(Thethaovanhoa.vn) - Cơ duyên đưa VĐV điền kinh một thời Nguyễn Thị Minh Nguyệt đến với bóng đá từ năm 17 tuổi. Minh Nguyệt cũng là một biểu tượng của nhiều cuộc chuyển giao thế hệ bóng đá nữ Việt Nam. Trải qua bao chua ngọt, đắng cay cùng quả bóng tròn, nhưng niềm đam mê của Nguyệt cho môn thể thao vua là chưa bao giờ tắt.
Tài năng nở muộn, lâu tàn
Sự tình cờ đưa cô gái sinh trưởng trong một gia đình bình thường ở huyện Mỹ Đức (quê hương của Lễ hội Chùa Hương nổi tiếng) đến với bóng đá năm 17 tuổi, độ tuổi vào loại “già” với bất cứ môn thể thao nào. Nhưng nhờ thế, người ta mới biết được cô gái tuổi Dần (minh Nguyệt sinh năm 1986) này có đầy đủ tố chất của một cầu thủ đỉnh cao.
Mẹ là giáo viên, bố là bộ đội về hưu, dù gia đình không có truyền thống thể thao nhưng Minh Nguyệt được sở hữu một nền tảng thể lực vượt trội so với bạn bè cùng lứa. Sau Hội khỏe phù Đổng năm 2003, Minh Nguyệt được gọi vào đội điền kinh Hà Tây.
“Trong những buổi tập điền kinh, thấy các đàn chị đá bóng vui quá nên em mạnh dạn xin thử. HLV Xuân “xồm” thấy em đá cũng khá nên thuyết phục em bỏ điền kinh sang đá bóng. Em gật đầu đồng ý và giờ nghĩ lại, chuyện cũng đã hơn chục năm rồi”, Minh Nguyệt chia sẻ.
“Những ngày đầu theo nghiệp đá bóng, mẹ em ghét lắm. Mẹ không cho đi vì tính tình mẹ chu toàn, mẹ muốn em theo đường học hành chứ không thể hàng ngày quần đùi áo số chạy nhông nhông ngoài trời nắng chang chang hay mưa ướt sũng. Dù vậy, khi thấy em một mực cương quyết, bố cũng đã xuôi và đồng ý cho đi tập luyện cùng đồng đội. Có lẽ vì em là con út trong một gia đình có 4 anh em nên được bố mẹ cưng chiều hơn.
Khi mới lên tập trung cùng đội bóng, đêm nào em cũng khóc vì nhớ mẹ. Ngày ấy điện thoại không phổ biến như bây giờ nên không liên lạc được, càng nhớ nhà hơn nữa. Nhưng cuộc sống tập thể đoàn kết, các đàn chị trong đội cũng rất vui vẻ và động viên nên em cũng dần quen”, Nguyệt hồi tưởng.
17 tuổi mới theo nghiệp quần đùi áo số, nhưng ngay lập tức, những năng khiếu bộc phát đã giúp Nguyệt có được một vị trí chính thức trong đội hình U19 Việt Nam. Kể từ đó về sau, Minh Nguyệt là cái tên luôn góp mặt trong thành phần các ĐTQG nữ. Một hành trình nghe qua có cảm giác như Nguyệt được trải thảm đỏ trên đường đi của mình. Nhưng với Nguyệt, may mắn không tự dưng mà đến.
Nó là thành quả của việc nắm bắt cơ hội: “Ngay trong lần đầu tiên dự vòng loại U19 châu Á, em nhớ mình đã ghi 4 – 5 bàn thắng cho U19 Việt Nam. Dù không giúp đội vượt qua vòng loại vì những Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc quá mạnh nhưng việc ghi được bàn thắng cũng là động lực giúp em phấn đấu trong tương lai”, Nguyệt cho biết.
Chuyện đó để sau
Thành công đến sớm với Minh Nguyệt là điều bao cầu thủ nữ mong muốn. Nhưng cũng không ít lần, cô gái sinh năm 1986 phải đương đầu với nghịch cảnh. Liên tiếp trong 3 năm 2009, 2010 và 2011, Minh Nguyệt hứng chịu những tai nạn khắc nghiệt của đời cầu thủ. Năm 2009, Nguyệt bị rắn cắn đến nỗi phải nhập viện một tuần.
Năm 2010 và 2011, Nguyệt phải ngồi ngoài vì chấn thương dây chằng đầu gối. Đối diện với bàn mổ, Nguyệt những tưởng sẽ phải chia tay với sự nghiệp của mình. Phận liễu yếu đào tơ liên tiếp gặp trắc trở, nhưng Nguyệt vẫn luôn có đủ dũng khí để vững bước sự nghiệp. Nỗ lực đó của Nguyệt đã được đền đáp xứng đáng khi trong lần trở lại năm 2012, Nguyệt đã trực tiếp giúp ĐTVN giữ lại chiếc Cúp vô địch ĐNÁ trên sân nhà.
Đến giờ, khi nhớ lại những khoảnh khắc kinh hoàng đó, Minh Nguyệt vừa sợ, vừa tiếc. Cô chia sẻ: “Em tiếc vì mình chưa đóng góp được cho ĐTQG lúc chấn thương. Tiếc vì những tấm huy chương bị tuột khỏi tầm tay mà lẽ ra, mình đã làm tốt hơn”. Sự tiếc nuối lớn nhất của Nguyệt là ở kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam dù chơi tốt hơn và bản thân Minh Nguyệt là người có bàn thắng giúp ĐTVN dẫn trước Thái Lan, nhưng cuối cùng ĐTVN vẫn thua chung cuộc 1 – 2.
Vừa buồn, vừa tủi nhưng ngay khi trở về nhà, Minh Nguyệt đã bất ngờ khi nhận được sự thông cảm của CĐV nước nhà: “Trong buổi tối trở về Hà Nội sau trận chung kết SEA Games, có vài người đã nhận ra em và đến hỏi han, động viên, bảo rằng các em đá tốt lắm, chỉ thua do không may mắn mà thôi. Em không ngờ mình lại nhận được tình cảm đó của các CĐV dù đội thua. Những tình cảm đó giúp em càng phải nỗ lực hơn để giành tặng điều tốt đẹp nhất cho CĐV nước nhà”.
Bản thân Minh Nguyệt ý thức được mình là chiếc cầu nối của nhiều thế hệ. Từ những đàn chị như Kim Chi, Văn Thị Thanh, Đào Thị Miện đã giải nghệ. Đến những đồng đội đương thời như Kim Hồng, Kiều Trinh, Lê Thị Thương hay các cầu thủ trẻ Nguyễn Thị Muôn, Tuyết Dung… Nguyệt chia sẻ cô tự nhủ bản thân phải làm được nhiều điều như các đàn chị đã làm được. Niềm đam mê của Nguyệt là bất tận và khi bản thân còn cảm thấy chơi bóng được, cô sẽ không bỏ ngang niềm đam mê. Minh Nguyệt sẽ chơi bóng đến năm 34 tuổi như những đàn chị Kim Chi, Hoài Thu (đang chơi cho Than khoáng sản Việt Nam) đang làm.
Vì “mải mê” với quả bóng tròn, Minh Nguyệt cũng không có thời gian để ý nhiều đến chuyện riêng tư. “Thấm thoắt đã hơn chục năm. Nhiều khi soi gương thấy mình già quá rồi anh ạ! Mùa valentine năm nay có người bạn đã tặng em 29 bông hoa hồng. Em rất bất ngờ vì từ trước đến nay, anh ấy chỉ tặng em món quà là sô cô la hay một bông hoa hồng thôi. Dường như đó là ẩn ý của anh ấy muốn nói em đã 29 tuổi rồi đấy Nguyệt à, bỏ đá bóng đi, về lấy chồng thôi em ơi!”.
Đó là người bạn từ thuở học phổ thông của Nguyệt. Dù quen biết từ rất lâu và chàng trai kia vẫn luôn chờ đợi cô bạn học thưở nào, nhưng Minh Nguyệt vẫn chưa “đáp lễ”. Cô chia sẻ: “Để chuyển từ tình bạn sang tình yêu thì cần thêm nhiều thời gian nữa. Và hiện tại, em vẫn đam mê quả bóng tròn chứ chưa vội tính chuyện gì khác. Thỉnh thoảng mẹ em vẫn nhắc nhở, nhưng cũng không quyết liệt lắm. Em nghe nói con gái tuổi Dần khó lấy chồng lắm. Nhưng em thì để mai tính”.
Tại giải VĐQG đang diễn ra ở TP.HCM, Minh Nguyệt bị phù tủy do quá tải ở kỳ SEA Games 27 trên đất Myanmar nên không thi đấu. Một phần cũng để dưỡng sức cho vòng chung kết châu Á sắp tới, Minh Nguyệt là tiền đạo không thể thiếu của ĐTQG. Nhưng cô vẫn song hành cùng các đồng đội bằng cách lên khán đài quay phim lại trận đấu của đội nhà để toàn đội rút kinh nghiệm sau trận đấu.
Mồ hôi nhễ nhại vì luôn phải theo dõi sát sao từng tình huống, Nguyệt tâm sự “cũng ngứa ngáy tay chân khi nhìn các đồng đội thi đấu. Nhưng vì nhiều giải đấu quan trọng trước mắt cần đến mình nên cũng cắn răng chịu đựng. Ghi hình lại trận đấu cũng là một cách để giúp đồng đội”. Có lẽ vì sự nhiệt tình này mà các đồng đội của Nguyệt đã chơi rất nỗ lực để bảo vệ được vị trí dẫn đầu sau 4 lượt trận.
Họ tên: Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Thành tích nổi bật: 2 HCV SEA Games, 2 Cúp vô địch Đông Nam Á
Người thầy đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Minh Nguyệt là HLV Mai Đức Chung.
Khi chân ướt chân ráo lên tập trung đội tuyển, Minh Nguyệt đã được HLV họ Mai chỉ bảo những động tác cặn kẽ và đưa ra những lời khuyên răn có ích trong cuộc sống của Nguyệt sau này.
Thu nhập hiện tại của Minh Nguyệt tại Hà Nội 1 là 5 triệu đồng. Theo Nguyệt, nó đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cuộc sống hàng ngày của cô. Vì thế, không chỉ Nguyệt mà rất nhiều cô gái đá bóng khác muốn cuộc sống khá hơn đôi chút phải thi đấu thật tốt để tự mở cánh cửa vào ĐTQG.
Tại đây, chế độ sẽ được nâng cao hơn đôi chút cho họ. Sau SEA Games 27, mức thưởng của Nguyệt ở loại A (120 triệu đồng) và như Nguyệt chia sẻ: “Em đã giành dụm được chút ít để lo cuộc sống về sau chứ không về xin tiền mẹ như trước đây.
Sau khi giải nghệ, em mong muốn được có một công việc là giáo viên thể chất (Nguyệt đã có bằng Đại học TDTT) hoặc một công việc ở đội Hà Nội”.
Ngày 8/3 hay bất cứ sự kiện nào, người Minh Nguyệt chúc mừng là mẹ mình. Do phải đi thi đấu thường xuyên nên Minh Nguyệt hay gọi điện về tâm sự với mẹ. Còn với đội Hà Nội, ngày 8/3 nếu chưa vào giải lớn, cả đội sẽ đá giao hữu với một đội nam và được họ mời đi ăn uống. Với các cầu thủ nữ, ngày 8/3 rất đơn giản như lời kể của Nguyệt. “Ngày 8/3, Nguyệt xin chúc cho những người mẹ, người cô, người chị và đặc biệt là những đồng nghiệp có một sức khỏe tốt để tập luyện và thi đấu. Em sẽ nỗ lực hết sức để đem về chiếc vé dự World Cup cho đội tuyển Việt Nam tại vòng chung kết châu Á sắp tới”. |
Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa cuối tuần