A+ A A- Kiểu đọc sách

Tuyển Việt Nam và những nẻo đường AFF Cup 2018

06:06 13/10/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Xuất phát điểm là giải đấu bóng đá ra đời từ sáng kiến của… một hãng bia, AFF Cup đã bước sang tuổi thứ 11, và năm nay kỷ niệm tròn 10 năm AFF Cup gắn bó tên tuổi với nhà tài trợ là một hãng sản xuất ôtô đến từ Nhật Bản. Chỉ 2 chi tiết như vậy cũng là đủ để nói lên cái sự lằng nhằng và không giống ai trong lịch sử giải vô địch bóng đá Đông Nam Á, giải đấu mà mãi đến gần đây mới được FIFA công nhận trong hệ thống thi đấu chính thức của mình.

Tuy thế, không ai có thể phủ nhận được rằng AFF Cup vẫn là sân chơi hết sức quan trọng với đa số các đội bóng trong khu vực, và dù cho đạt được chiến tích cỡ nào ở các giải đấu châu lục thì một đội bóng cũng khó có thể coi là ông trùm của bóng đá Đông Nam Á nếu như không thể xưng hùng xưng bá ở AFF Cup.

Thậm chí, có nhiều chuyên gia cho rằng để giành được chiến thắng tại AFF Cup có khi còn khó khăn hơn cả khi chinh chiến tại các đấu trường có quy mô châu lục như Asian Cup hay Asian Games. Lý do đơn giản là bởi các đội bóng Đông Nam Á đã quá hiểu về ưu điểm cũng như nhược điểm của nhau, khác hẳn với những đối thủ xa xôi từ Tây Á hay Đông Á.

Bên cạnh đó, một đội bóng Đông Nam Á dù xuất sắc đến mấy cũng khó có thể đoạt được chiến tích cao nhất ở phạm vi châu lục, chẳng hạn như vô địch Asian Cup hay giành HCV Asian Games, mà thành tích tốt nhất của họ thường là chỉ vào tới bán kết hoặc cùng lắm là chung kết.

Vì thế, kết quả thi đấu ở AFF Cup bỗng nhiên trở thành thước đo để đánh giá năng lực của một nền bóng đá, bởi một ĐTQG không thể coi là số một khu vực nếu như gây được ấn tượng ở sân chơi châu lục nhưng khi về với AFF Cup lại chẳng làm nên trò trống gì.

Chú thích ảnh

Trước đây, khi bóng đá nam ở SEA Games còn chưa tiến hành giới hạn độ tuổi thì cũng có thời điểm AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup) không được coi trọng đúng mức, bởi Tiger Cup và SEA Games lúc ấy diễn ra so le với chu kỳ rất sát nhau (2 năm tổ chức một lần, Tiger Cup năm chẵn và SEA Games năm lẻ), bằng chứng là có lúc Thái Lan chỉ cử tới đội hình không phải mạnh nhất để tham dự Tiger Cup 1998.

Tuy nhiên, kể từ năm 2001, khi SEA Games bắt đầu áp dụng giới hạn độ tuổi U23 cho các cầu thủ bóng đá nam thì Tiger Cup cũng bắt đầu có giá hơn, nhưng thật trớ trêu là chỉ 3 năm sau, nhà tài trợ Tiger bất ngờ nói lời chia tay với giải đấu do chính họ khởi xướng tổ chức, khiến cho kỳ giải năm 2006 suýt nữa không thể diễn ra và cuối cùng bị vắt sang tận năm 2007.

Và thật trùng hợp là ngay trong lần đầu tiên giải vô địch bóng đá Đông Nam Á được tổ chức với tên gọi mới là AFF Suzuki Cup vào năm 2008, đội tuyển Việt Nam dưới quyền HLV Henrique Calisto đã đoạt chức vô địch, danh hiệu quán quân khu vực đầu tiên và duy nhất của bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG trong gần 30 năm qua.

Năm nay, khi AFF Suzuki Cup tròn 10 tuổi và đội tuyển Việt Nam đang bước vào quá trình chuẩn bị với tâm thế tràn đầy tự tin và hứng khởi sau 2 thành tích ấn tượng liên tiếp ở VCK U23 châu Á năm 2018 và Asian Games năm 2018, người hâm mộ hồ hởi kỳ vọng sẽ lại được chứng kiến một chiến tích lịch sử của đội tuyển Việt Nam như cách đây 10 năm.

Niềm tin của người hâm mộ là có thật, bởi đội tuyển Việt Nam bây giờ là sự kết hợp của 3 thế hệ cầu thủ tài năng, bao gồm lứa cựu binh từ thời HLV Calisto như Văn Quyết, Trọng Hoàng, Thanh Trung, tiếp theo là lứa Xuân Trường, Công Phượng và cuối cùng là dàn cầu thủ đã đoạt vé tham dự U20 World Cup năm 2017 với Quang Hải, Bùi Tiến Dũng làm đại diện.

Tất nhiên không thể không kể tới HLV Park Hang Seo, ông thầy người Hàn Quốc đã giúp nâng tầm diện mạo của bóng đá Việt Nam với danh hiệu á quân U23 châu Á và vị trí thứ 4 tại Asian Games 2018.

Tân binh tuyển Việt Nam tự tin thay thế Văn Thanh

Tân binh tuyển Việt Nam tự tin thay thế Văn Thanh

Tân binh của tuyển Việt Nam Nguyễn Hoàng Quốc Chí cho biết, anh từng có thời gian chơi ở vị trí hậu vệ nên cầu thủ của Sanna Khánh Hòa tự tin có thể thay thế vị trí Văn Thanh để lại.

Tài năng của HLV Park Hang Seo đã được thể hiện ở 2 giải đấu mang tầm cỡ châu lục, nhưng như vậy vẫn chưa phải là đủ để đưa ra đánh giá chính xác về ông thầy người Hàn Quốc.

Vì thế, thành tích của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 có thể mới là câu trả lời chính xác nhất, bởi đây là giải đấu mà ông Park phải đối phó với những đối thủ đã có hiểu biết về các học trò của ông tới tận chân tơ kẽ tóc.

Đội tuyển Việt Nam được tập trung từ ngày 11/10/2018 tại Hà Nội để chuẩn bị cho AFF Cup 2018 với 30 cầu thủ. Sau gần 1 tuần tập luyện tại Hà Nội, và đồng thời cũng là để chờ đợi các tuyển thủ từ các CLB sẽ tham dự trận play-off thăng hạng V-League 2019 (ngày 13/10) và trận chung kết Cúp QG 2018 (ngày 15/10), đội tuyển Việt Nam sẽ lên đường sang Hàn Quốc tập huấn tại Trung tâm thể thao Paju từ ngày 16/10 đến ngày 30/10/2018.

Tại đây, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ có 3 trận thi đấu giao hữu với các đội bóng Hàn Quốc để kiểm nghiệm nhân sự và lắp ghép đội hình. Cụ thể, đội tuyển Việt Nam sẽ thử sức với 2 CLB đang chơi ở K-League là Incheon United (ngày 22/10), Seoul FC (ngày 25/10) và 1 CLB thuộc giải K-League 2 là Seoul E Land FC (ngày 29/10).

Ngày 30/10, đội tuyển Việt Nam sẽ lên đường về nước để hoàn tất khâu chuẩn bi, đồng thời chốt lại danh sách chính thức gồm 23 tuyển thủ để đăng ký với BTC AFF Cup 2018. Theo kế hoạch ban đầu, đội tuyển Việt Nam dự kiến có một trận giao hữu quốc tế tại Hà Nội vào đầu tháng 11 trước khi chính thức bước vào chiến dịch AFF Cup 2018, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà trận giao hữu dự kiến này đã bị huỷ bỏ.

Tại AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam sẽ mở màn vòng bảng bằng chuyến làm khách trên sân của đội tuyển Lào (ngày 8/11), trước khi trở về sân nhà để tiếp Malaysia (ngày 16/11). Sau đó, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ đến làm khách trên sân Myanmar (ngày 20/11) và đá trận cuối cùng vòng bảng trên sân nhà gặp Campuchia (ngày 24/11).

Dự kiến đội tuyển Việt Nam sẽ hành quân sang Lào vào ngày 5/11 để chuẩn bị cho trận đấu với đội chủ nhà diễn ra sau đó 3 ngày.

Huy Anh

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...