(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Hwangbo Kwan, GĐKT LĐBĐ Hàn Quốc, nhân dịp ông tới Việt Nam tham dự một cuộc hội thảo do VFF tổ chức.
* Thưa ông Hwangbo Kwan, ông có thể chia sẻ đôi chút về công việc của một GĐKT ở LĐBĐ Hàn Quốc?
- GĐKT Hwangbo Kwan: Ở Hàn Quốc, GĐKT với HLV trưởng ĐTQG có quan hệ rất chặt chẽ. 2 bên cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau để phát triển nền bóng đá. Chúng tôi giúp nhau tuyển chọn VĐV cho ĐT, chuẩn bị chiến lược trước từng đợt tập trung, từng trận đấu. GĐKT là người đưa ra các kế hoạch chung, thường là kế hoạch dài hạn tầm 5 năm còn HLV là người đưa ra chiến lược cụ thể để ĐT đạt thành tích tốt trong thi đấu.
* Ít ngày trước khi ông tới đây, VFF đã bổ nhiệm HLV Jurgen Gede làm GĐKT cho bóng đá Việt Nam với hợp đồng 2 năm. Ông nghĩ thế nào về thời gian 2 năm ấy?
- Thời gian 2 năm không phải là dài cho một GĐKT. Các bạn phải hiểu vai trò của GĐKT. Để đào tạo được cầu thủ tốt, chúng ta phải đào tạo được HLV tốt. 2 năm là hơi ngắn để có thể đóng góp cho sự thay đổi của một nền bóng đá. Vị trí GĐKT rất khó và phải chịu nhiều áp lực.
Để phát huy được hết khả năng và thành công, một GĐKT phải nhận được sự tôn trọng và đồng thuận từ các HLV làm việc cùng. Việc hợp tác cùng Chủ tịch LĐBĐ cũng rất quan trọng. Có những vấn đề nhạy cảm như đầu tư bao nhiêu, chọn dự án nào, GĐKT đều cần trao đổi với Chủ tịch LĐBĐ.
* K-League Classic nổi tiếng là giải đấu đã đưa nhiều cầu thủ trẻ Hàn Quốc ra châu Âu thi đấu. Bóng đá Việt Nam có thể học được gì từ điều này?
- Để phát triển bóng đá Việt Nam, có 2 trụ cột chính cần được quan tâm. Thứ nhất là đào tạo cầu thủ. Thứ hai là đào tạo HLV. 2 trụ cột đó phải cân bằng, phát triển song song thì mới giúp cầu thủ phát huy hết khả năng của mình.
Chúng ta phải xây dựng hệ thống huấn luyện, đào tạo bài bản, phát triển cầu thủ ngay từ khi còn nhỏ. Như ở Hàn Quốc, môi hình bóng đá học đường đã thay đổi. Bây giờ, chúng tôi chủ yếu đào tạo cầu thủ từ các CLB. Xây dựng mô hình CLB rất cần vai trò của các LĐBĐ quốc gia, giúp cầu thủ được đào tạo từ khi còn rất nhỏ.
Ở Việt Nam, nền bóng đá chưa phát triển nên chúng ta chưa chú trọng tới đào tạo trẻ. Trước kia, Hàn Quốc cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều về đào tạo trẻ. Người đưa ra chính sách đào tạo trẻ có vai trò rất quan trọng. Họ phải chú ý tới thành tích vì thành tích có tốt mới thể hiện được chính sách đã phát huy hiệu quả.
Phát triển bóng đá trẻ, phải tạo ra những lớp trẻ chơi tốt ngay từ đầu. Lớp trẻ đá tốt thì lớn lên, chúng ta mới có một thế hệ tốt dần lên. Chú trọng phát triển bóng đá trẻ là phát triển dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Nói thì dễ nhưng làm bóng đá trẻ thực sự khó.
Dưới lăng kính của một người sẽ làm việc với vị chiến lược gia người Đức, HLV Hoàng Anh Tuấn đã có những chia sẻ về chức danh này cũng như về Euro 2016 với Thể thao & Văn hóa cuối tuần.
Hàn Quốc hiện có một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ tùy theo từng độ tuổi. Để tạo ra một cầu thủ hàng đầu, cầu thủ nhí thi đấu bao nhiêu trận một năm không quan trọng bằng việc họ có được huấn luyện bài bản không. Tiêu chuẩn bóng đá ngày càng cao nên dù cầu thủ có năng khiếu, các CLB cũng không thể ngay lập tức đưa họ về đội bóng. Điều quan trọng là cầu thủ đó có được đào tạo bài bản hay không.
* Bóng đá Việt Nam cũng đang có một cầu thủ chơi ở K-League Classic là Lương Xuân Trường. Ông đánh giá thế nào về cầu thủ này?
- Tôi có được nghe rằng Xuân Trường là một cầu thủ rất tiềm năng và có thể phát triển trong tương lai. Nhưng hiện tại, cậu ấy nhỏ tuổi quá. Cậu ấy sẽ phải chờ thêm vài năm nữa để lớn hơn, phát triển hơn và thích nghi với môi trường K-League. Thích nghi là yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới thể lực của cầu thủ. Mà thể lực là yêu cầu hàng đầu trong thi đấu.
Về khía cạnh kỹ thuật, tôi thấy cậu ấy có kỹ thuật rất tốt. Chỉ cần thích nghi với môi trường, cậu ấy sẽ còn nhiều điều kiện phát triển.
Bạch Dương (ghi)
Thể thao & Văn hóa