loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/10/2003, Muscat, Oman, phút thứ 74, Tuấn Phong xẻ một đường bóng xuống cho Văn Quyến phá bẫy việt vị. Một pha kết thúc lạnh lùng, Quyến béo hạ gục “người nhện” Lee Woon Jae, ghi bàn thắng duy nhất trận đấu, giúp đội tuyển Việt Nam tạo nên cơn đại địa chấn Muscat, vượt qua đương kim đệ tứ anh hào thế giới vào thời điểm đó: Đội tuyển Hàn Quốc.
Đấy là trận lượt về bảng E, vòng loại thứ 2 ASIAN Cup 2004. Cho đến lúc này, 15 năm đã qua đi, đó vẫn là một kỷ niệm không thể nào quên với một thế hệ cầu thủ đầy tài năng của bóng đá Việt Nam, đầu những năm 2000.
Trước đó, trận lượt đi diễn ra ở Incheon, Hàn Quốc như thường lệ đã không mấy khó khăn để thắng Việt Nam với 5 bàn không gỡ. Tại vòng loại ASIAN Cup 2004, thủ môn Thế Anh của đội tuyển Việt Nam thậm chí còn bị Oman cho vào lưới nhặt bóng đến 8 lần, sau 2 lượt trận.
Clip Highlight U23 Nepal 0 - 2 U23 Việt Nam
Nhắc lại chuyện cũ không phải với đội tuyển U23 Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đối đầu với U23 Hàn Quốc ở vòng knock-out đầu tiên ASIAD 18, mà chúng ta nhắc lại kỷ niệm đẹp cách đây đã 15 năm.
Ở nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử, kể từ sau hội nhập trở lại, bóng đá Việt Nam ở các cấp độ ĐTQG chưa thể nói chuyện tay đôi với bóng đá xứ Hàn. Chúng ta thậm chí không “cùng mâm” với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran, Iraq..., những nền bóng đá hàng đầu, bất kể quân ông Park vừa giành ngôi á quân U23 châu Á 2018.
Nhưng, với những người có trí nhớ tốt, thì thời điểm năm 2003 ấy, đội tuyển Việt Nam của HLV Alfred Riedl đã dùng thuần các cầu thủ U23, tức 23 tuổi trở xuống, để chơi các trận vòng loại giải vô địch châu Á 2004, nơi mà hầu hết các nền bóng đá mạnh của châu Á đều dùng ĐTQG.
VFF và HLV Riedl đã thống nhất với nhau về một chiến lược chuẩn bị cho SEA Games 22 trên sân nhà và khi ASIAN Cup vẫn là sân chơi quá tầm với nền bóng đá, thì nó hoàn toàn vẫn có thể trở thành bàn đạp. Không thành công cũng thành nhân. Đội tuyển U23 Việt Nam đã thu về rất nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích, để rồi chơi như lên đồng tại Mỹ Đình cuối năm đó.
Môn bóng đá nam ASIAD 18 rõ ràng không thể so về mặt đẳng cấp với ASIAN Cup, dù một vài đội bóng như kiểu Hàn Quốc, tỏ rõ tham vọng giành HCV thực sự, bằng chất lượng đội hình của họ.
Nhưng đây đơn thuần vẫn chỉ là sân chơi dành cho bóng đá trẻ châu lục, có sự kết hợp giữa Uỷ ban Olympic châu Á (OCA) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), để kích thích sự phát triển của bóng đá châu lục. Bóng đá trẻ với người trẻ, hoàn toàn có thể làm nên những điều không tưởng. Trước Thường Châu 2018, hãy nhớ về Muscat 2003.
Giới truyền thông Nhật Bản đã đưa ra những phân tích về U23 Việt Nam trước cuộc đại chiến ở bảng D ASIAD 2018.
Chúng ta đã đặt tham vọng lớn hơn cột mốc vòng 1/8 tại Tây Java lần này, vậy thì tại sao phải ngại, trước bất cứ đối thủ nào. Phải tin rằng mình có thể. U23 Nhật Bản ở lượt trận cuối tranh ngôi thứ bảng D hay thậm chí là U23 Hàn Quốc ở vòng 16 đội, thì đã làm sao?!
Một đôi trận thua có thể khiến thầy trò ông Park Hang Seo đôi chút thất vọng, vì vỡ chiến dịch, nhưng nếu nó giúp ích cho cả một chiến lược phát triển - nâng tầm của bóng đá Việt Nam, thì đấy là cái lợi lớn. Hãy vững tin và tiến lên nào các chàng trai của ông Park.
Tùy Phong
loading...