A+ A A- Kiểu đọc sách

Văn Lâm và ảnh hưởng của bóng đá Thái Lan

13:59 15/04/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải chỉ mới gần đây, Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung đăng đàn khẳng định muốn Thai League phủ sóng ở khu vực Đông Nam Á mà từ trước đó rất lâu, người Thái đã mong khai thác triệt để thị trường ASEAN.

Đừng lo, nếu Văn Lâm vắng mặt tại AFF Cup 2020

Đừng lo, nếu Văn Lâm vắng mặt tại AFF Cup 2020

Viễn cảnh đội tuyển Việt Nam không có Đặng Văn Lâm tại AFF Cup 2020 trở nên rõ ràng hơn khi Thai League, giải đấu mà thủ môn này đang đầu quân cho CLB Muangthong United, phải tới tháng 9 mới trở lại, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Với cách tính của người Thái, ASEAN có thể là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030. Ở thị trường khoảng 700 triệu dân, doanh thu cỡ 2.600 tỷ USD, Đông Nam Á vẫn có nhiều điều hấp dẫn mà bóng đá Thái Lan có thể chinh phục ngay trong ngắn hạn và đầy thực tế, thay cho những mộng ước khá viển vông như vươn tầm châu lục hay thế giới.

Đó chính là lý do người Thái nhẫn nại trong cách tiếp cận thị trường khu vực nhiều năm qua. Việc Văn Lâm được Muangthong United bỏ ra số tiền khổng lồ so với mặt bằng chung ở V-League để giải phóng hợp đồng và sang Thái Lan chơi bóng cho thấy người Thái “chịu chi” và “chịu chơi” đến mức nào.

Mùa này, Thai-League cho phép các đội đăng ký đến 4 cầu thủ ở khu vực ASEAN trong đội hình và xem họ như nội binh. Các CLB Thái Lan chỉ chiêu mộ toàn tuyển thủ quốc gia của các đội tuyển trong khu vực, nhưng thống kê cho thấy ngoài Văn Lâm, không nhiều người thành công ở giải đấu hàng đầu khu vực này.

Chú thích ảnh
Văn Lâm tham gia chiến dịch tuyên truyền phòng chống Covid-19 của CLB Muangthong United. Ảnh: Muangthong United

Philippines là quốc gia có số cầu thủ đang chơi ở Thai-League nhiều nhất Đông Nam Á. Tiếp đó là Singapore, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Lào và Việt Nam. Trong bảng thống kê tiền lương các giải đấu hàng đầu khu vực, Thai-League hiện tại đã ngang ngửa Malaysia Super League do nguồn thu từ bán vé, tài trợ và bản quyền truyền hình khấm khá.

Cụ thể, mỗi CLB hạng 1 Thái Lan được trả gần 20 tỷ tiền bản quyền/mùa, nhiều CLB kiếm được gấp đôi số tiền này do được hơn chục đối tác doanh nghiệp lớn hỗ trợ đồng hành trong nhiều mùa giải…

Do đó, không khó hiểu khi Văn Lâm được nhận lương tháng đến chục nghìn USD và nhiều khoản đãi ngộ hấp dẫn khác đi kèm khi chơi cho đội bóng nhà giàu Thái Lan.

Thai-League vẫn đang kiên nhẫn mở rộng thị trường ở khu vực ASEAN và Việt Nam dù khó tiếp cận, nhưng mục tiêu này chưa bao giờ không có trong suy nghĩ của người làm bóng đá xứ Chùa Vàng. Đó có thể là lý do mà những lời mời chào các tuyển thủ tiềm năng đất Việt luôn được gửi tới từ người Thái.

Việt Hà

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...