(Thethaovanhoa.vn) - Tiền vệ Oloya Moses đã chia tay B.Bình Dương để sang Nga thi đấu cho CLB Kuban Krasnodar. Không may mắn như Moses, một ngoại binh khác ở V-League dù nhận được lời mời của một CLB châu Âu danh tiếng hơn rất nhiều so với Kuban Krasnodar, nhưng lại không thể ra đi. Đấy là vụ chuyển nhượng bất thành sang Atletico Madrid của Hoàng Vũ Samson diễn ra 5 năm về trước.
Giữa tháng 8/2011, bóng đá Việt Nam sửng sốt trước chuyện CLB lừng danh Tây Ban Nha Atletico Madrid muốn chiêu mộ tiền đạo Samson Kayode (giờ là Hoàng Vũ Samson – PV). Đó là sự thật nhưng còn một sự thật khác khi trước đó Samson đã kí giao kèo thi đấu 3 năm cho CLB Hà Nội T&T.
Tuy nhiên, Samson đã không thể đàm phán được với Hà Nội T&T để ra đi ổn thỏa. CLB Thủ đô khi đó đưa cho Samson 2 lựa chọn. Một là ở lại thực hiện đúng hợp đồng đã kí. Hai là cho phép ra đi nếu Samson trả lại ít nhất 2 triệu USD và vài khoản phụ khác bao gồm tiền lót tay đã ứng từ trước.
Cuối cùng ai cũng biết Samson ở lại và cùng Hà Nội T&T trở thành một thế lực lớn tại V-League. Khi đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T, rằng: “Hà Nội T&T đã làm thế nào để Samson chấp nhận từ chối một lời chào mời hấp dẫn từ châu Âu và giờ toàn tâm toàn ý cống hiến cho CLB”, ông Hội lý giải: “Cơ bản Samson đã kí hợp đồng với Hà Nội T&T và kí hợp đồng lâu dài. Samson rất biết điều đó. Và mọi người cũng nói rằng môi trường Hà Nội T&T là một môi trường tốt, cũng như là khát vọng, mục tiêu phấn đấu của đội luôn luôn có. Bởi vậy, Samson yên tâm ở lại cống hiến cho đến tận bây giờ. Atletico nếu kí là sai.
Nói chung mỗi CLB đều có cách làm riêng. 7 năm nay rồi, không chỉ Samson mà cả Văn Quyết, Thành Lương đều muốn ở lại cống hiến cho Hà Nội T&T. Chúng tôi luôn làm được điều đó và luôn hướng tới thành tích cao nhất ở mỗi giải đấu”.
Dĩ nhiên, cơ sở để Hà Nội T&T giữ lại Samson sáng sủa hơn nhiều so với việc Bình Dương giữ Moses. Có thể bỏ qua yếu tố tài chính bởi cả Hà Nội T&T và B.Bình Dương tiềm lực về tiền bạc ra sao, ai cũng đã rõ.
Có thể xét đến 2 yếu tố khác biệt cơ bản là khả năng tài chính phá vỡ hợp đồng và động lực thi đấu của cầu thủ đó. Với Samson, anh phải tự bỏ ra khoản tiền hơn 2 triệu USD để được giải phóng hợp đồng, một số tiền quá lớn. Trong khi đó, Atletico không chi một số tiền như vậy cho một cầu thủ tiềm năng ở giải đấu cấp thấp như V-League.
Ở tuổi 23, Oloya Moses đã thâu tóm tất cả những danh hiệu tập thể cao quý nhất với bóng đá Việt Nam. Ở tuổi 23, tiền vệ người Uganda được thừa nhận năng lực xuất sắc từ chính những đồng nghiệp Việt thi đấu cùng vị trí.
Còn với Moses, anh chỉ phải trả 500.000 USD để được ra đi, CLB Kuban sẵn sàng móc hầu bao. Không những thế, Moses chỉ còn 1 năm rưỡi hợp đồng với B.Bình Dương. Nếu càng để lâu cái giá B.Bình Dương càng bất lợi. Và việc để một cầu thủ không còn nghĩ đến CLB ở lại sẽ càng làm nội bộ đội bóng rối bời.
Nhưng quan trọng nhất, động lực thi đấu mới là điều quyết định việc đi hay ở. Trước đó, để sang được Hà Nội T&T, Samson đã làm mình, làm mẩy với CLB chủ quản là TĐCS Đồng Tháp ở mùa giải 2011. Sang Atletico Madrid là niềm mơ ước, nhưng khi không sang được anh vẫn còn động lực chinh phục V-League cùng Hà Nội T&T. Đồng thời được đãi ngộ rất tốt, và quan trọng cảm giác làm “vua” tại một giải đấu khiến Samson bắt đầu có thể từ bỏ mơ ước.
Moses cũng ra đi ở độ tuổi tương tự Samson, 23 tuổi. Nhưng hiện tại, mọi danh hiệu tập thể ở Việt Nam, Moses đã có, trừ việc chinh phục Cúp châu Á mà thôi. Đẳng cấp được khẳng định ở một độ tuổi sung mãn nhất, danh hiệu đã no nê, việc Moses muốn ra đi để tìm thử thách mới âu cũng là hợp lý.
Và đây cũng có thể là một bài học nữa cho các đội bóng tại V-League trong việc cài cắm các điều khoản phá vỡ hợp đồng của một cầu thủ.
Samson không còn nuối tiếc giấc mộng châu Âu
Trao đổi với chúng tôi,Samson cho rằng những nuối tiếc đã ở lại cách đây 4 năm, còn hiện tại anh đang cống hiến cho Hà Nội T&T: “Chuyện của 4 năm trước hãy để lại đó. Hiện tại tôi cảm thấy hạnh phúc tại Hà Nội T&T. Tôi phải cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội, các HLV và đồng đội đã tin tưởng tôi suốt thời gian qua. Hà Nội T&T thật sự là một CLB lý tưởng cho bất cứ cầu thủ nào”.
V-League từng kéo ngoại binh giỏi từ Nga
Ở thời kỳ đỉnh cao vào giai đoạn 2007-2009, V-League thậm chí còn là điểm đến hấp dẫn hơn cả châu Âu. Leandro, ngoại binh xuất sắc nhất trong lịch sử Hải Phòng ở V-League, từng tiết lộ với phóng viên Thể thao & Văn hóa rằng anh đã được một đội bóng ở giải VDDQG Nga và một đội hạng Nhì ở Tây Ban Nha mời sang châu Âu chơi bóng, nhưng khi đấy Leandro đã từ chối vì mức lương quá hấp dẫn ở Hải Phòng khiến cầu thủ này không thể chối từ. Leandro nói rằng chưa bao giờ anh ân hận vì quyết định không sang châu Âu thi đấu trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. |
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa