loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chứng kiến những pha vào bóng triệt hạ của các cầu thủ U15 SLNA nhằm vào đồng nghiệp bên kia chiến tuyến – U15 Viettel, trong trận bán kết 1 giải U15 quốc gia 2017, người xem không khỏi ngán ngẩm.
Chúng ta phải đặt câu hỏi, liệu thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng có quyết giành vàng SEA Games 29 bằng mọi giá, để khi cần có thể triệt hạ đối thủ theo cách này?
U15 SLNA đã thua 0-2 ở trận bán kết giải đấu đang diễn ra tại Tây Ninh, đồng thời không thể bảo toàn được quân số, khi trọng tài nổi còi mãn cuộc (đội trưởng của họ phải nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân, thời điểm cuối hiệp nhì). Mặc dù vậy, từ quân đến tướng, xứ Nghệ không có biểu hiện nào cho thấy cần phải ăn năn, hối tiếc cả.
Trở lại với U22 Việt Nam, dưới triều đại HLV Nguyễn Hữu Thắng, dù bóng đá không tránh khỏi những pha tranh chấp quyết liệt, nhưng đến thời điểm này, hiếm khi chúng ta phải chứng kiến những hành vi bạo lực của Công Phượng và đồng đội. Cổ nhân dạy, bạo lực là biểu hiện của kẻ yếu, trong khi đó, đội tuyển U22 Việt Nam đang trong vai kẻ mạnh, vừa chinh phục thành công suất chơi VCK U23 châu Á 2018 và tới đây là màu vàng chiếc huy chương môn bóng đá nam.
HLV Nguyễn Hữu Thắng đã chủ trương mềm hoá lối chơi của đội bóng, thông qua nòng cốt các cái tên trong đội hình là người của HAGL. Tại Pleiku, Hồng Duy, Đông Triều và Văn Sơn là những cầu thủ có “khí chất” chơi rắn, rát và thậm chí là tiểu xảo, nhưng họ đã biết tiết chế, đấy là chưa kể, không một ai trong số này chắc suất chơi chính ở U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Trung vệ Văn Khánh sau bài học hồi còn khoác áo U19 Việt Nam, cũng đã biết chơi “đầu óc” hơn.
Cầu thủ cần được khuyến khích chơi bóng, khi bước vào trận đấu, thay vì tìm cách triệt hạ, phủ đầu và phá lối chơi của đối thủ. Bóng đá giống nhau về luật chơi, bản chất, nhưng khác biệt được tạo ra bởi đẳng cấp chơi bóng. Khi đẳng cấp thua thiệt, thì ngay cả những hành vi bạo lực như một số cầu thủ U15 SLNA nhằm vào đồng nghiệp bên phía U15 Viettel vừa rồi, thì đúng là chưa được vạ má đã sưng. Ngoài ra, cần lưu ý tại đấu trường quốc tế, các trọng tài luôn rất nghiêm khắc.
Tối 10/8, đội tuyển U22 Việt Nam đã có mặt tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), bắt đầu hành trình chinh phục tấm HCV SEA games, danh hiệu cấp khu vực duy nhất còn thiếu trong bảng thành tích của bóng đá nam Việt Nam.
Đội tuyển U22 Việt Nam sẽ phải trải qua ít nhất 7 trận đấu tại SEA Games 29, trong vòng 15 ngày, nếu muốn giành được tấm HCV, trong khi chỉ được đăng ký 21 cầu thủ theo quy định. Nếu chúng ta phung phí thẻ phạt bởi những hành vi thiếu chuẩn mực, hao binh tổn tướng không cần thiết, để đến thời khắc quyết định lại buông giáo khiên, như điệp khúc quen thuộc giải thích cho các thất bại: “Chúng tôi mất quá nhiều các trụ cột vì chấn thương và thẻ phạt”.
Bài học ở AFF Suzuki Cup 2016 hẳn vẫn còn chưa ráo mực, khi tại trận bán kết lượt về trước Indonesia, đội tuyển Việt Nam của ông Thắng thua vì không thể bảo toàn được quân số, chứ không phải chúng ta chơi kém hơn đối thủ. Sự quyết liệt trong bóng đá khác hoàn toàn về bản chất so với các hành vi hoặc biểu hiện hành vi bạo lực, đấy là điều mà ngay cả "dân ngoại đạo" cũng nắm rõ. Các cú tackle trong bóng đá chỉ được xem là giải pháp cuối cùng, không được khuyến khích.
Sai một li, đi cả giấc mộng vàng chứ chẳng chơi!
Tùy Phong
loading...