(Thethaovanhoa.vn) - U21 HAGL đã thua trong một trận đấu mà đáng ra, họ còn có thể thua đậm hơn; trong khi đó, chủ giải U21 Báo Thanh Niên lại thắng dễ, khi đối thủ U21 Thái Lan chưa đánh đã hàng. Đấy là câu chuyện của những đội chủ nhà tại giải U21 quốc tế 2015.
Chủ động nhường đất diễn cho đối thủ, đấy cũng là cách U21 Báo Thanh Niên đưa U21 Thái Lan vào bẫy. Và 2 bàn thắng đã đến rất nhanh, khi bóng đến tầm kiểm soát của Văn Thành và Tuấn Tài, những cầu thủ đã có kinh nghiệm chinh chiến V-League. Thành đá điểm cực kỳ chuẩn xác, còn Tuấn Tài không cần nhô cao vẫn có thể lắc đầu hiểm hóc khi hàng hậu vệ U21 Thái Lan đứng xem đối thủ ghi bàn.
Nói U21 Thái Lan yếu (thực ra là yếu thật) không có nghĩa là giảm thiểu giá trị chiến thắng của đội chủ giải U21 Báo Thanh Niên. Học trò của HLV Phạm Minh Đức trội hơn hẳn, hợp lý hơn hẳn (tất nhiên ngoài các bàn thua), thắng trận là điều đương nhiên. Nhưng, nên nhớ, đây chỉ là một giải đấu giao hữu.
U21 HAGL hay bất cứ đội khách mời nào khác đều có quyền xem giải đấu là một cữ dợt nhằm chuẩn bị cho tương lai, nhưng U21 Báo Thanh Niên, đội bóng được thành lập sau giải U21 QG, đá theo kiểu thời vụ và HLV trưởng cũng làm việc theo thời vụ, thì thành tích (chức vô địch) là ưu tiên số 1. Trong lịch sử 8 năm của giải đấu U21 quốc tế thì đội chủ giải từng giành đến 3 chức vô địch.
Nhưng, cổ nhân dạy, thắng không kiêu, bại không nản. U21 HAGL sau ngày ra quân làm bại quân của U19 Hàn Quốc cũng là chuyện bình thường vì đẳng cấp 2 nền bóng đá khác nhau, nhưng họ vẫn tự tin vào khả năng đi tiếp. Đơn giản, HLV Nguyễn Quốc Tuấn biết mình có gì trong tay, và ngoài ra, U21 HAGL còn đang là những nhà ĐKVĐ.
Lịch sử giải đấu tuổi lên 9 từng nhiều lần mời được các khách mời xịn, ví như U21 Iran hay U21 Sydney..., nhưng có lẽ chưa bao giờ, kể từ lần đầu tiên năm 2007 ở Nha Trang, Khánh Hoà, chất lượng khách mời lại xuống cấp như hiện tại. Nhà tổ chức cũng không nên chạnh lòng, khi giới quan sát chỉ nói lên sự thật. Sự thật là chúng ta đã không thể đo được năng lực thật sự của khách khi mời, ngoài cái tên mà họ đang mang.
Trở lại với những diễn biến đầu tiên của giải đấu. Nhiều khả năng các đại diện Việt Nam sẽ vào sâu tại giải, thậm chí sẽ giành các thứ hạng cao nhất, nhưng nó đã và không bao giờ là thước đo năng lực chinh phục của nền bóng đá, ngay cả nó là bóng đá trẻ. Thái Lan, Singapore, Malaysia và cả Indonesia vẫn thường thua Việt Nam tại hệ thống các giải đấu trẻ (chính thức hoặc không chính thức), nhưng hơn 20 năm qua, chúng ta chỉ một lần lên đỉnh, đấy là AFF Cup 2008.
Tỷ số trận đấu vẫn chưa phản ánh đúng sự chênh lệch giữa 2 đội. Nếu tận dụng thời cơ tốt hơn, đội bóng của HLV Phạm Minh Đức thậm chí có thể dội bão gôn vào lưới đối thủ.
Người Việt Nam vẫn có thói quen vui với điều trước mặt, bởi ngày mai, để mai tính. Mà thật, với kiểu sống gấp và lối tư duy nhiệm kỳ, kể cũng khó khác được. Chương trình hay các kế hoạch dài hơi là thứ xa xỉ. Nếu thực sự nghiêm túc trong các kế hoạch mang tính chiến lược, chúng ta đã giành HCV SEA Games hay vô địch Đông Nam Á từ lâu rồi, bởi tố chất người Việt có đủ sự thông minh cho môn thể thao vua.
Vì thế đừng tự mãn sau một chiến tích nhỏ, bởi nó sẽ khiến mình ngủ mê. Thong thả đón nhận chiến thắng và rút ra điều gì sau những thất bại, đấy mới là điều cần hướng tới. Chúng ta đều mong bóng đá Việt Nam thăng hoa tại sân chơi chính thức chứ không phải chỉ ở những giải giao hữu như thế này.
2 Chiến thắng 4-2 trước U21 Thái Lan giúp thầy trò HLV Phạm Minh Đức trở thành đội bóng thứ 2 lọt vào bán kết giải U21 quốc tế chỉ sau đúng 1 trận đấu.
2 Ở lượt trận cuối, U21 HAGL chỉ cần không thua U21 Myanmar là sẽ chắc chắn giành vé vào bán kết với ngôi nhì bảng. Trong trường hợp ấy, họ sẽ là đội duy nhất trong 2 kỳ U21 quốc tế gần đây vượt qua vòng bảng mà không giành bất cứ chiến thắng nào.
5 Trong lịch sử 8 giải U21 quốc tế từng được tổ chức (kể từ lần đầu tiên tại Nha Trang năm 2007), các đội bóng Việt Nam đã giành đến 5 chức vô địch. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa