(Thethaovanhoa.vn) - Nằm chung bảng đấu với chủ nhà Myanmar, đương kim á quân Malaysia, cùng đội bóng cuối cùng sẽ phải thi đấu vòng loại, ĐT Việt Nam có cơ hội lớn để giành một vé tại bảng B vào chơi bán kết. Như vậy, đã không có bảng tử thần nào chờ đón HLV Nguyễn Hữu Thắng, khi ĐT Việt Nam nằm ở nhánh khác Thái Lan. Những người duy tâm cho rằng, đầu có xuôi, đuôi mới lọt và chúng ta hãy cứ tin.
Malaysia từng nhiều lần đánh bại Việt Nam, trong khuôn khổ AFF Suzuki Cup, nhưng xét về mặt năng lực chinh phục ở đấu trường này, họ không nhỉnh hơn chúng ta. Điều đáng nói là, năm 2010 và 2014, khi ĐT Việt Nam để thua Malaysia chung cuộc sau 2 trận lượt đi và về, ở vòng bán kết, lại không được xem là những tai nạn, kiểu chủ quan khinh địch, mà có thông tin cho rằng, các cầu thủ đã chủ thua?!
Cách đây 6 năm, ĐT Việt Nam trong tâm thế của kẻ bảo vệ ngôi vương hành quân đến xứ dầu cọ Malaysia với non nửa đội hình chính gặp chấn thương. Nhưng HLV Calisto vẫn tin rằng, đội bóng của mình đủ sức để hạ đo ván đối thủ. Cho đến khi Tấn Trường 2 lần để vuột bóng, từ các cú dứt điểm từ khá xa, tất cả mới vỡ nhẽ. Trước đó, các hậu vệ lẫy lừng cỡ Huy Hoàng và Như Thành chơi như mơ ngủ ở Bukit Jalil.
Cùng với trận thua Philippines ở vòng bảng kỳ AFF Suzuki Cup năm đó, ngay tại Mỹ Đình, vẫn là những lỗi ngớ ngẩn của Như Thành, những thông tin về việc học trò ông “Tô” bán đứng thầy, càng trở nên có cơ sở. Ngay sau khi giải đấu sớm kết thúc với ĐT Việt Nam, phù thuỷ người Bồ thậm chí không nói lời chia tay, mà một đi không trở lại. HLV Calisto đã chạm ngưỡng cùng nền bóng đá hay còn lý do nào khác?!
Lại nhắc Philippines, trước khi 2 lần họ biến Việt Nam trở thành bại quân tại vòng bảng các kỳ AFF Suzuki Cup 2010 và 2012, xứ sở này đã từng gợi nên bao nỗi ám ảnh cho chúng ta. Nó bắt đầu từ đại án bán độ ở kỳ SEA Games 23, Bacolod, năm 2005, của Quốc Vượng, Văn Quyến và đồng đội. Vụ trọng án đó đã quét đi rất nhiều các cầu thủ trẻ đầy tài năng của nền bóng đá, mà 2 cái tên kể trên là những tiêu biểu.
ĐT Myanmar, về lý thuyết không xứng ngồi mâm trên, ứng viên của bảng đấu, nếu họ không phải là chủ bảng. Bóng đá xứ chùa vàng đã có những tiến bộ đáng kể trong thời gian qua, ít nhất là ở cấp độ các ĐT trẻ QG, nhưng ở tầm cao, Myanmar chưa từng được ý thức như một ứng viên vô địch AFF Suzuki Cup. Lợi thế duy nhất của Myanmar có lẽ là bầu không khí cuồng nhiệt trên các khán đài Thuwunna YTC.
Việc tránh Thái Lan, đối thủ lớn trong khu vực Đông Nam Á, được xem là một thuận lợi ở vòng bảng của các thầy trò HLV Hữu Thắng...
Với 4 chiến thắng, 1 thua, ghi được 12 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 3 bàn, đấy là những con số khá ấn tượng của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng. Nhưng, tính chất ăn thua ở AFF Suzuki Cup 2016 sẽ không bao giờ giống với những trận giao hữu, hoặc ở giải tập huấn kiểu với Hong Kong hay Đài Bắc (Trung Quốc), thậm chí cả Singapore, như tại AYA Bank Cup 2016 trên đất Myanmar hồi tháng 6.
Bóng đá không có khái niệm bất chiến mà thành, với ngay cả giải đấu cấp… khu phố, chứ đừng nói khu vực, khi Việt Nam đã và đang đánh mất lợi thế với các đối thủ từ nửa thập niên đổ lại. Thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ phải chiến đấu để giành giật cơ hội. Nhưng trước đó, họ cần nhận được sự ủng hộ của tất cả, bắt đầu từ VFF, với các kế hoạch tập luyện – tập huấn và đấu tập với các đối thủ mạnh thực sự.
Trong kinh doanh, không có sự đầu tư hời hợt, nửa vời nào, lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cả. ĐT Việt Nam không chỉ có một kế hoạch chuẩn bị cẩu thả, bởi khi đó, chúng ta đã đoán được số mệnh rồi.
Dù sao, việc tránh được Thái Lan ở vòng bảng đã là thuận lợi ban đầu. Bởi về tâm lý, nếu vòng ngoài đụng phải ông lớn này và thua, tâm lý các học trò HLV Hữu Thắng rất dễ sụp đổ.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa