V-League hoãn hay hủy: Nút thắt tài chính
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay (23/7) là hạn chót để các CLB tham dự V-League 2021 trả lời VPF về phương án lùi mùa giải 2021. Tất nhiên, CLB nào cũng muốn giải đấu tiếp tục, nhưng trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, việc thi đấu xét về công tác tổ chức lẫn bối cảnh xã hội đang phải gồng mình chống dịch, V-League diễn ra là điều không thể...
Nhưng, nếu hoãn đến 6-7 tháng thì tạo gánh nặng rất lớn về tài chính cho các đội bóng giống như nút thắt, khó gỡ. Giải pháp nào để vẹn cả đôi đường, là một bài toán không dễ giải.
Như Thể thao & Văn hóa đã phân tích trên các số báo trước, nếu đạt được thỏa thuận về nhân sự cho các ĐTQG tham dự 3 sân chơi quan trọng, bắt đầu từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, nhà tổ chức vẫn dôi ra khoảng hơn 2 tháng, để kết thúc mùa giải 2021 sớm hơn dự kiến. Bắt đầu từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022.
Giải pháp dùng đội tuyển trẻ, cụ thể là U22 Việt Nam, cho sân chơi AFF Suzuki Cup 2021, chưa từng được tính đến. Nhưng trong bối cảnh này, tại sao không giao nhiệm vụ kép cho số cầu thủ vốn không giữ vai trò cốt lõi tại các CLB V-League? Vả lại trước đó, SEA Games 2021 đã lùi qua năm 2022, nên kế hoạch tập trung với U22 Việt Nam gần như không thay đổi.
Trở lại với hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ứng biến với thiên tai hay dịch họa, mâu thuẫn về quyền lợi xảy ra là bình thường. Nhiều địa phương và CLB khó, thậm chí muốn kết thúc mùa bóng luôn, để tập trung mọi nguồn lực cho phòng chống và dập dịch Covid-19. Nhưng, bóng đá chuyên nghiệp đâu dễ như cái phủi tay. Kèm theo đó là rất nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích cá nhân và tập thể.
VPF có vẻ như không gặp vấn đề gì trong tài phán với các nhà tài trợ, đặng cân đối quyền lợi và lợi ích rõ nhất của nền bóng đá và của cả quốc gia, với vấn đề chống dịch. Nếu nhà trợ cảm thấy thiệt, họ hoàn toàn có thể được bù đắp ở một hạng mục khác. Quảng bá sản phẩm là thế.
Tuy nhiên, mâu thuẫn lớn là tìm được tiếng nói chung giữa CLB và nhà tổ chức, thậm chí giữa CLB với CLB. Về lý thuyết, VPF điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, song trên thực tế phải thuận theo chỉ đạo từ VFF. Tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý nền bóng đá này cũng phải nghe những chỉ đạo từ Tổng cục TDTT và cao hơn nữa là Bộ VH, TT&DL. Thế nên, quyết một vấn đề không hề đơn giản là thế.
Thiệt hại về kinh tế, trong quản trị một đội bóng, không quá khó cân-đo-đong-đếm. Bóng đá không phải ngành sản xuất hay xuất khẩu, với số lượng lao động thuộc địa hạt cũng giới hạn. Nó là một môn thể thao vị thành tích, giải trí và thậm chí là một trò chơi, tùy góc nhìn của mỗi người.
Từ thể thao, bóng đá, ngó qua du lịch, vốn là người hàng xóm cùng Bộ quản lý, còn khó hơn nhiều. Gần 2 năm qua, ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam tê liệt hoàn toàn. Thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.
Nên bóng đá, nghĩ đơn giản thì là đơn giản, phức tạp nghĩa là nó phức tạp. Hơn phân nửa các CLB ở V-League được bảo hộ bởi các tập đoàn kinh tế lớn, số tiền bỏ ra nuôi bóng đá, thật không là gì so với các dự án khác. Nói hơi quá, nó chỉ như nhà giàu giẫm phải cái gai.
Vấn đề lớn lúc này là sự bị động. Du lịch bị động, thể thao vốn tiên phong cũng bị động, trong một tổng thể xã hội căng mình phòng chống dịch bệnh. Lúc này, tuyến đầu không chỉ là mảng y tế hay quân đội, công an nữa, mà từ chính các tế bào của xã hội, các gia đình và từng người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà. Vậy thì còn bóng bánh gì nữa.
Cần có khoảng lùi cần thiết, đã vắt qua 3 tháng rồi, thì thêm 3 tháng hay nửa năm nữa ngưng lại, tạo vùng an toàn cho bóng đá, để trở lại mạnh mẽ hơn. Qua mùa Xuân năm sau, chúng ta bắt đầu một chương mới, nối phần còn lại của mùa bóng dang dở 2021. Đấy dường như là lựa chọn khả dĩ nhất và nó đòi hỏi cả nền bóng đá phải hy sinh. Thật khó thể tính thiệt hơn vào lúc này, khi cả cộng đồng còn đang khó.
VPF và cao hơn là VFF, chỉ cần quá bán những cánh tay đưa lên cho giải pháp tối ưu có thể, là quyết được. Nếu không thể quyết việc của mình, thì chỉ còn cách... thay đội bóng, thay khán giả!?
CCKM