(Thethaovanhoa.vn) - Bầu Đức đã nói ra một điều tối kỵ để rồi ông trở thành tâm điểm của bao sự chỉ trích. Nhưng, sao cả VFF chỉ mỗi mình ông nói?
1. Nhiều người bảo do gần 2 năm qua, dưới sự lèo lái của VFF nhiệm kỳ VII, bóng đá Việt Nam chẳng có thành tích gì nổi bật. AFF Cup, SEA Games vốn là mặt trận chính, đã thất bát. Những lời hứa hoành tráng khi nhậm chức, rốt cục hiện thực hóa không được bao nhiêu.
VFF lại gặp vận hạn, điển hình như vụ tố cáo lãnh đạo “ăn hối lộ” vô cùng mệt mỏi, không buồn nói cũng phải!
Trong bối cảnh đó, người duy nhất ở VFF chịu nói là ông Đoàn Nguyên Đức. Ông nói nhiều, cũng có “nổ”, cũng có nói sai, có đúng, nhưng suy cho cùng, vẫn giải tỏa được phần nào nhu cầu của dư luận: Nghe để hiểu lãnh đạo VFF nghĩ cái gì.
Đôi khi, những cái hiểu ra được lại gây bất ngờ, và hậu quả cũng có. Chẳng hạn ông Lê Hùng Dũng, thời còn làm Phó Chủ tịch VFF từng nói ngay trước chiến dịch lớn: “Không vô địch SEA Games thì vứt!”, khiến ông Calisto giận sôi lên, vì cho rằng thế là gây sức ép U23 VN.
Nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng có câu nói để đời: “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không”?
Có ông lãnh đạo VFF như bầu Đức chịu nói, cũng đỡ nhạt. Cũng không phải là sai khi ông chê Miura tệ, và khẳng định còn ông Miura thì bóng đá Việt Nam không phát triển, rồi kêu gọi chấm dứt hợp đồng với ông Miura…
2. Chúng ta đã có gần 2 năm kiểm chứng ông Miura không có nhiều tính trội, về thành tích lẫn chuyên môn. Những nỗ lực hết mình của HLV Miura cũng giúp chúng ta có một số khôi phục lại vị thế, nhưng e là chưa đủ.
Nếu tới đây, VCK U23 châu Á thành công (hy vọng lọt vào tứ kết), liệu có giải quyết được những tồn tại của các đội tuyển Việt Nam, từ lối chơi tới bản sắc.
Một phần vì nền tảng bóng đá Việt còn thấp, nhưng HLV Miura vẫn chưa chứng minh thực tài, nên gần hai năm qua, dù đã xới tung cả nền bóng đá, chọn cả trăm cầu thủ vào các đội tuyển, được trao nhiều quyền hạn, vậy mà lối chơi, sắc diện của ĐTVN và U23 QG rất mong manh.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch VFF, ông chủ của CLB HAGL, thẳng thắn chê bai HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura tại Hội nghị BCH VFF lần thứ 5 nhiệm kỳ VII diễn ra tại TP.HCM vào chiều ngày 4/12.
Mong manh như nếu tiếp tục ký hợp đồng với HLV Miura, đồng nghĩa đánh cược với AFF Cup 2016, SEA Games 2017, vốn quan trọng nhất với bóng đá Việt Nam.
Khẩu hiệu của Đại hội VFF khóa VII là: “Đổi mới triệt để, toàn diện nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Thời gian trôi rất nhanh, nếu không nhạy cảm điều chỉnh lại chiến lược, trong đó có chiến lược sử dụng HLV ngoại, có khi hết nhiệm kỳ lại tay trắng.
Xem ra, khi phát biểu dồn ông Miura vào bước đường cùng, lấy khả năng tài trợ khủng ra để hứa hẹn, ông Đức đang đặt cược danh dự của mình vào những lời nói “nghịch nhĩ”. Một người như bầu Đức, có 15 năm làm bóng đá, từng được coi là biểu tượng của những bước đi đột phát, mới mẻ, từng được coi là hình ảnh tiêu biểu của sự chuyển mình, làm bóng đá từ gốc rễ thông qua đào tạo trẻ, liệu ông có dễ dàng ném mọi thứ đi như vậy chỉ vì ông muốn một người khác chấp thuận lấy quân HAGL làm nòng cốt cho đội tuyển?
Dù sao, trong bối cảnh lãnh đạo VFF dạo này rất kiệm lời, nghe ông Đức nói (và cả “nổ”), cũng đỡ nhạt. Ai cũng biết, trong bóng đá, đôi lúc khẩu chiến hấp dẫn hơn chuyên môn.
Trong thường trực VFF, tiếng nói ông Đức không được nhiều người ủng hộ, ông Đức đã chọn cách nói như tư cách… người hâm mộ trong bối cảnh của một cuộc họp Ban chấp hành và Thường vụ.
Vạn cùng bất đắc dĩ chăng?
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa