấu trường châu Âu lẫn quốc nội. Dưới đây là lý giải của nhà báo Phạm Tấn với ông chủ quán cafe.

Ông chủ quán: Marcus Rashford đã làm nên một trong những câu chuyện hay nhất của bóng đá Anh mùa này. Và nó làm cho giải Ngoại hạng Anh vốn được hậu thuẫn bởi một phương thức truyền thông mẫu mực về tính thị trường và lan toả ở Anh trở nên đáng xem. Tại sao chúng ta không có những câu chuyện kiểu như thế này?

+ Ở đây, chúng ta hãy loại bỏ yếu tố là bóng đá Việt Nam có những tài năng trẻ như thế hay không. Vấn đề mà tôi cho là cốt lõi nằm ở hệ thống và những quy định lỗi thời của V-League.

Rashford không hề nằm trong danh sách đăng ký thi đấu của Man United từ đầu mùa hay sau giai đoạn lượt đi. Bóng đá châu Âu không buộc các CLB phải đăng ký các cầu thủ trẻ trong danh sách đội 1 mà HLV vẫn có thể sử dụng họ trong các trận đấu ở giải VĐQG.

Họ có quyền được nghiễm nhiên ra sân khi HLV cần. Chính vì thế mà khi Rooney, Martial chấn thương thì HLV Van Gaal đã đưa Rashford lên đội 1 và anh ta không phải xin phép ai để ra sân cả. Tất nhiên, Marcus Rashford còn đá ở cả Europa League nữa, và điều này cho thấy cầu thủ trẻ da màu có nằm trong danh sách đăng ký của Man Utd ở châu Âu ở giai đoạn hai. Nhưng, cả châu Âu đã luôn vận hành theo một quy trình là các cầu thủ trẻ có thể lên đội 1 bất cứ lúc nào nếu muốn khi CLB chỉ đá ở trong nước.


Rashford xuất hiện nhờ cơ chế đăng ký cầu thủ trẻ linh hoạt ở Anh và châu Âu

Trong khi ấy, V-League 2016 có quy định là chỉ có những ai nằm trong danh sách 30 cầu thủ (tối đa) được đăng ký từ đầu mùa hoặc ở giai đoạn hai mới được ra sân. Nó loại trừ hoàn toàn khả năng một cầu thủ trẻ có được cơ hội toả sáng và đóng góp cho CLB của anh ta nếu như không được đăng ký ở mỗi giai đoạn.  

Ở đây, chúng ta hãy đặt ra những tình huống để có thể hiểu thêm sự hạn chế mà nó gây ra: Một cầu thủ trẻ nào đó đang có phong độ rất tốt phải trông chờ tới vài tháng hay cả một mùa giải mới có được cơ hội để thể hiện. Còn CLB đang chơi ở V-League thì què quặt lực lượng lại không thể sử dụng cầu thủ mà họ có trong cơ cấu ở các tuyến của mình.  

Và đây là một trong những cách để phát triển tài năng cầu thủ trẻ?

+ Tôi hay bất cứ ai có lẽ không cần phải nghi ngờ mong muốn của các nhà làm bóng đá Việt Nam hay điều hành V-League mong muốn bóng đá Việt Nam có một tương lai tốt hơn. Đó là lý do tại sao V-League có quy định rằng chỉ có hai cầu thủ ngoại được đăng ký, và mỗi CLB không có nhiều hơn 1 cầu thủ nhập quốc tịch.

Nhưng, thực hiện thì đôi khi trái ngược. Chẳng hạn, chỉ có các cầu thủ đá giải chuyên nghiệp được tạo điều kiện tối đa để đá các giải trẻ miễn là họ không quá tuổi. Nhưng một cầu thủ đã chơi ở chuyên nghiệp khi xuống giải trẻ đá thì chỉ để phục vụ mục đích thành tích cho đội trẻ trong khi mục tiêu cốt lõi là tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ khác có cơ hội ra sân cọ xát. Đây là diều chúng ta đã thấy trong nhiều năm qua, kiểu như Văn Quyến giành Quả bóng Vàng Việt Nam rồi vẫn còn đá giải U21 cho Sông Lam Nghệ An.

Cũng phải nói là hầu hết các quy định của V-League đều được “sinh ra” cách nay gần hai thập kỷ và ít có sự điều chỉnh. Chẳng hạn, danh sách thi đấu của các CLB luôn được chốt trước ngày khai mạc giải. Như năm nay là 2 tuần. Châu Âu thì đá được vài vòng rồi mới chốt.

Nhưng tôi muốn bàn vấn đề mà anh đã bỏ qua: Chúng ta không có những cầu thủ trẻ tốt để sẵn sàng toả sáng.

Ai có thể khẳng định là đã biết hết tất cả những cầu thủ trẻ tiềm năng ở các CLB? Rashford có tiềm năng nhưng cũng chỉ có Van Gaal là tường tận. Vấn đề là bóng đá châu Âu luôn tìm mọi cách để phát triển cầu thủ trẻ.

Van Gaal: ‘Rashford cứu tôi ư? Cậu ta phải cảm ơn tôi mới đúng’

Van Gaal: ‘Rashford cứu tôi ư? Cậu ta phải cảm ơn tôi mới đúng’

Louis van Gaal bác bỏ quan điểm cho rằng Marcus Rashford đã cứu chiếc ghế của ông. Thay vào đó, HLV Hà Lan khẳng định Rashford chính là điển hình cho thành công nhờ tin tưởng vào lứa cầu thủ trẻ. Man United cần phải cảm ơn ông vì điều đó.


Tất nhiên là không phải HLV nào ở Ngoại hạng Anh cũng chú trọng đến đội ngũ cầu thủ mà CLB tự đào tạo, thế nên trước kia có Arsene Wenger mới là người xuất sắc hơn cả trong việc thi thoảng làm cả thế giới giật mình với việc tung ra một vài gương mặt trẻ nào đó. Nay thì có thêm Van Gaal, và đánh bại chính Arsenal bằng một đội hình cũng có thể gọi là “những đứa trẻ của Van Gaal”.

Nếu không phát triển theo cách thức đó thì họ cũng có thể dựa vào hệ thống cho mượn cầu thủ để nuôi dưỡng các tài năng. Chẳng hạn, Andros Towsend đã chơi cho chín CLB khác nhau trong bốn năm thông qua việc cho mượn trước khi trở về Tottenham. Đây là lý do tại sao các trận đấu ở FA Cup hay Cúp Liên đoàn Anh luôn có những bất ngờ vì các cầu thủ trẻ được đem đi cho mượn ở các CLB chơi ở các giải thấp.  

Nhưng Rashford chắc gì sau này sẽ thành một ngôi sao lớn?

Chúng ta thấy có những so sánh Rashford với Macheda, Januzaj, Rossi. Đây chỉ là một cách cảnh báo rằng đừng quá kỳ vọng với hiện tượng ngôi sao trẻ. Van Gaal nói rằng, một cầu thủ trẻ ghi bàn trận đầu hoặc trận thứ hai là rất tuyệt rồi.

Nếu ghi bàn cả ba trận đầu thì đã có sự ổn định. Nhưng ngay cả khi Rashford ghi bàn nữa hay không thì đấy cũng không phải là điều quá quan trọng với những ai quan tâm tới tính hệ thống. Rashford nếu không trở thành cầu thủ lớn sau này thì là do anh ta không có đủ các phẩm chất cần thiết. Còn việc của các nhà quản lý và HLV là phải tạo ra những cơ hội để các cầu thủ trẻ giới thiệu năng lực, toả sáng.

Ban Kỷ luật làm việc bằng dây

Tuần trước, cú đạp thẳng chân của tiền đạo SHB Đà Nẵng James Horace vào ngực trung vệ HAGL Dương Văn Pho thoát án kỷ luật giống như con bò chui qua lỗ kim. Ở một pha bóng mà cầu thủ ra chân theo kiểu bỏ bóng đá người thì thật ngạc nhiên là nhiều người có trách nhiệm như ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban trọng tài, lại ra sức biện hộ rằng đó chỉ là một pha ra chân trượt bóng.

Trong một loạt các án kỷ luật của Ban Kỷ luật VFF ban ra không mảy may bàn tới sự cố xảy ra ngay ở những phút đầu của trận đấu ấy. Cái lý của Ban Kỷ luật là Ban tổ chức giải không gửi báo cáo vụ việc.

Quy trình xử lý một vụ việc ở V-League là trọng tài, giám sát gửi báo cáo, và từ đó Ban tổ chức giải lập hồ sơ gửi lên Ban Kỷ luật. Cái câu án tại hồ sơ mà Trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường hay dùng là vì thế. Cũng phải nói thêm là V-League điều hành bởi VPF, còn Ban Trọng tài với Ban Kỷ luật là của VFF. Nhưng, nếu một vụ việc xảy ra mà chỉ trông chờ vào những báo cáo trên giấy thì hoá ra Ban Kỷ luật của VFF chẳng cần phải xem bóng đá mỗi cuối tuần. Cứ có hồ sơ mới làm. Cứ hồ sơ đưa ra các chứng cớ nào thì lôi Quy chế Kỷ luật ra xử.

Nói một cách hình tượng thì cái ban đó có cơ chế hoạt động bằng dây, giật dây thì nó hoạt động, còn không thì đứng im. Với bóng đá thế giới, khi một vụ việc xảy ra, nếu trọng tài bỏ qua lỗi thì có 2 cách để xử: Trọng tài nói nhìn thấy mà cho rằng ông đã đánh giá theo cảm nhận của mình thì BTC sẽ không phạt thêm, Trọng tài nói không quan sát thấy thì BCT sẽ đề nghị xử nguội.

Nhưng nếu lỗi nghiêm trọng thì có cách thứ ba là vừa xử nguội và xử cả trọng tài. Đằng này, khi mà trọng tài và cả người tung ra cú kungfu đều được cho là đúng và được bảo vệ thì phải lo rằng bạo lực sân cỏ có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Kỳ Anh


Thể thao & Văn hóa cuối tuần

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...