(Thethaovanhoa.vn) - Theo dõi trận đấu giữa U21 HAGL và U19 Hàn Quốc, có cảm giác như "những đứa trẻ của bầu Đức" cứ hì hục mãi một công việc khá nhàm chán, nhưng lại đầy rủi ro: Nén một chiếc lò xo bằng thép đã qua tôi luyện. Dù thời lượng kiểm soát bóng đến hơn 70%, nhưng U21 HAGL lại bế tắc trong các phương án tiếp cận cầu môn và việc họ chỉ để thua 1 bàn được xem là khá may mắn.
Khi những cầu thủ trẻ phố núi vẫn mải mê đè nén chiếc lò xo đến độ nghẹt thở, thì cũng đã vài lần họ để xổng và chiếc lò xo dưới áp lực cực lớn ấy đã bung ra, rất nhanh, mạnh và chỉ thiếu chút ít sự chính xác. U19 Hàn Quốc có thể đã không chủ động chơi phòng ngự - phản công, thậm chí là phòng ngự tiêu cực kiểu xe buýt 2 tầng sau khi họ có bàn dẫn trước, nhưng dưới áp lực của U21 HAGL, đội bóng xứ kim chi không có lựa chọn nào khác. U19 Hàn Quốc cũng đã điều chỉnh rất nhanh, biến sức mạnh của đối phương thành lợi điểm của mình.
Thực tế là khi bầu Đức quyết định đôn hết thảy lứa U19 của Học viện lên đá V-League 2015, đồng thời chỉ giữ lại vài cựu binh (vốn cũng còn rất trẻ), chấp ngoại binh ở phần lớn giai đoạn 1, những người làm chuyên môn đã ngờ ngợ ra điều gì đó không ổn. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy,... đều là những cầu thủ giỏi ở kỹ năng kiểm soát bóng, nhưng họ không thể làm tốt hơn các chức năng khác theo yêu cầu để tạo sự khác biệt.
Cả trận đấu với U19 Hàn Quốc mới đây, Công Phượng chỉ tung ra được 2 cú sút từ ngoài vạch 16m50 và đều đi không trúng đích. Trong khi đó, Văn Toàn thậm chí còn tệ hơn, khi gần như không có cơ hội ra chân, ngoài cú lắc đầu bóng đi quá xa cầu môn, ở đầu trận đấu. Phải thừa nhận, hàng phòng ngự U19 Hàn Quốc đã chơi rất tập trung, kín kẽ và kỷ luật, nhưng qua đó, cũng đã thấy được hạn chế của U21 HAGL: Dứt điểm cầu môn, kết thúc một pha tổ chức tấn công.
Chiến thuật bóng đá thuộc về những người không có bóng, hay nói nôm na là, người di chuyển - chạy chỗ điều khiển hướng chuyền bóng. Khi Công Phượng và Văn Toàn không lấy được không gian, buộc những Tuấn Anh, Xuân Trường phải chuyền ngang hoặc đưa bóng ra biên cho Hồng Duy hoặc Thanh Tùng. Cách chơi này thực sự vô hại, thoạt nhìn thì thích mắt, nhưng cũng rất dễ gây nhàm chán, buồn ngủ.
Cũng có vài thời điểm Công Phượng lùi về, cầm bóng đột phá, tìm cơ hội sút xa hoặc các quả đá phạt ngoài khu vực cấm địa (khi đối phương phạm lỗi), Hồng Duy và Thanh Tùng cũng rất tích cực, năng nổ và tự tin, nhưng hiệu quả gần như con số không.
Trong tình huống này, HLV Nguyễn Quốc Tuấn vẫn không dám đẩy Tuấn Anh hoặc Xuân Trường nhô cao, để làm đông quân số và tăng giải pháp trước cầu môn đối thủ. Bóng đá cần sự mạo hiểm, càng khi U21 HAGL đang bị dẫn bàn.
70% (thậm chí còn có thể hơn) là thời lượng kiểm soát bóng của U21 HAGL trong trận thua U19 Hàn Quốc với cách biệt tối thiểu (0-1).
Có thể việc Công Phượng (thêm Tuấn Anh nữa), chuyển đến thi đấu ở J-League 2 cũng là thời cơ tốt để HLV Quốc Tuấn tăng cường nhân sự, bổ sung những khiếm khuyết, thay đổi để tiến lên. HAGL với lối chơi đề cao quyền kiểm soát bóng, thực tế chỉ cần một cầu thủ giữ nhịp, điều phối bóng (Xuân Trường) là đủ. Các vị trí đội bóng này thiếu là một trung phong lực lưỡng, biết đánh hơi bóng và đánh hơi bàn thắng, một chuyên gia đánh chặn có hạng và ít nhất một trung vệ ngoại chơi đầu óc.
Mùa giải trước, Tuấn Anh không ít lần được kéo về đá trung vệ và chơi khá tròn vai. Thực tế, Tuấn Anh có thể thiếu tốc độ, nhưng chơi bóng đầu óc dựa trên nền tảng kỹ thuật gần như hoàn hảo, nên không khó để thích nghi, từ trung tâm hàng tiền vệ đến trung tâm hàng hậu vệ. Trong khi đó Công Phượng (lại là Phượng) đã hao mòn dần khả năng bùng nổ, khi bị hạn chế tối đa không gian chơi bóng. Chưa bao giờ Phượng lại trở nên bình thường như khi rơi vào trạng thái ấy.
Năm ngoái, sau chức vô địch giải U21 quốc tế - báo Thanh Niên, bầu Đức tin tưởng tuyệt đối vào năng lực cạnh tranh tầm cao của lứa gà nòi do ông đào tạo, mà dường như đã không tham khảo ý kiến của các chuyên gia hay thuộc cấp. Sau một mùa giải vất vả ngoài tưởng tượng, hẳn người của HAGL đã có thêm những bài học bổ ích. Chắc chắn đội bóng phải tìm được giải pháp, thay vì vẫn mải miết với công việc nén lò xo, vô bổ lại vô cùng nguy hiểm, khó đoán được thương vong, khi từng chiếc bung ra không giới hạn biên độ.
0 Thế hệ của Công Phượng chưa từng giành được danh hiệu chính thức nào ở các giải trẻ khi họ còn khoác áo ĐT U19 Việt Nam.
2 Giải U21 quốc tế năm nay là giải đấu cuối cùng của Công Phượng và Tuấn Anh tại Việt Nam trong năm 2015. Sau giải này, họ sẽ sang Nhật Bản chơi bóng ở J-League 2.
4 Có 4 cầu thủ thuộc lứa Công Phượng từng được gọi sang Arsenal thử việc là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và Đông Triều. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa