(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, chúng tôi có nhiều dịp hàn huyên trên đất Campuchia, khoảng thời gian diễn ra VCK AFF Champioship 2016, khi vị PCT VFF Trần Quốc Tuấn qua đây công cán cho một cuộc họp chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2016 vào cuối năm nay. Ông Tuấn “tổng” đã có những phút trải lòng.
Cuộc đời là những chuyến đi* ĐT U16 Việt Nam đã chơi rất hay tại giải này, nhưng một lần nữa lại thua ở chung kết. Nhưng ông vẫn cho rằng, lứa cầu thủ này rất tiềm năng và là của để dành, hẳn phải có lý do nào đó?
- Không giống như ĐT U19 Việt Nam tập hợp đá giải khu vực và châu lục 2 – 3 năm trước, với chủ yếu từ nguồn HAGL Arsenal JMG lứa U16 lần này được chắt lọc từ khá nhiều nguồn, các lò đào tạo có tiếng như Hà Nội T&T, Viettel, PVF, và cả B.Bình Dương… Bản chất, đấy đã là tín hiệu đáng mừng với bóng đá trẻ Việt Nam. Làm bóng đá trẻ là một công đoạn cực khó, bởi sai một li dễ đi một dặm. Tôi đi nhiều và cũng thấy nhiều, chỉ với riêng hạng mục đào tạo trẻ, bóng đá Việt Nam chưa là gì với các nước bạn cả. Ví như ở Trung Quốc, mỗi một CLB là một đại học viện, với cơ sở vật chất – sân bãi ưu việt.
PCT VFF Trần Quốc Tuấn động viên U16 Việt Nam sau trận thắng Campuchia - Ảnh: Tuân Phạm
Ngay ở Phnom Penh, Campuchia, họ có đủ các hệ thống sân tập và thi đấu cho cùng một lúc 11 đội bóng dự giải U16 Đông Nam Á, trong khi ở Việt Nam, điều này là xa xỉ với ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, chứ đừng nói các tỉnh lẻ. VFF không phải không muốn đưa các trận đấu – giải đấu quốc tế về địa phương để phục vụ người hâm mộ các nơi, nhưng sân bãi và điều kiện di chuyển, ăn ở, thực sự là vấn đề. Cần đáp ứng các tiêu chuẩn của AFF, cũng như AFC nữa.
Muốn nhanh thì phải từ từ
* VFF vừa đạt được thoả thuận hợp đồng 2 năm với các chuyên gia người Đức, một là GĐKT, một còn lại là chuyên gia thể lực. Tại sao lại là Đức và tại sao chỉ có hợp đồng 2 năm, thưa ông?
- Đức đã là quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu, khoa học và y học thể thao của họ cũng đứng nhất nhì thế giới. Không chỉ có Việt Nam, mà đến ngay cả Pháp, Nhật Bản…, cũng từng qua Đức tu nghiệp hoặc mời các chuyên gia của họ về, để tận dụng chất xám. Trong điều kiện cho phép, chủ yếu về mặt tài chính, chúng tôi chỉ có thể ký hợp đồng thời hạn 2 năm với các chuyên gia Đức, chứ ai không muốn sự kết hợp dài lâu, bền vững. Đã làm việc với nhau thì phải tin tưởng. Tôi tin rằng, trong và sau 2 năm làm việc với các ĐTQG, theo dõi các giải đấu, các chuyên gia Đức sẽ đưa ra được giải pháp cho nền bóng đá.
* Trong quá khứ, chúng ta từng có một Rainer Willfeld bụng đầy kinh văn bóng đá, lại rất nhiệt tình. Năm 2011, đến lượt Falko Goetz được mời về, nhưng sau tất cả, chúng ta đã không tận dụng được chất xám của họ, thậm chí Falko Goetz còn là một cú áp phe thất bại với ngay cá nhân ông?
- Thời ông Rainer Willfeld, thú thật là tôi không nắm được nhiều, bởi tôi chỉ bắt đầu làm TTK VFF từ năm 2005, thời điểm mà ông ấy đã về nước, sau khi kết thúc hợp tác giữa 2 Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Đức. Ông Willfeld hưởng lương và các chế độ của Liên đoàn bóng đá Đức, đến Việt Nam hỗ trợ các ĐTQG nam và nữ. Ông ấy đã có những lời khuyên bổ ích, nhưng giai đoạn cuối thập niên 90, đầu những năm 2000, bóng đá Việt Nam còn khá mơ hồ với khái niệm chuyên nghiệp. Các ĐTQG thường được khoán trắng cho những ông thầy ngoại, nên về mặt chức năng, việc can thiệp của GĐKT cũng khá nhạy cảm.
U16 Việt Nam lần này là tinh hoa của các lò Viettel, PVF, HN T&T - Ảnh: Tuân Phạm
Cho đến lúc này, dù không thành công như mong đợi, tôi vẫn đánh giá Falko Goetz là một HLV đẳng cấp, với phương pháp huấn luyện mới lạ và độc. Chúng ta từng có những trận đấu rất khởi sắc, khi Falko Goetz nắm ĐTQG, nhưng không may là tại SEA Games 2011, U23 Việt Nam đã phải dừng chân ở bán kết, với rất nhiều vấn đề được mổ xẻ sau đó, mà bản thân tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Đấy là điều không may.
* Vậy chúng ta có thể kỳ vọng vào bộ đôi chuyên gia người Đức, Juergen Gede và Martin Forkel, sẽ giúp ĐT Việt Nam đòi lại vương miện ở AFF Suzuki Cup 2016 tới đây không?
- Juergen Gede và Martin Forkel mới chỉ bắt đầu công việc ở Việt Nam, với U19 Việt Nam tập trung chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng từ nay đến cuối năm. Họ cũng sẽ hỗ trợ ĐT U16 Việt Nam chuẩn bị VCK U16 châu Á vào tháng 9 tới. Song song với đó, GĐKT Juergen Gede cũng sẽ có những buổi trao đổi – làm việc với VFF, với HLV trưởng ĐT Việt Nam, Nguyễn Hữu Thắng, về tình hình nhân sự và lối chơi, sau khi theo dõi các trận đấu ở V-League, nắm bắt tình hình nhân sự ĐTQG…, tiến tới AFF Suzuki Cup 2016. Về mặt khối lượng công việc là rất lớn, nhưng họ là những người rất chuyên nghiệp.
VCK U17 QG – Cúp Thái Sơn Nam 2016 sẽ diễn ra tại Trung tâm thể thao Thành Long và sân Tây Ninh từ ngày 2/8 đến ngày 19/8. Lễ khai mạc và trận khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6.
Bóng đá khó nói trước điều gì, nhưng chúng ta phải hành động, phải làm việc, để hướng tới mục tiêu cao hơn. Điều này cần sự tích luỹ, chứ không đi tắt đón đầu được.
*Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Tất cả cho bóng đá trẻ
Ông Trần Quốc Tuấn nhiều lần không giấu diếm ý định là nếu như có những nguồn lực có thể huy động cho BĐVN thì sẽ ưu tiên cho bóng đá trẻ. Tổ chức các giải giao hữu quốc tế trước kia hya là sân chơi cho ĐTQG, nhưng khi bóng đá trẻ cho thấy sự khởi sắc thì phải tập trung đầu tư để thúc đẩy hơn nữa.
Ông Tuấn cho rằng việc cả U16 và U19 cùng giành vé vào VCK châu Á là những thành quả rất lớn và cũng là cơ hội để cho các cầu thủ trẻ được thử lửa ở những sân chơi đỉnh cao, quy tụ các cầu thủ trẻ giỏi của châu lục. Một trong những khâu được quan tâm phát triển trong thời gian qua là đào tạo huấn luyện viên. Hiện Việt Nam đã có 500 HLV bóng đá bằng C, 200 HLV bằng B và khoảng 100 HLV có bằng A (cao nhất). Hiện VFF đang thiết lập mối quan hệ với nhiều liên đoàn và tổ chức quốc tế để được tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến tập huấn nước ngoài như ở Qatar và gần đây là CH Czech. |
Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần