(Thethaovanhoa.vn) - Không phải cầu thủ đương thời nào cũng nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục gắn bó với nghiệp bóng đá trong vai trò HLV. Và, ở thời đại bóng đá kim tiền, khi một cầu thủ biết tích luỹ, có thể có gia tài hàng chục tỷ đồng, nên họ có quyền lựa chọn.
Một số đáng kể (như Công Vinh hay Nguyễn Hữu Thắng chẳng hạn) sẽ không tiếp tục gắn bó với nghiệp huấn luyện. Vinh muốn trở thành nhà quản lý bóng đá, trong khi cựu tiền vệ ĐT Việt Nam và B.Bình Dương, Nguyễn Hữu Thắng, gần như đoạn tuyệt hoàn toàn với bóng đá. Mặc dù vậy, đó là những quan điểm rất rõ ràng.
Trước khi nộp đơn xin việc vào Quỹ đầu tư và phát triển tài năng trẻ bóng đá Việt Nam (PVF), Việt Thắng và Ngọc Thanh đều không nghĩ rằng họ sẽ gắn với nghiệp HLV. Việt Thắng thời còn thi đấu đỉnh cao thậm chí đã mở nhà hàng và một số các hoạt động kinh doanh khác; trong khi Nguyễn Ngọc Thanh, đồng đội cũ của anh trong màu áo U21 Công an TP.HCM (cũ) và ĐT Việt Nam, cũng chực chờ các cơ hội làm ăn liên quan đến bất động sản và hàng quán. Vào thời điểm đó, việc học hỏi, tích luỹ để trở thành một HLV chuyên nghiệp, chỉ là lựa chọn thứ yếu. Việt Thắng và Ngọc Thanh khác với Minh Phương, Tài Em ở điểm này.
Nhưng, khi nghiệp huấn luyện và cơ hội mở ra ở PVF là lựa chọn duy nhất, cuối cùng, cả Việt Thắng và Ngọc Thanh, những cựu danh thủ vẫn còn ít nhiều ánh hào quang, phải chấp nhận thi (phỏng vấn) đầu vào như bao trường hợp khác. Ơn giời, họ đều là những cựu tuyển thủ QG – một điều kiện cần, thừa đam mê và nhiệt huyết, đặc biệt là với bóng đá trẻ, đào tạo trẻ. Tức là về cơ bản, Việt Thắng và Ngọc Thanh (chuyên tu huấn luyện – đào tạo các tiền đạo), không theo bất cứ một “dây” nào cả, để vào được PVF, có một công việc ổn định và hưởng lương hàng chục triệu đồng/tháng. Đơn giản, họ có năng lực và cầu thị, cầu tiến.
Thế hệ của những Việt Thắng, Ngọc Thanh… thậm chí là sau đó nữa, chúng ta sẽ bàn ở các chuyên đề sau. Giờ, trở lại với “thế hệ vàng”, lứa cầu thủ đàn anh của họ, đầy vinh quang trong quá khứ, nhưng lại thua thiệt ở khoản… tiền mặt khi còn đương thời. Điểm lại hơn 40 gương mặt thuộc thế hệ này (giai đoạn 1995 – 1999), đa phần đều khá thành công ở mức độ khác nhau trong nghiệp huấn luyện. Những Huỳnh Đức, Công Minh, Minh Chiến hay Chí Bảo… không may mắn như thế hệ đàn em, khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ mở cửa và dễ dàng kiếm được bản hợp đồng tiền tỷ. Nhưng, cổ nhân nói, trong hoạ có phúc.
“Tôi đã từng có ý từ bỏ, thậm chí là đoạn tuyệt luôn với bóng đá”, Trần Quan Huy, cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn và ĐT Việt Nam “thế hệ vàng”, đã chia sẻ với PV Thể thao & Văn hoá bên cạnh đường piste SVĐ Trung tâm Công an TP.HCM.
Trước và ngay sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, phần lớn “thế hệ vàng” đều xác định rõ công việc sắp tới: HLV bóng đá. Song, thời điểm và cơ chế không cho họ nhiều cơ hội tiếp cận với chuyện học hành, mà cụ thể là các lớp HLV chuyên nghiệp. Phải đợi đến sau khi giải nghệ, thậm chí là nhiều năm sau khi giải nghệ, “thế hệ vàng” mới có điều kiện tiếp cận và tham gia các lớp học. Hôm rồi, ở lớp HLV bằng B (tổ chức tại TP.HCM), chúng tôi còn thấy những Xuân Trúc (cựu cầu thủ Hải Quan), Thống Khai (Đồng Tháp và Bình Thuận) ngồi cùng lớp với những Quang Huy (cựu thủ môn Nam Định và ĐT Việt Nam), Duy Đông…
Về cơ bản, các thế hệ cầu thủ đi trước đều đã xác định rõ, mình sẽ làm gì và theo đuổi cái gì. Và khi họ thành danh trên cương vị HLV, ở nhiều cấp độ khác nhau, đấy cũng là thành quả xứng đáng, sau bao nỗ lực. Con người là chủ thể, là trung tâm của vũ trụ, nên chọn nghề thay vì đợi nghề chọn mình. Một số trường hợp nghề chọn mình, tức là vạn bất đắc dĩ, thường lận đận, bởi nghiệp quần đùi áo số bình thường vốn đã thiệt thòi đủ đường.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa