(Thethaovanhoa.vn) - Đã bước sang tuổi 31 nhưng Công Vinh như chứng tỏ mình đang “hồi xuân” trong màu áo ĐTQG khi liên tục “nổ súng” để đem lại kết quả khả quan cho đội nhà. Tiền đạo xứ Nghệ là biểu tượng cho cánh chim không mỏi của bóng đá nước nhà nhưng đằng sau đó vẫn còn những trăn trở khó nói nên lời.
Bất kể dưới thời HLV nào, từ khi khoác lên mình chiếc áo ĐTQG, Công Vinh luôn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Ở đó, tính chuyên nghiệp, khổ luyện, chăm chỉ là điểm sáng của chân sút này. Thế nên, anh luôn là sự lựa chọn tối ưu trên hàng công, dù phong độ không phải lúc nào cũng tốt.
Đầu tàu không thể thay thế
Minh chứng sống động nhất là ở AFF Cup 2008. Công Vinh “im lặng” trong suốt quá trình chuẩn bị cho giải đấu đến hết vòng bảng. Thế nhưng, khi bước sang những trận đấu có tính chất loại trực tiếp, tiền đạo 31 tuổi này đã "lên tiếng" để mang lại chức vô địch cho đội nhà.
Giữa muôn trùng vây của dư luận, Công Vinh vẫn bản lĩnh đối diện và luôn trả lời bằng những kết quả cụ thể trên sân. Thời điểm này cũng thế. Tiền đạo của B.Bình Dương phải chịu nhiều áp lực từ CĐV về phong độ, về tuổi tác. Và khi chỉ số niềm tin dành cho cầu thủ này xuống thấp thì Công Vinh lại tỏa sáng bằng những bàn thắng ghi được.
Ở 5 trận đấu dưới thời HLV Hữu Thắng, chân sút xứ Nghệ đã có tới 6 lần “nổ súng”, qua đó giúp đội nhà giành chức vô địch giải giao hữu Aya Bank Cup ở Myanmar.
Đã qua tuổi "băm" song Công Vinh như đang hồi xuân, ở trạng thái phong độ tốt nhất của mình. Ở tập thể mà HLV Hữu Thắng xây dựng rất rõ nét tính kế thừa, Công Vinh chứng tỏ anh là đầu tàu, cánh chim không mỏi để dẫn dắt lứa “đàn em” Công Phượng, Văn Toàn,… và giúp người hâm mộ ngày càng tin tưởng vào con đường đang đi của HLV Hữu Thắng.
“Công Vinh là hình ảnh tiêu biểu đáng được học hỏi của bóng đá Việt Nam. Tính chuyên nghiệp, kiên trì và không ngừng học hỏi giúp cậu ấy duy trì được phong độ. Tôi nghĩ Vinh đang hội tụ đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa để tạo nên dấu ấn như hôm nay.
Đó là một ĐT được xây dựng dựa trên nền tảng kỹ thuật của hàng công; là việc ĐT lâu nay thiếu những trung phong cắm đúng nghĩa cùng việc Công Vinh không có nhiều cơ hội ra sân ở CLB khiến anh càng quyết tâm chứng tỏ năng lực của mình. Đó là tín hiệu vui với cá nhân Công Vinh cũng như bóng đá Việt Nam trong bối cảnh có sự giao thời này”, chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh bày tỏ.
Cú đúp vào lưới Hong Kong (Trung Quốc) tại Aya Bank Cup 2016 chỉ càng khẳng định Công Vinh hoàn toàn xứng đáng với tấm băng đội trưởng ĐTQG Việt Nam.
Nỗi lo hậu Công Vinh
Công Vinh tỏa sáng là tín hiệu đáng mừng nhưng đằng sau đó là bao nỗi âu lo. Mới đây, trả lời trên truyền thông quốc tế, tiền đạo này không ngần ngại bày tỏ anh sẽ chia tay ĐTQG vào năm sau. Với một cầu thủ có tính chuyên nghiệp cao và vẫn thể hiện được khả năng thì thời điểm xác định “treo giày” có thể còn quá sớm.
Song khi Vinh càng tỏa sáng thì nỗi lo càng tăng lên gấp bội bởi lẽ, bóng đá Việt Nam đang trong tình cảnh “đốt đuốc” để tìm trung phong cắm đúng nghĩa. Lúc này, bài toán lấp khoảng trống của Công Vinh hết sức nan giải.
Không thể phủ nhận lứa cầu thủ tài năng của HAGL như Công Phượng, Văn Toàn đang giúp người hâm mộ bóng đá nước nhà có nhiều hơn niềm tin vào tương lai của ĐTQG. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, thật khó để tìm ra những chân sút đủ sức thay thế khi Công Vinh giải nghệ.
Trong bối cảnh các đội bóng ưu tiên sử dụng ngoại binh trên hàng công thì các chân sút nội rất khó có “đất” để dụng võ. Thực tế, ngoài Sài Gòn, FLC Thanh Hóa hay HAGL mạnh dạn đặt niềm tin vào chân sút nội thì các đội bóng khác đang “thở” bằng ngoại binh. Chính bản thân Công Vinh khi về CLB B.Bình Dương cũng chỉ sắm vai tiền vệ cánh.
“Bài toán đặt ra là VFF cùng các đội bóng nên có cái nhìn xa hơn để tạo điều kiện cho các chân sút nội có cơ hội. Một trung phong giỏi không chỉ đòi hỏi khả năng chuyên môn mà còn về thể hình. Bóng đá Việt Nam đang khan hiếm mẫu tiền đạo như vậy. Cần một cuộc cách mạng để tránh tình trạng hụt hẫng khi Công Vinh giải nghệ”, ông Vinh thẳng thắn nhìn nhận.
Nam Giao
Thể thao & Văn hóa