loading...
(Thethaovanhoa.vn) - VPF đã thông báo V-League phải hoãn tới hết tháng 3, còn hạng Nhất chưa rõ ngày khai mạc... sau những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Bóng đá Việt đã chịu tổn thương như vô số nền bóng đá khác trên thế giới và thậm chí ý tưởng "xoá sổ" luôn mùa giải 2020 đã xuất hiện trong suy nghĩ của nhiều người.
V.League 2020 đã tạm hoãn do dịch bệnh Covid-19. Dù mới chỉ diễn ra 2 vòng đấu nhưng đã có những điểm nhấn đáng chú ý. Trong thời gian chờ V.League trở lại, Next Sports đưa ra danh sách những trung vệ hứa hẹn sẽ tỏa sáng ở mùa giải năm nay.
V-League 2020 thực sự đã sống trong sợ hãi và không ngoa khi 2 vòng đấu đầu tiên, VPF đã phải “nín thở” khi vẫn tổ chức giải đấu như cách nhiều quốc gia khác đang tiến hành. Tuy nhiên, trên mặt sân không khán giả, vẫn chưa là cách an toàn tuyệt đối ở thời điểm mầm bệnh có thể reo giắc tại bất cứ đâu.
VPF hoãn giải đấu ở thời điểm sau vòng 2 V-League 2020 khiến nhiều người yêu bóng đá tiếc nuối khi đó có thể là giải đấu đỉnh cao hiếm hoi còn sót lại cho CĐV có thể thưởng thức. Thực tế, 2 vòng đấu đầu tiên cũng không kém tính cạnh tranh, bàn thắng đẹp và sai số lớn từ công tác trọng tài gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu và tranh cãi từ các CLB.
Nhưng như đã đề cập, để hạn chế rủi ro tối đa về người, V-League phải dừng lại là cách êm đẹp nhất. Vấn đề là lúc này, giải đấu bao giờ có thể trở lại là câu hỏi không dễ để trả lời. Mà không chỉ có V-League, gần như cả giới thể thao khắp hành tinh đang phải “nằm im", thậm chí là "đóng băng" để mong cơn đại dịch Covid-19 sớm đi qua.
Trên lý thuyết, bệnh dịch rồi cũng sẽ đi qua. Tuy nhiên, thực tế đôi khi sẽ phụ lòng suy nghĩ nọ. Và trong trường hợp xấu nhất, nhiều người đã liên tưởng đến kịch bản mùa giải 2020 sẽ không trở lại.
Nếu "xoá sổ" mùa bóng này, có thể kịch bản sẽ không phức tạp hơn tình cảnh các đội phải bất đắc dĩ thi đấu trong hoàn cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Bởi như đội trưởng Đinh Kiên Trung của cựu vương V-League 2017 Quảng Nam nêu quan điểm: "Giải đấu nên hoãn tới khi khán giả được đến sân xem các CLB thi đấu. Nếu đá không khán giả dài dài, các cầu thủ không nhiều động lực cống hiến và hệ luỵ đương nhiên, chất lượng giải thấp kém".
Bóng đá không khán giả, kéo theo vô số hệ luỵ ngoài chuyên môn khác như ảnh hưởng thương hiệu nhà tài trợ, kinh phí để duy trì hoạt động… Sẽ khó mường tượng cảnh các CLB phải nuôi quân dài dài và thấp thỏm chờ đợi không biết bao giờ hết dịch để đá lại. Đặc biệt, các đội bóng nghèo sẽ khó lòng duy trì nổi điều đó quá lâu.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú vừa đăng đàn khẳng định V-League không khán giả ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những CLB như DNH Nam Định, HAGL, Hà Nội, TP.HCM… Những đội bóng có thể kiếm tiền tỷ từ bán vé mỗi năm, con số không nhỏ để đầu tư cho các hạng mục khác.
Nếu V-League không trở lại, BTC sẽ đối diện với mối lo thương thảo với nhà tài trợ LS về những quyền lợi không thể hoàn thành. Nhưng sẽ không là vấn đề lớn bởi ai cũng hiểu hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại. Và khi giải đấu dừng lại lúc này, không CLB nào có lý do để vặn vẹo BTC về kết quả này nọ.
Với các CLB, khó khăn lớn nhất có thể họ phải đối diện như đã nói ngoài duy trì kinh phí hoạt động cho toàn đội chính là tiền lương hàng tỷ đồng trả cho các ngoại binh. Số tiền đền bù cho các cầu thủ ngoại (trung bình 3 người/CLB) không hề nhỏ và tương lai của họ cũng không hề dễ chịu khi thất nghiệp tại Việt Nam. Nhưng nếu tập chay dài hạn từ thời điểm khép lại V-League 2019 đến nay, đã 5 tháng ròng rã và chỉ thi đấu 2 trận, đã xuất hiện tư tưởng chán nản như đội trưởng CLB Quảng Nam Đinh Thanh Trung đề cập.
Các cầu thủ cũng là những người bình thường và họ thậm chí còn đối diện nhiều nguy cơ mắc Covid-19 hơn. Việc di chuyển thường xuyên và tiếp xúc với nhiều người khiến họ không dễ tự bảo vệ mình. Những trường hợp mắc Covid-19 như nhà vô địch thế giới Matuidi, cầu thủ Rugani (cùng của CLB Juventus), hậu vệ Timo Hubers của Hannover 96 đang chơi bóng ở Đức, cầu thủ bóng rổ NBA - Rudy Gobert của đội Utah Jazz… là các bài học cho dịch bệnh không chừa bất cứ ai, bất chấp ai cũng hiểu sức khoẻ của các VĐV chuyên nghiệp.
Nếu V-League 2020 không trở lại, CĐV nước nhà sẽ có chút thời gian để chiêm nghiệm giải đấu đỉnh cao nước nhà có ảnh hưởng thế nào đến nền bóng đá. Và đó cũng là quãng lặng để nhà tổ chức nâng cấp hình ảnh giải đấu, đưa nó trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt tất cả.
Có thể HLV Park Hang Seo sẽ chịu thiệt thòi khi trái bóng V-League không lăn, nhưng đi kèm đó, những áp lực thành tích chắc chắn sẽ thôi đeo bám ông thầy Hàn Quốc. Bóng đá luôn là môn thể thao vua ở mảnh đất hình chữ S, nhưng từ lâu nay vẫn chưa tồn tại xứng đáng với cái mác chuyên nghiệp đang mang. Một quãng lặng nếu có sắp tới có thể sẽ giúp nền bóng đá tỉnh ngộ ra nhiều điều và có thể còn thời gian để thay đổi theo hướng tích cực hơn. Trước mắt khi các giải chuyên nghiệp quốc gia tạm hoãn, người ta đã giật mình nhìn lại thế hệ tương lai nền bóng đá đang đầy rẫy chuyện tiêu cực nhưng không mấy ai quan tâm. Khổ nỗi, đó là những đại diện mang trong mình giấc mơ World Cup 2026 mà bóng đá Việt Nam đeo đuổi.
|
Việt Hà
loading...