TP.HCM trở lại bản đồ bóng đá Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn tồn tại ở các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhiều năm qua nhưng chỉ đến lúc này, người làm bóng đá ở thành phố sôi động nhất đất nước mới phần nào tự tin về sự trở lại của một thế lực.
Đầu tiên, việc CLB TP.HCM khởi sắc dưới bàn tay HLV Chung Hae Soung được xem là động lực lớn trong việc lôi kéo CĐV Sài thành đến sân.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định: “Bóng đá nhiều khi đơn giản là thành tích. CLB đá tốt, có thành tích cao thì CĐV sẽ tò mò đến sân nhiều hơn. Điều đó giúp bóng đá thành phố có động lực tiến lên. Còn nhớ cách đây gần chục năm, khi Sài Gòn Xuân Thành chuyển hộ khẩu vào TP.HCM, họ đá thắng liên tục và thành tích tốt, cạnh tranh chức vô địch với Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng thì sân Thống Nhất có những trận đấu cũng chật kín người xem”.
VIDEO: Bàn thắng và highlights TP.HCM 2-0 Nam Định, vòng 2 V-League 2019
Về lâu dài, ông Xương nhận định nếu có chương trình đầu tư bài bản, nghiêm túc thì 5 năm nữa TP.HCM sẽ có một thế hệ cầu thủ tốt để kế thừa những gì bóng đá thành phố này đang có.
Tất nhiên, với sự tồn tại của 2 CLB chuyên nghiệp, những cầu thủ từ các lò đào tạo trẻ trưởng thành sẽ có đất “dụng võ”. Hiện tại sau thành công của bóng đá nước nhà, những trung tâm bóng đá TP.HCM mọc lên như nấm sau mưa. Ngoài ra còn có những chương trình như Dự án bóng đá học đường truyền lửa đam mê bóng đá cho các em từ bậc tiểu học.
Nhưng đáng kể nhất vẫn là các “lò” như Học viện Nutifood JMG, Juventus Việt Nam hay các đội trẻ của LĐBĐ TP.HCM hợp tác với CLB danh tiếng nước Pháp Lyon. Theo tính toán của người làm bóng đá địa phương, nếu nguồn lực này đầu tư nghiêm túc thì phải 5 năm nữa sẽ cho ra một thế hệ cầu thủ mới đáp ứng được nhu cầu thi đấu chuyên nghiệp.
“Cứ tính đơn giản như trận đấu khánh thành 2 sân tập tiêu chuẩn cao ở TP.HCM vừa qua giữa U16 Nutifood JMG và U16 Lyon TP.HCM thì sau này đến con đường chuyên nghiệp, mỗi bên rơi rụng một nửa quân số. Như vậy, TP.HCM sẽ có đủ một đội hình có thể đáp ứng cho CLB V-League, tất nhiên ở CLB đó còn có quân số nội và ngoại binh sẵn”, ông Minh Xương nói.
Nhắc đến mặt sân, chỉ trong vòng 2 tháng gần nhất, LĐBĐ TP.HCM (HFF) đã chính thức cho ra mắt 3 mặt sân chất lượng trị giá hơn 13 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu đỉnh cao cho các CLB trên địa bàn.
Chủ tịch HFF Trần Anh Tú cho biết đó là một thành tựu đột phá sau thời gian rất dài vận động. Dù chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của các đội bóng chuyên nghiệp ở địa phương nhưng TP.HCM chí ít cũng không bị mang tiếng lạc hậu hơn những lò đào tạo ở các tỉnh lẻ. Khi cơ sở vật chất dần đi vào hoàn thiện thì đó sẽ là nền tảng cho những bước đi kế tiếp.
Bài học từ sự tụt hậu trong cách làm bóng đá đã cho ra kết quả bi đát cho TP.HCM trong thời gian kéo dài hơn nửa thập kỷ, tính từ ngày địa phương này ồ ạt “nhập hộ khẩu” cho các đội bóng của các ông bầu “cả thèm chóng chán”. Và định hướng lại từ cách làm bóng đá trẻ của TP.HCM lúc này ít nhiều sẽ thấy thành quả trong tương lai gần.
“Trong năm 2019 thì tôi nghĩ nếu TP.HCM giữ được phong độ này thì việc họ lọt TOP 3 V-League là nằm trong khả năng. Ngoài ra, họ sẽ có thành tích ở cả Cúp Cúp QG nữa. Trong thời điểm hiện tại thì bóng đá thành phố đương nhiên cần có tài chính vững vàng để xây dựng nền bóng. Nếu có thành tích thì chắc chắn họ có nguồn tài trợ để duy trì”, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho biết.
Việt Hà