loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi quyết định lịch sử thay đổi thời gian diễn ra các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu quốc gia, những cầu thủ đang chơi bóng ở Thai League như Văn Lâm không chỉ chịu cảnh “bó chân” dài hạn mà nền bóng đá xứ Chùa Vàng còn rối bời bởi nhiều vấn đề khác.
Bóng đá Việt Nam hôm nay. HLV Park Hang Seo cần sẵn sàng phương án thay thế thủ môn Đặng Văn Lâm.
Đầu tiên chính là việc từ cỡ ngôi sao như Văn Lâm tới các cầu thủ ở giải hạng 3, hạng 4 Thái Lan đều đang chịu chung tình cảnh ở nhà và tập chay. Thời gian càng kéo dài, cầu thủ càng chán nản và đến hiện tại, vấn đề lương bổng lại phát sinh khi nhiều CLB không có nguồn thu để bù đắp.
Bangkok United, Buriram United, Port FC và Muangthong United của Văn Lâm, 4 ông lớn hàng đầu Thai League là những CLB phải chi nhiều nhất cho quỹ lương cầu thủ. Đây là 4 CLB sở hữu những ngoại binh đắt giá nhất của Đông Nam Á và nếu V-League chỉ có Alex Lima (TP.HCM) lọt trong TOP 13 của các cầu thủ đắt giá nhất chơi bóng ở ASEAN hiện tại thì Thái Lan có tới 8 cái tên.
Những cầu thủ đắt giá nhất có thể kể tới Sardor Mizaev (Muangthong United) có giá trị tới 1,5 triệu euro, Heberty (Port FC, 1 triệu EURO), Brenner Marlos (Bangkok United, 850.000 euro)… Năm ngoái, Diogo, ngoại binh “số má” ở Buriram United nhận lương cả tỷ đồng/tháng, sau khi nhận lời đề nghị gấp đôi từ đội bóng nhà giàu Johor Darul Tazim đã chuyển sang Malaysia thi đấu.
Các CLB Thái Lan oằn mình trả lương cho các ngôi sao nhưng điều trớ trêu với họ mà truyền thông xứ Chùa Vàng tiết lộ là nhiều đội chỉ ký hợp đồng ngoại binh trong nửa mùa bóng. Điều này đồng nghĩa nếu bóng vẫn lăn bình thường ở Thai League, các ngoại binh sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng 6 tới đây.
Và hiện tại do bóng không lăn, các CLB có thể sẽ mất hàng triệu USD trả lương cho các cầu thủ mà họ không phải thi đấu trước khi nhận giấy thanh lý. Dù được LĐBĐ Thái Lan (FAT) bật đèn xanh giảm 50% lương cầu thủ, nhưng như thế cũng không giải quyết được nhiều vấn đề. Với hơn 20.000 USD/tháng tiền lương trung bình của một ngoại binh, khi không có thu nhập, các CLB Thái Lan cũng khó xoay sở.
Mới đây, CLB Ayutthaya United ở Thai League 2 đã chính thức xác nhận giải tán vì không thể tồn tại. CLB trả cho ngoại binh cao nhất ở đây tới hơn 200 triệu đồng/tháng và chi phí từ đầu năm đến nay đã tốn hơn 3,7 tỷ đồng.
Nhưng nếu không muốn mất trắng những cầu thủ tốt đã hiểu lối chơi của CLB do tập luyện chung với nhau từ cuối năm ngoái, các đội bóng cũng phải tìm cách để giữ người. Họ sẽ phải tiếp tục đàm phán hợp đồng với các cầu thủ thêm một lần nữa trước khi giải trở lại vào tháng 9 năm nay.
Một nghịch lý khác là FAT đang đề xuất mỗi CLB sẽ chỉ được thay đổi 5 cầu thủ khi giải trở lại vào tháng 9 tới so với danh sách đăng ký ban đầu đã gửi cho FAT từ tháng 2 năm nay. Như thế, các CLB buộc phải tiếp tục gánh chịu thêm một khoản chi phí khổng lồ khi giải kéo dài.
Nhiều CLB cũng không nghĩ sẽ cho cầu thủ chỉ tập chay trong 5-6 tháng. Mùa bóng 2020-2021 của bóng đá Thái Lan có thể nặng nề hơn nhiều mùa giải khác cộng lại, trong khi số tiền kiếm được ngoài bản quyền truyền hình thì tiền bán vé, vật phẩm lưu niệm không thể như trước.
Bóng đá Thái Lan còn phải viết đề xuất tường trình lên FIFA về việc xin gia hạn thời gian đăng ký chuyển nhượng cầu thủ. FAT kỳ vọng FIFA sẽ cho thêm 2 tuần để các CLB thương lượng đăng ký cầu thủ mới.
Ngoài ra, do thời gian tổ chức lệch với nhiều giải đấu trong châu lục nên Thai League sẽ cử đại diện xếp hạng 1 tới hạng 4 sau khi kết thúc lượt đi để dự AFC Champions League và AFC Cup 2021. Điều này có thể dẫn tới việc ảnh hưởng chất lượng giải đấu quốc nội lẫn châu lục.
Việt Hà
loading...