(Thethaovanhoa.vn) - Khán giả nổi giận và BTC sân Hòa Xuân buộc phải “xả cổng” để tránh hệ lụy xấu. Đằng sau câu chuyện cái sân “sắp vỡ” đó là cả một niềm tin đang vãn hồi ở miền đất mà tình yêu bóng đá có phần nguội lạnh trong mấy năm qua.
Cảnh tượng xưa nay hiếmDời từ sân Chi Lăng, nơi được xem là niềm tự hào của thành phố bên bờ sông Hàn, để đến với Hòa Xuân, một địa điểm cách xa trung tâm thành phố 15km. Câu chuyện khán giả đến sân hay không là nỗi trăn trở.
Và nỗi trăn trở đó phần nào xuất hiện trước trận đấu SHB Đà Nẵng – HAGL diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ. Chỉ có lác đác vài nhóm CĐV đến sân. Trước trận đấu khoảng 30 phút, nỗi lo ấy càng hiện hữu khi 4 khán đài còn rất nhiều chỗ trống.
Thế nhưng, chỉ 15 phút sau, khắp các cung đường, khán giả nườm nượp đổ về. Bên ngoài các cổng, rất nhiều khán giả đứng chờ đợi. Họ bực tức vì không mua được vé trong khi bên trong sân còn rất nhiều hàng ghế trống.
Thậm chí nhiều CĐV đã bức xúc tràn qua khu bán vé rồi tiến vào đường hầm sân Hòa Xuân. Lúc này, phải nhờ tới lực lượng an ninh, trật tự mới vãn hồi.
Để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra, BTC sân phải xả cổng để khán giả vào tự do. 4 khán đài chật cứng và trận đấu diễn ra suôn sẻ trong sự nhẹ nhõm của BTC sân.
Với người dân Đà Nẵng, đã 5 năm trở lại đây, họ mới chứng kiến cảnh tượng dòng người chen lấn, mong mỏi tấm vé đến sân như vậy.
Thông điệp từ “Thượng đế”
Khó có thể phủ nhận, chuyện khán giả đến sân đông không chỉ để lần đầu chứng kiến sân Hòa Xuân mà còn là câu chuyện về đối thủ HAGL. Đội bóng phố núi luôn là tâm điểm, nhất là khi với sự trở về của Công Phượng sau một năm đi “du học” ở Nhật Bản cùng những tài năng đầy hứa hẹn như Văn Toàn, Văn Thanh…
Đó là những yếu tố cần và đủ để có thể lôi kéo khán giả đến sân. Như bày tỏ của khán giả Trần Minh Dương rằng: “Tôi đến xem trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và HAGL vì đây là trận đấu đầu tiên trên sân mới. Hơn nữa, 2 đội bóng có sức hút lớn, nhất là HAGL với những Công Phượng, Văn Toàn. Thật hưng phấn khi được chứng kiến một trận cầu đông khán giả như thế này.
Để khán giả đến nhiều hơn thì sân phải đảm bảo tiêu chuẩn thi đấu. Lối đá của đội bóng hay để thu hút khán giả đến cổ vũ. Đội ngũ nhân viên sân phải marketing thật tốt”.
Trước thái độ phẫn nộ của một bộ phận lớn khán giả không có vé vào sân trong ngày khai sân Hòa Xuân, SHB Đà Nẵng đã “xả cổng” để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra.
“Về sân Hòa Xuân khán giả đến nhiều hơn vì bên này thoáng hơn, sân bóng lại đẹp. Tôi tin sân Hòa Xuân sẽ phát triển tốt, khán giả Đà Nẵng sẽ động viên cho đội bóng để SHB Đà Nẵng đá đẹp hơn, tốt hơn”, bác Phạm Ánh chia sẻ thêm.
“Sân Chi Lăng đã ghi dấu những thành tích vẻ vang của bóng đá Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo thời gian, sân Chi Lăng đã xuống cấp. Thế nên, UBND thành phố đã đầu tư xây dựng sân mới Hòa Xuân.
Khi bước sang sân mới tạo nên niềm hứng khởi mới không chỉ cho SHB Đà Nẵng mà cho tất cả đội bóng; đặc biệt là người hâm mộ. Trong thời gian vừa qua, khán giả rất quan tâm đến SVĐ này.
Mặc dù so với sân Chi Lăng thì quãng đường đến sân Hòa Xuân xa hơn song khán giả đến rất đông. Độ dài quãng đường không bằng tinh thần thi đấu của các cầu thủ trên sân. Đó là mấu chốt quyết định khán giả đến sân hay không”, ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng, chia sẻ.
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa