(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ con người mới làm nên chiến thuật (bóng đá), để từ đó, các triết lý vận hành phục vụ lại đội bóng. Đấy là nguyên lý. Song thi thoảng, đặc biệt là với cấp độ đội tuyển quốc gia, các HLV vẫn thường chọn con người phù hợp để phục vụ triết lý đã lên khung.
HLV Nguyễn Hữu Thắng là một trường hợp như thế và chiến thắng 2 - 0 trước Syria có thể là một sự đảm bảo cho phương pháp làm của ông.
Điệu ballet ở Mỹ Đình
Syria chủ chiến và thực tế, họ đã dồn lên vây hãm khung thành của Nguyên Mạnh, ngay sau tiếng còi khai cuộc. Sức công phá của đại diện Trung Đông khiến tứ vệ đội tuyển Việt Nam có chút chao đảo, âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng học trò của Hữu Thắng đã đứng vững và phản kháng.
Hai bàn thắng của Công Vinh và Văn Quyết là minh chứng cho triết lý của vị thuyền trưởng xứ Nghệ: Khi chúng ta kiểm soát bóng, là lúc các cơ hội được tạo ra. Kiểm soát bóng còn là một cách phòng ngự an toàn. Không ngoa khi nói Xuân Trường, Thành Lương, Tuấn Anh, Văn Quyết, Công Vinh và cả Văn Toàn..., đã vừa làm thơ ở Mỹ Đình.
Thành Lương một lần nữa tạo ra sự khác biệt, với liên tục những pha lắc bóng, tạo cơ hội cho đồng đội. Tuấn Anh và Xuân Trường xứng vai những ông chủ ở giữa sân. Cú lốp bóng xé toang hàng phòng ngự Syria, đặt Văn Quyết vào thế không thể từ chối bàn thắng của Xuân Trường, thể hiện nhãn quan chiến thuật tuyệt vời nơi tiền vệ Incheon United.
Sự trở lại đầy ngọt ngào của Quyết "rừng" và điều đó cho thấy, quyết định triệu tập của Hữu Thắng với các cầu thủ chỉ có rất ít cơ hội ra sân thời gian qua, là có lý do. Thân làm thầy, niềm tin với học trò rất quan trọng. Với ngay cả những cầu thủ vào sân thay người ở hiệp hai như Thanh Trung, Công Phượng, Đình Tùng..., cũng chơi trên mức tròn vai.
Ngoài tỷ số, đội tuyển Việt Nam còn thể hiện lối chơi thuyết phục trước Syria.Ảnh: V.S.I
Trước khi lên nắm quyền ở đội tuyển Việt Nam, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã không giấu giếm các ý tưởng làm chiến thuật, đề cao quyền kiểm soát bóng, với những đường ban ngắn và trung bình, mềm hoá lối chơi so với các đội tuyển quốc gia thời Toshiya Miura. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi nó quá lạ lẫm so với phong-cách-Hữu-Thắng trước đây. Một khía cạnh khác, trong mối quan hệ với VFF và truyền thông, cựu trung vệ thép của bóng đá xứ Nghệ cũng không còn “cứng” như xưa.
Bằng với việc lên danh sách trong các đợt tập trung đội tuyển, thông qua các buổi tập và một vài trận đấu, có thể thấy, Hữu Thắng nói là làm. Ông thuyết phục VFF đề bạt với các CLB ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhà Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường về khoác áo đội tuyển, dù các trận đấu này không thuận “múi giờ FIFA”.
Hữu Thắng cho thấy khả năng kiểm soát sân tập, kiểm soát đội bóng và các yếu tố bên lề khác rất ổn. Trên thảm đấu, dù là giao hữu hay chính thức, sự kiểm soát được duy trì và điều này rất quan trọng.
Syria không quá mạnh và đây chỉ là một trận giao hữu, nhưng điều quan trọng là chúng ta biết mình có gì trong tay. Chiến thắng trong bóng đá, ở mọi cấp độ, đều khơi gợi niềm tin.
Lọt đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018 không phải chuyện đùa nhưng đội khách gây “bất ngờ” khi đã trình diễn thứ bóng đá không như mong đợi.
Nghĩa vụ đội tuyển quốc gia
Trên mạng xã hội facebook, một CĐV bóng đá đã viết chân phương thế này: “Cái dở của VFF là các ông không bao giờ đưa đội tuyển xuống tỉnh đá, chỉ lẩn quẩn Mỹ Đình, hoạ may có Sài Gòn, Nam Định… Làm biếng thì cũng vừa vừa thôi, Yanmar tài trợ thì kéo về Đồng Tháp, hay An Giang mà đá, 2 cái tỉnh lúa nhiều mà không chịu mang về đá giao lưu sẵn giới thiệu Yanmar”. Có cần phải nói thêm, Yanmar (Nhật Bản), chuyên sản xuất các loại máy móc nông nghiệp, không nhỉ?!
Thực tế, nhu cầu được xem, thưởng thức và thậm chí được một lần bắt tay, chụp ảnh “selfie” với thần tượng bóng đá…, thuộc về tất cả chứ không chỉ công-dân-thị-thành. Về nguyên tắc, bóng đá nói chung và các đội tuyển quốc gia nói riêng phải có nghĩa vụ phục vụ người hâm mộ, đặc biệt là người dân ở vùng sâu và xa. Mang các đội tuyển quốc gia về tỉnh lẻ để rửa mắt bà con cũng là điều nên làm. Nhưng, đòi hỏi này đã, đang và sẽ khó được hồi đáp thoả đáng, vì nhiều lý do khác nhau.
Người của VFF sẽ giải thích rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ di chuyển, ăn ở và thi đấu là những yếu tố quyết định, đặc biệt khi đối tác là khách mời quốc tế, điều này không sai. Tuy nhiên, khi Arsenal hay Manchester City có thể về Mỹ Đình chơi bóng như một nghĩa vụ và trách nhiệm với lượng fans đông đảo của họ ở Việt Nam, bên cạnh yếu tố thương mại, thì tại sao đội tuyển Việt Nam không một lần đưa đối tác như Syria về miệt vườn nhỉ?! Khi chưa đề nghị, đừng ngại họ từ chối.
Đá với CLB ở Việt Nam, các đội tuyển quốc gia từng về Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An…, nhiều rồi, không vấn đề gì. Điều cốt lõi ở đây là những yêu cầu đặt ra của các nhà tài trợ và môi giới tài trợ. Với các đội tuyển Việt Nam, Cty Dentsu đang nắm thương quyền. Không phải VFF, mà chỉ Dentsu mới có quyền quyết định các trận đấu của đội tuyển ở đâu và với ai, đây rõ ràng là một thiệt thòi trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tự cường.
Có ít nhất 2 giá trị cốt lõi mà bóng đá nói chung và các đội tuyển quốc gia nói riêng phải bảo lưu, đấy là trách nhiệm phục vụ người hâm mộ và nghĩa vụ giành chiến thắng. Bóng đá vốn dĩ đã được xã hội ưu ái quá nhiều, cầu thủ và HLV được nhận lương cao, đương nhiên phải biết đáp trả.
HLV Nguyễn Hữu Thắng mới cầm đội tuyển chưa lâu, nhưng nếu ông không muốn đi lại con đường mòn của những người tiền nhiệm, mà muốn khác đi, Hữu Thắng và các học trò phải thay đổi.
Có câu hát: Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Những ngày hội như ở Mỹ Đình cần được nhân rộng.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần