loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tấm vé dự VCK giải U23 châu Á 2018 là một thành quả nữa của U22 Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng, nhưng tấm vé ấy chẳng hề là sự đảm bảo chắc chắn cho thành công tại SEA Games 29 tới.
1. Vẫn biết mọi so sánh trong bóng đá chỉ là tương đối. Nhưng nếu ngược lại 2 năm trước cũng tại vòng loại U23 châu Á thì lần đó, U22 Việt Nam giành suất dự vòng chung kết còn ngoạn mục hơn nhiều so với vòng loại lần này.
Khi ấy, cũng nằm ở bảng I, nhưng U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông thày người Nhật, Toshiya Miura phải đá trên sân của Malaysia. Vậy mà ngay tại "chảo lửa" Shah Alam, Võ Huy Toàn và chính Công Phượng đã làm nên cuộc ngược dòng ngoạn mục với chiến thắng 2-1 trước đội chủ nhà. Và sau đó dù để thua Nhật Bản 0-2, nhưng với 7 bàn thắng nữa vào lưới Macau (Trung Quốc), U22 Việt Nam lần đầu tiên giành quyền tham dự VCK U23 châu Á với tư cách 1 trong 5 đội nhì bảng vòng loại có thành tích xuất sắc nhất (đứng thứ 3/5).
Tấm vé đầu tiên dự VCK không chỉ được ví với kỳ tích, mà còn được xem là sự chuẩn bị cực kỳ hoàn hảo cho SEA Games 28 diễn ra sau đó 3 tháng tại Singapore. Giấc mơ Vàng có vẻ như chưa bao giờ gần đến thế cùng 1 ông thày ngoại thực dụng và 1 dàn trẻ tài năng với ngôi sao đang nổi Công Phượng.
Nhưng kết cục thì ai cũng rõ. U23 Việt Nam chỉ có thêm 1 tấm HCĐ SEA Games đầy thất vọng, tới VCK U23 châu Á tại Qatar nỗi thất vọng ấy còn bị đẩy lên đỉnh điểm với 3 trận toàn thua khiến Toshiya Miura phải ra đi "không kèn, trống" mặc cho còn 2 tháng bản hợp đồng.
2. Hai năm đi qua, thêm 1 lần nữa chúng ta lại giành vé dự VCK U23 và cũng 1 lần nữa giấc mơ Vàng mang tên SEA Games lại được nhắc đến theo kiểu chỉ còn được tính bằng ngày cùng những tuyên bố kiểu "lên gân" đã cũ như: Bây giờ chứ còn bao giờ? Không vô địch thì từ chức...
Dĩ nhiên, với đẳng cấp và trình độ như lúc này, bóng đá Việt có cửa để vô địch SEA Games. Ngoài ra, dàn cầu thủ trẻ tài năng với bộ khung của Hoàng Anh Gia Lai đang dần đạt tới độ chín so với 2 năm trước ở sân chơi khu vực; ông thày xứ Nghệ Hữu Thắng sau hơn 1 nằm ngồi lên ghế thuyền trưởng cũng đã tỏ ra "thực chiêu" hơn qua từng trận đấu để định hình lên lối chơi cho đội tuyển.
Quan trọng hơn, sau những thành công của lứa U20 và gần nhất là chức vô địch Đông Nam Á của đội tuyển U15, sự tự tin hơn của bóng đá Việt Nam là có thật. Rõ ràng, khi mà đá với U22 Hàn Quốc mà còn sòng phẳng thì thày trò ông Hữu Thắng có gì phải ngại các đối thủ trong khu vực, kể cả là Thái Lan!?
3. Chỉ có điều, bóng đá, lại nhất là với bóng đá trẻ, chẳng ai dám nói chắc. Một tấm vé dự VCK châu lục, 1 đội hình đạt độ chín chuyên môn, lẫn tâm lý tự tin hơn mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa hề là “đủ” để biến giấc mơ Vàng SEA Games thành hiện thực trên đất Mã vào tháng sau.
Thất bại sát nút với thế trận ngang ngửa trước đối thủ mạnh như U22 Hàn Quốc được xem là chấp nhận được với U22 Việt Nam. Đáng nói, dù thua nhưng mục tiêu lọt vào vòng chung kết U23 châu Á 2018 vẫn hoàn thành...
Chắc gì Công Phượng và đồng đội dễ "ăn lại" Timor Leste, nếu đối thủ chơi như họ đã từng cầm hòa U22 Hàn Quốc vừa qua. Rồi trận đấu cuối với U22 Thái Lan tại bảng B, nếu không có kết quả thuận lợi, liệu có ảnh hưởng đến tâm lý các cầu thủ trẻ?... Đó là chưa kể đến những sai sót, lẫn sai lầm vừa bộc lộ tại vòng loại U23 nếu không được khắc phục và nếu còn tái lặp tại SEA Games 29 thì cái giá phải trả sẽ là cực đắt.
Vậy nên mới nói, có vé đi châu lục mà vẫn lo SEA Games là thế! Và rằng, cũng cần phải biết lo để mà biết tính, thay vì cứ bay bổng...
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
loading...