(Thethaovanhoa.vn) - Không phải tự nhiên mà Chanathip Songkrasin được ví là “Messi Thái” (còn Công Phượng bị người Thái gọi là “Songkrasin Việt Nam” như biểu ngữ được giăng trên SVĐ Rajamangala trong trận lượt đi vòng loại World Cup 2018 – PV), bởi cầu thủ 22 tuổi thuộc biên chế BEC Tero Sansana này có tài năng thật sự đặc biệt. Ở trận cầu mang ý nghĩa sống còn của BEC Tero Sansana trước Muangthong United vừa rồi, Songkrasin biến đội trưởng U23 Thái Lan, Sarach Yooyen, trở nên thừa thãi.
“HLV Kiatisuk sẽ không giao vai trò dẫn dắt cho một cầu thủ 22 tuổi và chỉ cao 1m58, nếu Songkrasin không có tố chất hơn người”, trợ lý HLV U23 Thái Lan, Aspisit Kaikaew, chia sẻ.
1. Chanathip Songkrasin xuất phát như một cầu thủ bám biên, nhưng rất thường xuyên bó vào trong, cầm nhịp và tung ra những đường chọc khe, tỉa tót kiểu một phát ăn ngay. Thuận chân phải, nhưng Songkrasin lại có thể chuyền bằng chân trái; nhờ trọng tâm cơ thể thấp, nên tiền vệ này dễ dàng đổi trụ, dừng đột ngột và chuyển hướng đi bóng rất nhanh; tất nhiên, kỹ thuật trong không gian hẹp và nhãn quan chiến thuật của “Messi Thái” là ưu việt khỏi nói rồi.
Ở trận thắng 2-1 trước Muangthong United, cùng với sự đảm bảo của Tanaboon Kesarat, đồng đội trong màu áo U23 Thái Lan, ở khu giữa sân, Chanathip “chấp” cả Sarach Yooyen, Thitipan và Kasidech, toàn hàng cự phách của chủ nhà bên kia chiến tuyến. Sự cơ động của bộ đôi đồng đội trong màu áo CLB cũng như ĐT Thái Lan là Adisak Kraisorn (người ghi bàn thắng duy nhất hạ ĐT Việt Nam 1-0 ở Rajamangala) và Adison Promrak giúp “Messi Thái” mặc sức tung hứng, sáng tạo.
Tất nhiên, không phải lúc nào và ở đâu, “Messi Thái” cũng có thể phát huy tối đa khả năng của mình. Về điều này, Boonkong, trợ lý HLV thủ môn ĐT U16 Thái Lan, cựu PV tập đoàn truyền thông Siam Sports, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá: “Nếu Chanathip có thể chơi với 10 phần công lực trong màu áo các ĐTQG, thì ở CLB, chỉ được 5-6. Tại CLB, anh ấy bị hạn chế không gian hoạt động, cũng như sự sáng tạo. Có sự khác biệt rất lớn về quan điểm giữa HLV Manuel Cajuda và Kiatisuk”.
Chanathip (trái) tỏa sáng được là nhờ tài năng đồng đều của các đồng đội xung quanh. Ảnh: VSIỞ cả 2 trận đấu với ĐT Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018, HLV Miura từng nửa đùa nửa thật với các học trò rằng, ông không muốn thấy Songkrasin trên sân, song muốn đá xấu, triệt hạ tiền vệ này cũng không hề đơn giản. Chanathip Songkrasin (hay “Messi Thái”) chắc chắn sẽ tiếp tục là trụ cột của ĐT U23 Thái Lan tại VCK U23 châu Á diễn ra tại Qatar (vào tháng 1/2016 tới đây), nơi mà thầy trò HLV Kiatisuk sẽ đụng Nhật Bản, Triều Tiên và Saudi Arabia (bảng B).
Là nhà báo Việt Nam duy nhất được mời tham dự bầu chọn Quả bóng Vàng FIFA và năm 2015 cũng là lần thứ 6 liên tiếp nhà báo Trương Anh Ngọc (TTXVN) lại góp 1 lá phiếu của mình trong cuộc đua đến danh hiệu QBV.
2. Cũng như Songkrasin, Công Phượng (nhỏ hơn 2 tuổi) là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của ĐT U23 Việt Nam tại chiến dịch vòng loại cũng như VCK U23 châu Á tới đây. Tuy nhiên, sự khác biệt không chỉ được tạo ra bởi vị trí và vai trò của 2 người họ, mà nó thuộc về đẳng cấp của các ĐTQG, của 2 nền bóng đá. Xung quanh “Messi Thái” là một dàn cầu thủ chất lượng đồng đều, trong khi với chúng ta, “Songkrasin Việt Nam” Công Phượng mặc định đã là cái tên khá nhất.
Người Việt Nam vẫn thường lạc quan tếu và nói như HLV Lê Thuỵ Hải, ai cũng nghĩ mình là nhất. Ví như chuyện Công Phượng có giá chuyển nhượng (phí ký hợp đồng) đến Mito Hollyhock là 100.000 USD/năm hay Xuân Trường được định giá là 300.000 USD nếu chuyển đến một đội bóng ở K-League, hoàn toàn là do thông tin từ người trong cuộc, chẳng dựa trên một chuẩn mực nào cả. Trong khi đó, giá niêm yết của Songkrasin trên sàn transfermarkt là 88.000 euro (2 tỷ đồng).
Cùng với đội trưởng U23 Thái Lan, Sarach Yooyen, Jakkraphan Pornsai và rất nhiều tuyển thủ QG Thái Lan khác, Chanathip Songkrasin được đại diện bởi Công ty Stars For Tomorrow. Phí chuyển nhượng của “Messi Thái” và cả tiền lương (khoảng 200 ngàn baht Thái) là rất minh bạch.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa