A+ A A- Kiểu đọc sách

Trưởng BTC V-League Nguyễn Minh Ngọc: 'Chưa có trọng tài nào điểm kém!'

11:20 19/03/2016
loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trưởng Ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc trong cuộc trả lời phỏng vấn TT&VH Cuối tuần đã nói rằng sau 4 vòng đầu thì các trọng tài đều hoàn thành nhiệm vụ và BTC giải không tha thứ những hành vi lấy những sai sót của trọng tài nếu có để ứng xử bạo lực, phi văn hóa.

Cho tới thời điểm này, sau 4 vòng, đã có 8 quyết định kỷ luật (qua 2 thông báo) đưa ra với BTC sân, cá nhân (là HLV, trợ lý, cầu thủ), và trong đó có 5 quyết định dành cho hành vi phản ứng trọng tài ở các mức độ khác nhau. Anh đánh giá gì về thực tế này? Đây có phải là vấn đề ý thức, hành xử của các cá nhân, đội bóng, hay trong đó còn có cả nguyên nhân từ các quyết định của trọng tài?

+ Bóng đá ở các nước phát triển,các quyết định của trọng tài đều được tôn trọng (kể cả khi trọng tài mắc sai lầm nghiêm trọng ), không hề có những phản ứng thái quá như ở Việt Nam. Đây là ý thức, văn hoá ứng xử thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận huấn luyện viên, cầu thủ.

Không thể xem sai lầm của trọng tài là nguyên nhân dẫn đến những hành xử thiếu văn hoá trên sân, như thế chẳng khác nào cỗ suý cho hành vi phi đạo đức, phi thể thao trong bóng đá. Vì vậy cần có những quyết định kỷ luật nghiêm khắc đối với hành vi này.


Ông Nguyễn Minh Ngọc, bìa phải, cho rằng V-League năm nay chưa có trọng tài nào sai nghiêm trọng - Ảnh: VSI

Xin được nói cụ thể về trường hợp của Văn Quyết. Cũng xin không bàn về việc Quyết có xâm phạm thân thể trọng tài Công Khanh hay không, còn phản ứng bằng cách quây trọng tài rồi khiến trọng tài ngã là hành vi đáng bị kỷ luật. Nhưng liệu có công bằng hay không nếu như Ban tổ chức giải vẫn trọng dụng trọng tài Công Khanh, người mà ở một ví trí quan sát thuận lợi lại bỏ qua pha để bóng chạm tay trong vòng cấm, ảnh hưởng tới kết quả trận đấu?

+ Luật 12 quy định trọng tài chỉ thổi phạt các trường hợp cầu thủ dùng tay chơi bóng (trọng tài phải xem xét cự ly cú sút, tốc độ của bóng và tư thế tay của cầu thủ phòng ngự để quyết định có thổi phạt hay không). Vì vậy các cầu thủ phải tuân thủ các quyết định của trọng tài, không thể vì sai lầm của trọng tài (nếu có) mà được phép có những phản ứng thái quá, thậm chí xâm phạm thân thể trọng tài như trường hợp cầu thủ Nguyễn Văn Quyết ( HNT&T).

Cho tới hôm nay, nhiều người vẫn thắc mắc là tại sao tiền đạo ngoại bên phía SHB.ĐN đạp thẳng vào ngực của hậu vệ Văn Pho (HAGL) lại không bị xử phạt gì? Những nhận định như thế này có quy trình như thế nào không? Ban tổ chức giải có tự đánh giá, có yêu cầu các Giám sát nêu ý kiến không, hay chỉ đơn thuần là do Ban trọng tài nhận định?

+ Đây không phải là hành vi bạo lực, bỏ bóng đạp vào người. Mà phải xem xét đầy đủ bắt đầu từ sai lầm của thủ môn và hậu vệ HAGL, khiến bóng bật về cầu môn trống, tiên đạo SHBĐN chủ động tung người đá bóng với mục đích ghi bàn thắng, trong khi đó hậu vệ HAGL lao vào với nổ lực cứu bàn thua trông thấy bất chấp nguy hiểm cho bản thân.

Đây là va chạm ngoài ý muốn của tiền đạo SHBĐN. Về quy trình xử lý, Ban tổ chức giải tổng hợp các báo cáo của các giám sát,trọng tài và tư liệu trận đấu chuyển cho Ban kỷ luật xem xét xử lý độc lập theo thẩm quyền, chứ không hề có nhận định, đánh giá của Ban tổ chức hay Ban trọng tài để làm ảnh hưởng đến quyết định của Ban kỷ luật.

Vậy, BTC đánh giá về đội ngũ, công tác trọng tài sau 4 vòng đấu?

+ Qua 4 vòng đấu giải VĐQG TOYOTA 2016 công tác trọng tài được đánh giá đạt yêu cầu (chưa có trọng tài đạt dưới 8 điểm) mặc dù vẫn còn một số thiếu sót về phương pháp cần được khắc phục kịp thời để bảo đảm công tác trọng tài các trận đấu tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.

Các đội bóng, cầu thủ và cả người hâm mộ vẫn luôn ấm ức vì các trọng tài sai không bị xử. Nếu công khai, đó có thể tạo ra một môi trường công bằng.

+ Chúng tôi không thể công khai nếu có trọng tài bị kỷ luật. Đó là quy định của FIFA và AFC. Các quyết định kỷ luật trọng tài chỉ được phổ biến nội bộ.

Tân trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc: 'Tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ'

Tân trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc: 'Tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ'

Trong buổi khai mạc lớp tập huấn trọng tài, giám sát trước thềm mùa giải 2015, tân trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc đã không giấu được xúc động và bật khóc, mọi người đã phải vỗ tay liên tục để ông Ngọc phát biểu cho lưu loát…


Việc giải kêu gọi tài trợ tăng 30% so với mùa trước là một tín hiệu tích cực? Điều đó là do đâu? Nhưng tại sao chúng ta không tăng tiền thưởng cho đội vô địch mà vẫn giữ nguyên mức 3 tỉ đồng? Phải chăng có nhiều cách thưởng khác để cải thiện chất lượng, và tăng tính cạnh tranh?

+ Sau mùa giải 2015, Nhà tài trợ chính Toyota, Kienlongbank cùng với các nhà tài trợ khác đánh giá mùa giải thành công, việc xác định thứ hạng của các CLB hoàn toàn chính xác, công tác an ninh, an toàn của các giải đấu đảm bảo; đặc biệt các nhà tài trợ hài lòng khi công ty VPF đáp ứng đầy đủ các quyền lợi theo hợp đồng. Vì thế tiền tài trợ cho giải đã tăng lên.

Còn để nâng cao chất lượng, hình ảnh của giải đấu, cũng như khuyến khích các CLB trong việc chấp hành tốt Quy chế BĐCN, Luật và Điều lệ Giải và công tác tổ chức thi đấu tại địa phương, tại mùa giải 2016, HĐQT Công ty VPF đã quyết định dành khoảng 22 tỷ đồng để làm quỹ khen thưởng cho các CLB tham dự giải (dựa trên thứ hạng toàn giải, số điểm CLB đạt được theo các thang điểm, đánh giá của BTC Giải). Số tiền này nằm ngoài số tiền được quy định tại Điều lệ giải.

V-League rõ ràng có sức hấp dẫn của riêng nó dù người hâm mộ Việt Nam vẫn hay so sánh với bóng đá ngoại. Các đài truyền hình đều muốn có bản quyền để truyền trực tiếp các trận đấu. Chúng ta cần thúc đẩy điều gì để nâng cao sức hấp dẫn này nữa? Có những sự tiến bộ, cải thiện nào khác trong công tác tổ chức thi đấu hay không?

+Thông qua các chuyến nghiên cứu, học hỏi từ các nền bóng đá phát triển của khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và của Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC), Công ty VPF cũng đã học hỏi, chắt lọc được nhiều điều bổ ích, phù hợp với điều kiện của Việt Nam để áp dụng trong việc tổ chức, điều hành giải đấu.

Chúng tôi nhận thức rằng, muốn công tác tổ chức, điều hành giải đấu được thành công thì yếu tố con người rất quan trọng. Chúng tôi đã phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn dành cho các Điều phối viên, Cán bộ truyền thông của các CLB, trang bị cho họ các kiến thức, kinh nghiệm; cùng với Ban trọng tài, Ban kỷ luật VFF đến từng CLB để phố biến về Quy chế BĐCN, Luật bóng đá, Quy định kỷ luật, Điều lệ giải, công tác phòng chống tiêu cực...

Đây là mùa thứ hai ông làm Trưởng BTC giải. Nhưng trước đó, chúng ta đã có cả Trưởng BTC giải là người Nhật. Và họ phải bỏ cuộc. Có những thuận lợi gì khi Trưởng giải là một người Việt?

+ Tôi nghĩ mình có một số thuận lợi vì làm công tác tổ chức thi đấu nhiều năm tại LĐBĐVN trước đây và hiện nay tại Công ty VPF nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước. Thành thực mà nói thì tôi luôn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các CLB, các cơ quan truyền thông và các đồng nghiệp.

Cảm ơn ông đã trao đổi!

Với câu hỏi, rằng VPF có nên thay đổi cách thức, thời hạn đăng ký danh sách thi đấu, làm giống như các nền bóng đá thế giới, để có thể tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu, và các CLB có thời gian để thay đổi lực lượng dễ dàng hơn, ông Nguyễn Minh Ngọc cho biết sẽ tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu và sẽ có những đề xuất với Liên đoàn bóng đá Việt nam để từng bước hoàn thiện công tác tổ chức, điều hành.


Việt Hằng – Kỳ Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...