loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 28/5 vừa qua, tin rằng hàng triệu khán giả Việt Nam đã dành 2 giờ đồng hồ quý giá cuối tuần để ngồi trước màn hình ti vi, theo dõi, cổ vũ cho đội tuyển U20 Việt Nam.
Cùng lúc, trên sân vận động Jeonju, hơn 10 nghìn khán giả Việt Nam đã phủ đỏ các khán đài. Đứa bạn cùng làng đi lao động bên Hàn, check in đầy tinh thần chiến binh: “Dù nguy hiểm nhưng vẫn phải sát cánh vì màu cờ sắc áo”. Từ “nguy hiểm” trong ngữ cảnh này, chỉ người quen mới hiểu, khi anh cùng nhóm bạn vốn là lao động bất hợp pháp, yêu đội tuyển quá nên từ Incheon lên Jeonju cổ vũ cho U20 Việt Nam, nếu chẳng may bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ thì hỏng việc lớn, phải về nước.
Nói thế để thấy rằng, tình cảm mà người hâm mộ với các đội tuyển là rất sâu nặng. Và, chúng ta cũng đừng khắt khoe quá, khi nhiều bình luận viên không tiết chế được tình cảm, ví những trận đấu của U20 Việt Nam như những trận chiến trong... lịch sử chiến tranh vệ quốc!
Bóng đá là thế, luôn mang đến những nguồn cảm hứng, năng lượng mà khó có môn thể thao nào sánh kịp. Cho nên, ở ta, khái niệm “bóng đá (và thể thao) phục vụ nhiệm vụ chính trị, vẫn tồn tại từ xưa đến nay.
Rõ vậy, nguồn cảm hứng mà U20 mang lại quá lớn lao. Hoạt động của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tại Hàn Quốc những ngày qua cũng tạo hiệu ứng mạnh, là kênh quan trọng để thế giới biết thêm phần nào về Việt Nam, về năng lực đá bóng của người Việt. Lâu nay, việc bóng đá Việt bị báo chí, cầu thủ, HLV các đội bóng nổi tiếng thế giới so sánh hàm tiếu, từ chất lượng chuyên môn, bạo lực sân cỏ, tiêu cực sân cỏ, vấn nại trọng tài…, là không hiếm.
***
Tấm vé dự Worrld Cup của U20 Việt Nam không tự nhiên mà có. Tháng 6/ 2015, U19 tập trung. Từ đó đến nay đã trải qua 23 tháng, 2 năm, hơn 737 ngày thầy trò ông Tuấn lao động bền bỉ, tính khoa học cao. 3 trận đấu tại giải, chúng ta đã tiệm cận được trình độ ở nhóm 3, trong tổng 24 đội tham dự. Thế đã là quá tốt, gợi mở nhiều giới hạn quan trọng để hoạch định tầm nhìn, chiến lược phát triển nền bóng đá trong giai đoạn mới.
Đấy là, với tầm vóc như hiện nay, bóng đá Việt Nam rất khó để đua tranh ở tầm cao. Honduras, New Zealand đã lấn lướt U20 Việt Nam ở hiệp 2, dù trình độ kỹ - chiến thuật không hơn gì. HLV Hoàng Anh Tuấn đã giành rất nhiều thời gian, giáo án cho món “cháo sườn” thể lực, thậm chí bị nhiều HLV có cầu thủ tập trung U20 Việt Nam chỉ trích.
Vấn đề tầm vóc cầu thủ Việt, thuộc về bình diện quốc gia, nên vẫn phải chờ thời gian, khi chế độ dinh dưỡng của trẻ em toàn quốc được cải thiện.
HLV Hoàng Anh Tuấn đã từ chối nói về bầu Đức trong ngày U20 Việt Nam trở lại quê nhà sau chiến dịch U20 World Cup 2017.
Cùng với những thành công của bóng đá trẻ, dấu ấn của U20Việt Nam chứng minh chỉ có một con đường duy nhất để giúp nền bóng đá phát triển bền vững: phát triển công tác đào tạo trẻ. Mệnh đề này không mới, nhưng để thực hiện triệt để, có hệ thống, vẫn rất khó.
Nguồn cảm hứng mang tên U20 Việt Nam sẽ còn đọng lại trong tâm trí của người hâm mộ rất lâu. Về mặt nào đó, đã tác động khá mạnh đến đời sống xã hội, giúp hình ảnh bóng đá nội ít nhiều được cải thiện, trong đó hình ảnh của VFF vốn bị cho là thiếu năng lực. Vai trò của VFF trong việc đối ngoại, định hướng phát triển cho các đội trẻ 3 năm qua là rất đáng ghi nhận.
Vậy nên, VFF, các CLB và những người đang tham gia bóng đá, hãy tiếp tục phát triển nguồn cảm hứng U20 mang lại, tạo những giá trị gia tăng cho bóng đá Việt Nam.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
loading...