(Thethaovanhoa.vn) - Đèn vẫn sáng và bầu không khí lễ hội vẫn diễn ra, trong và ngoài chảo lửa Olympic ở Thủ đô Phnom Penh, khoảng 30 phút, sau khi trận bán kết giữa U16 Việt Nam và U16 Campuchia đã kết thúc, trận đấu mà đội chủ nhà đã trở thành bại quân.
Với một số các PV Việt Nam theo chân thầy trò HLV Đinh Thế Nam, và cả hàng trăm CĐV cùng cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Campuchia, đây có thể là một hiện tượng lạ, khi đội chủ nhà đã thất bại. Nhưng với các tín đồ túc cầu giáo xứ sở này, điều đó rất bình thường.
Cờ phướn không ngập trời như văn hoá cổ động chuyên nghiệp ở Thái Lan, Malaysia hay Singapore, nhưng 50.000 khán giả lèn kín các khán đài sân Olympic hùng vĩ, quả là con số đáng mơ ước với bóng đá Việt Nam, chứ đừng nói gì bóng đá trẻ.
Chứng kiến biển người trên sân bóng Olympic, và cách mà khán giả Campuchia cổ vũ đội bóng có phần chân phương, chúng tôi liên tưởng đến phương thức cổ động của người Indonesia, với chảo lửa Bung Karno có sức chứa gấp đôi Olympic. Điểm chung lại đều rất cuồng nhiệt, giúp các khán đài luôn động nhưng rất... lành tính, chứ không hung hăng. Bằng cách nào các hội nhóm. CĐV phong trào lại có thể quy tụ lại đến 5 vạn người cùng đến sân, nếu không có tình yêu chân chính?!
Lại nói về tình yêu. Lịch sử thế nào không dám chắc, nhưng người Việt Nam trẻ luôn tự hào về tình yêu bóng đá, rằng không đâu trên thế giới yêu và đam mê cuồng nhiệt môn thể thao vua như ở Việt Nam?! Song thực tế là một câu chuyện khác.
Người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng là yêu Đức, yêu Italy, Manchester United, Barcelona..., chứ tình cảm và tinh thần cổ vũ vì màu cờ sắc áo với bóng đá xứ sở thì phải xem lại. Cứ soi lại lượng CĐV đến sân trong các trận đấu của các ĐTQG trên sân nhà, khoảng 15 năm đổ lại mà xem, nói gì đến một ĐT trẻ, tham dự một ngày hội bóng đá trẻ khu vực như U16 Đông Nam Á! Cơn sốt U19 Việt Nam cách đây đôi ba năm chỉ là hiện tượng, chứ không phải bản chất.
Cuộc chạm trán với U16 Australia ở chung kết giải U16 Đông Nam Á năm 2016 sẽ là thử thách rất đáng nhớ với U16 Việt Nam bởi đội bóng xứ sở chuột túi là đối thủ đầy duyên nợ với thầy trò HLV Đinh Thế Nam.
Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người, tức gấp 6 lần so với nước láng giềng Campuchia, nhưng không phải trận đấu nào của ĐTQG trên sân nhà cũng kín khán giả, chưa nói tới giải trẻ. Xa tận chân trời, gần ngay trước mặt, cứ qua Campuchia mà cảm nhận, mà học hỏi, để hiểu phần nào giá trị tình yêu đích thực, với màu cờ sắc áo và tinh thần dân tộc.
Với câu chuyện bóng đá nghiêm túc, khi chúng ta chứng kiến các bữa tiệc bóng đá ngoài trời như ở Campuchia và bầu không khí như chùa Bà Đanh trên các khán đài Việt Nam, dễ hiểu vì sao chúng ta bị khước từ quyền đăng cai các giải đấu khu vực, chứ đừng nói châu lục. Lý do là bởi các khán đài trống dễ ảnh hưởng đến các giá trị hình ảnh, thương mại và thậm chí tầm vóc của giải đấu. Bóng đá sống được cũng là nhờ khán giả, nhờ bản quyền truyền hình.
Đã rất lâu rồi, chúng tôi mới lại được sống trong bầu không khí lễ hội bóng đá, với một trận đấu có Việt Nam tham dự. Chính khán giả Campuchia, chứ không phải ai khác, đã cho chúng ta những bài học để chiêm nghiệm. Không phải chất lượng ĐT U16 Campuchia ở giải này đã được nâng cấp, mà HLV người Nhật Bản của họ, ông Inoue Kazunori, nói rằng, bóng đá Campuchia rất tiềm năng. Họ có tiềm năng từ chính niềm say mê, nhiệt huyết và tình yêu bóng đá không vụ lợi của CĐV.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa