(Thethaovanhoa.vn) - Sau một mùa bóng khoác lên mình chiếc áo đấu hàng hiệu đến từ Italia mang tên Kappa, các cầu thủ SLNA trở lại với những trang phục truyền thống được sản xuất trong nước. Nguyên nhân là vì sau 1 năm hợp tác, cả 2 bên đều không mặn mà với việc gia hạn hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên Thể thao & Văn hoá về lý do Kappa trước kia muốn gắn bó với SLNA nhưng nay lại bỏ, ông Hoàng Phúc, đại diện của Kappa tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi quyết định tài trợ cho SLNA vì chúng tôi đã tìm hiểu kỹ SLNA. Đây là đội bóng có truyền thồng, lực lượng CĐV hùng hậu tốt nhất Việt Nam, phù hợp với việc phát triển hình ảnh và thương hiệu của chúng tôi tại Việt Nam”.
Mục tiêu là vậy. Nhưng thực tế lại khác. Kappa không còn mặn mà với việc mở rộng thị trường ở Nghệ An, vì họ không bán được chiếc áo nào cho CĐV ở xứ Nghệ. Cửa hàng bán đồ chính thức của hãng tại thành phố Vinh cũng không xuất hiện.
Tìm hiểu được biết, nhiều CĐV SLNA không mặn mà với áo đấu của Kappa. Họ cho rằng chiếc áo này quá giống áo đấu của Hà Nội T&T nên làm mất đi ít nhiều bản sắc của SLNA.
Trao đổi với lãnh đạo SLNA, lý giải của nhà tài trợ với CLB là do hình ảnh tiêu cực nói chung của BĐVN: "Trong năm 2014, hình ảnh bóng đá Việt Nam bị xấu đi trong mắt quốc tế khi liên tiếp các vụ án bán độ của cầu thủ bị đưa ra ánh sáng, vì thế từ Italy, hãng đã yêu cầu văn phòng Kappa Việt Nam không tái ký hợp đồng nữa. Còn hợp đồng chưa hết hạn như Hà Nội.T&T vẫn tiếp tục được thực hiện”.
Để có bản hợp đồng tài trợ được ký ngày 5/1/2014 giữa Kappa và SLNA, các bên đã có những buổi làm việc manh nha từ trước đó cả 3 năm, khi SLNA đoạt chức vô địch V-League 2011.
Bản hợp đồng giữa 2 bên được ký kết với giá trị khoảng gần 2 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và tiền quy đổi bằng trang phục thi đấu, phụ kiện thi đấu cho đội 1 SLNA. Đổi lại, hãng Kappa ngoài việc độc quyền hình ảnh trên áo đấu SLNA còn được đặt 6 biển quảng cáo trên sân Vinh và 8 biển quảng cáo trên sân tập. Và hình ảnh Kappa còn xuất hiện trên xe di chuyển của đội bóng.
Ở chiều ngược lại, bản thân CLB SLNA cũng thất vọng với bản hợp đồng trên. SLNA hy vọng sẽ được tài trợ toàn bộ áo đấu, áo tập và phụ kiện thi đấu cho cả tuyến trẻ, nhưng Kappa chỉ tài trợ duy nhất cho đội 1.
Vì thế, ban lãnh đạo SLNA cũng không mặn mà với việc gia hạn hợp đồng, dù trước đây trong quá trình thương thảo SLNA đã từng dành cho nhà tài trợ rất nhiều chính sách ưu ái chưa có tiền lệ.
Ông Hồ Văn Chiêm, GĐĐH SLNA, cho biết “Tất nhiên tôi vẫn mong muốn cầu thủ được mặc áo xịn thi đấu, nhưng không có thì cũng chẳng sao, vì SLNA xây dựng thương hiệu với CĐV không chỉ bằng quần áo”.
Từ đầu mùa năm nay, các cầu thủ SLNA sử dụng trở lại những chiếc áo được CLB đặt may tại TP.HCM với giá thành chỉ bằng khoảng 1/10 so với chiếc áo mà Kappa cung cấp.
Anh Phan Công Ngọc (thành viên Hội CĐV SLNA) tuyên bố: “Tôi ủng hộ việc SLNA trở lại sử dụng áo đấu như cũ, có như thế những CĐV như tôi mới có thể mua được. Trước trận bóng, tôi có thể mua được ngay áo SLNA ở các quầy lưu niệm bên cạnh sân Vinh, nhưng điều đó rất khó nếu như muốn mặc áo chính hãng. Và hơn nữa, với CĐV, chiếc áo SLNA thì phải có màu xanh của sông Lam, màu vàng của chất Nghệ. Vì vậy nếu sau này CLB có tài trợ mới đáp ứng điều đó chúng tôi sẽ ủng hộ”. Như vậy, sau khi HA.GL, Đồng Tháp, Than Quảng Ninh in áo bán cho CĐV thì đến lượt SLNA cũng đang tính chuyện kinh doanh từ áo đấu của đội bóng, dù đó chỉ là sản phẩm được sản xuất trong nước. |
Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa