loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày vừa qua, thông tin CLB Hà Nội chính thức áp dụng quy định chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo của cầu thủ, HLV đã nhận được rất nhiều sự chú ý và có cả tranh cãi từ dư luận.
Tiếp tục vấn đề LS V-League 2020 khi trở lại sẽ đá theo phương thức nào cho có được tính hợp lý, cùng với câu chuyện bóng đá Việt có nên áp dụng khuyến cáo của FIFA về việc được phép thay tối đa 5 cầu thủ trong 1 trận đấu hay không? Đó là những vấn đề mà Thể thao & Văn hóa tiếp tục nhận được những ý kiến cũng như quan điểm từ lãnh đạo các đội bóng trong nước.
Với bóng đá Việt Nam thì đây là lần đầu tiên có một đội bóng đưa ra yêu cầu cụ thể và chi tiết như vậy dành cho các thành viên của mình khi họ có thêm nguồn thu từ bên ngoài, còn với bóng đá thế giới thì câu chuyện này chẳng còn xa lạ gì, và nó luôn là vấn đề khó tìm được tiếng nói chung nhất giữa cầu thủ với CLB.
Khi còn khoác áo Real Madrid, Cristiano Ronaldo đã có 2 lần xung đột với CLB vì khúc mắc xung quanh vấn đề bản quyền hình ảnh, và trong cả 2 lần Real đều phải nhượng bộ Ronaldo. Tương tự như thế, tại CLB Barcelona, Lionel Messi cũng từng phát sinh mâu thuẫn với lãnh đạo CLB vì chuyện bản quyền hình ảnh, và Barca cuối cùng phải chấp nhận phần thua thiệt.
Tuy nhiên, khác với Ronaldo hay Messi, ít có khả năng CLB Hà Nội sẽ nhượng bộ cầu thủ nào của mình trong vấn đề chia sẻ thu nhập từ quảng cáo, cho dù đấy là Quang Hải hay bất cứ ngôi sao nào khác của đội bóng Thủ đô, vì một lý do muôn thủa là bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn vận hành theo một kiểu thật sự khác biệt so với thế giới.
Xét về lý thuyết, đội bóng chủ quản của cầu thủ có quyền yêu cầu cầu thủ của mình phải chia sẻ thu nhập kiếm được từ quảng cáo, vì CLB nắm quyền quản lý và khai thác cầu thủ trên sân cỏ cũng như giá trị gia tăng (gắn với quyền lợi của họ), nhưng “chặt chẽ” tới mức quy định cầu thủ phải chia sẻ mọi nguồn thu từ các hoạt động thương mại bên ngoài, kể cả mạng xã hội như Facebook hay Zalo, thì bóng đá thế giới không có nhiều.
Trong trường hợp này, cầu thủ có rất ít cơ hội để bày tỏ sự không đồng tình, nếu có, và họ chỉ có thể làm như vậy khi thương thảo hợp đồng mới với CLB, mà cơ hội này thì vốn không có nhiều, bởi sự nghiệp thi đấu của cầu thủ thường không quá 10 năm và số lần thương thảo hợp đồng mới của họ vì thế cũng khó vượt quá 1 bàn tay.
Cũng sẽ có ý kiến cho rằng tất cả cầu thủ và HLV đều thống nhất sẽ chia sẻ thu nhập từ quảng cáo với CLB nên nếu có ý kiến phản đối là đi ngược lại quyền lợi của số đông, song vấn đề đặt ra ở đây là không phải mọi cầu thủ tại đội bóng đều có cơ hội kiếm tiền từ bên ngoài như nhau, và điều này chỉ rơi vào một số trường hợp cá biệt tới mức đặc biệt, nên cũng không loại trừ khả năng có nhiều người bỏ phiếu tán thành việc chia sẻ thu nhập từ quảng cáo mà trên thực tế họ chẳng có bất cứ khoản thu nhập nào như thế.
Nói tóm lại, ứng xử với đồng tiền luôn là một vấn đề vô cùng tế nhị và nhạy cảm mà nếu không xử lý khéo léo có thể sẽ mang tới vô vàn rắc rối, và trong quá trình chuyên nghiệp hóa một cách thực thụ, bóng đá Việt Nam cũng phải dần dần làm quen với câu chuyện thế này.
Huy Anh
loading...