loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Một cơn bão thông tin đang tràn ngập mạng xã hội về điểm đến của Nguyễn Quang Hải, cứ như thể chuyện Hải ra đi là không còn gì để bàn. Nhưng nếu như thế thì đơn giản quá.
Mấy ngày qua, câu chuyện đi - ở của ngôi sao lớn bậc nhất BĐVN trong dăm năm qua - Quang Hải, đã tốn rất nhiều giấy mực. Thực ra, nếu ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp đạt tầm cao, sự việc sẽ hết sức bình thường. Nhưng ở ta thì… bất thường!
Chia tay biểu tượng
Hải “con” vào sân trong hiệp 2 trận đấu bù giữa CLB Hà Nội và Thanh Hóa. Ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, chạy đến bên người đội trưởng Văn Quyết vừa có pha đá phạt góc phối hợp hoàn hảo với mình. Trên khung cảnh tráng lệ của niềm vui chiến thắng, người ta không thấy một Quang Hải đang đòi ra đi, chỉ thấy đó là một Quang Hải - thuộc - về - CLB Hà Nội.
Cái cách mà Quang Hải “enjoy” với khoảng thời gian chơi bóng trên sân, cảnh Hải cúi đầu khi bắt tay với ông chủ - bầu Hiển, cho thấy việc Quang Hải và CLB Hà Nội chưa tìm được tiếng nói chung trong việc gia hạn hợp đồng dường như không thuộc về ý muốn ra đi của Quang Hải, mà “quả bóng” đang nằm ở phần sân của CLB Hà Nội. Họ có thực sự muốn giữ Quang Hải không? Hay hỏi theo một cách khác: Họ đã sẵn sàng chia tay với người có thể là biểu tượng của mình chưa?
Toàn bộ sự nghiệp và cuộc hành trình đi đến vị thế của ngôi sao số 1 Việt Nam hiện nay của Quang Hải đều gắn liền với CLB Hà Nội. Không ai có thể phủ nhận tài năng xuất chúng của Quang Hải, nhưng cũng khó mà biết được, nếu Quang Hải không thi đấu tại CLB Hà Nội thì liệu anh có thể thăng hoa sự nghiệp của mình để rồi mới đến tuổi 24 đã đủ đầy danh hiệu, nghĩ đến chuyện đi tìm thử thách mới?
Trước Quang Hải, CLB Hà Nội từng có một ngôi sao lớn là Lê Công Vinh, nhưng chức vô địch V-League của Hà Nội T&T đầu tiên vào năm 2010 không có nhiều sự đóng góp của CV9. Các danh hiệu kế tiếp vào năm 2013, 2016 thì Quang Hải chưa xuất hiện trên đội 1.
Đóng góp của Quang Hải rõ ràng nhất diễn ra ở các mùa giải 2018 và 2019. Trong cuộc hành trình xác lập vị thế độc tôn của Hà Nội T&T trước kia hay CLB Hà Nội bây giờ, cầu thủ được xem là biểu tượng, phải là Nguyễn Văn Quyết.
Ở trận thắng Thanh Hóa, Quang Hải vụt sáng với bàn thắng đẳng cấp của mình, nhưng cầu thủ quan trọng nhất của trận đấu không ai khác, như mọi khi vẫn là Văn Quyết, người được xem là sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại, là chìa khóa về khía cạnh chiến thuật của HLV, điều mà một người chủ yếu đá tấn công như Quang Hải không thể có.
Người ta nói, có 2 thứ định danh một CLB hàng đầu: Một là danh hiệu và hai đó là biểu tượng. Xét trên mọi khía cạnh, CLB Hà Nội đã có cả 2. Họ đang giữ kỷ lục 5 chức vô địch V-League và chuyện đi-ở của Quang Hải vô tình càng tôn thêm chất “biểu tượng” của Văn Quyết, người “một lần Hà Nội, mãi mãi CLB Hà Nội”, kiểu như Totti của thành Rome, hay Madini của Milan hoa lệ. Nếu có ở lại CLB Hà Nội, thì cũng còn lâu Quang Hải mới đạt đến tầm vóc này.
Điều mà CLB Hà Nội hiện chưa có, đó là một danh hiệu ở đấu trường quốc tế, nơi họ từng vào đến trận chung kết thứ nhất của AFC Cup cách đây 3 năm. Tuy nhiên, lịch sử tham gia các đấu trường châu lục ở cấp độ CLB cho thấy, muốn thành công thì phải cực kỳ tham vọng.
Nghĩa là một ông chủ như bầu Hiển phải khao khát lớn cho chiến tích đó, phải bỏ ra nhiều tiền hơn để giữ lại các ngôi sao như Quang Hải, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường những ngoại binh có đẳng cấp cao.
Tất nhiên, Quang Hải vẫn đang là một biểu tượng của CLB Hà Nội, cả trên sân cỏ lẫn hoạt động kinh doanh. Nhưng bóng đá Việt Nam có một đặc thù: Các CLB không phải là kênh kiếm tiền cho ông chủ, mà phải thỏa mãn được cái tôi của ông ta, để có cơ hội nhận thêm lương, thưởng.
3 năm trước, CLB Hà Nội đã đồng ý cho Đoàn Văn Hậu sang Hà Lan theo hợp đồng cho mượn theo kiểu “bia kèm lạc”. Mọi việc đã không như mong muốn, các giá trị thương mại mà CLB Hà Nội nhận được, nếu có, cũng khá mơ hồ trong khi Văn Hậu gần như nghỉ thi đấu vì chấn thương khi từ Hà Lan trở về cho đến nay.
Có một ngôi sao để cho CLB châu Âu mượn thì quá vẻ vang nếu thành công, nhưng trong trường hợp cụ thể của Đoàn Văn Hậu, thì đó là một cuộc phiêu lưu tai hại. Có lẽ vì thế mà CLB Hà Nội không muốn mạo hiểm với trường hợp của Nguyễn Quang Hải, khi một trong những điều kiện của phía Quang Hải đưa ra đó là được tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu ngắn hạn.
CLB Hà Nội dường như chỉ cần một Quang Hải như hiện tại mà thôi.
Nhiều lý do để ra đi, nhưng...
Nếu việc gia hạn của Quang Hải với CLB Hà Nội thất bại, người ta đang nói nhiều đến chuyện tiền vệ này sẽ ra nước ngoài thi đấu, thay vì sẽ cặp bến ở một CLB khác ở Việt Nam, đó cũng là một điều đáng suy ngẫm.
Ra nước ngoài, nói cho cùng cũng chỉ là một trong vài lựa chọn, bởi thực tế của những chuyến xuất ngoại trước đây đã cho thấy, đó không hoàn toàn là lựa chọn tốt nhất. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta hiện chẳng có một lộ trình xuất ngoại nào để từ đó có những con số, dữ kiện để đưa ra đánh giá theo các thang điểm rõ ràng. Thế nên mới có những tranh cãi, kiểu như “Thà sang Hà Lan, Áo ngồi dự bị còn tốt hơn sang Thái Lan thi đấu”, hoặc “không bổ ngang thì cũng bổ dọc”… Đánh giá theo cách đó, thì quá cảm tính.
Các tuyển thủ quốc gia Thái Lan từng “đổ bộ” sang V-League một cách ồ ạt giai đoạn 2003-2008, và đa số họ thành công. Sau đó, họ chuyển hướng sang J-League bởi đã có đủ dữ liệu để chứng minh trình độ cầu thủ đã cao hơn mặt bằng Đông Nam Á (tức là Thai League và V-League). Trong khi đó, Việt Nam có Lương Xuân Trường từ chỗ đang đá ở giải nhà nghề Hàn Quốc (K-League) thì lại trở về đá Thai League trong màu áo Buriram. Như vậy, không có cơ sở nào là trình độ cầu thủ Việt Nam đã đủ để chơi ở một giải vô địch cao hơn Thai League.
Câu hỏi đặt ra: tại sao Quang Hải không thể chuyển sang chơi ở một đội bóng V-League khác? Từ năm 2010 đến nay, chức vô địch V-League gần như nằm trong tầm kiểm soát của CLB Hà Nội, nên nếu có ở lại thì Quang Hải cũng khó tạo ra được những cột mốc mới cho bản thân. Nhưng nếu như anh chuyển đến một đội bóng có tham vọng hơn, sẵn sàng trả mức lương kỷ lục để biến anh thành biểu tượng, thì điều đó cũng không hề thiếu những thách thức cho cá nhân Quang Hải.
Đã từng có một Lê Công Vinh “quay xe” phút cuối để chuyển từ Hà Nội T&T sang đá cho Hà Nội ACB của bầu Kiên. Đó là một quyết định mà cả bầu Hiển lẫn Công Vinh đều nói rằng, vấn đề không phải vì tiền. Liệu có một trường hợp thứ 2, nếu điều đó tạo ra được sự thách thức cho sự nghiệp của Quang Hải khi mà con đường xuất ngoại là phiêu lưu…
Long Khang
loading...