(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta có lẽ chỉ nên “thì thầm” với nhau câu ấy, khi gặp Vũ Thị Thùy Linh, nữ CĐV duy nhất trong Ban chấp hành Hội CĐV chính thức của Manchester City tại Việt Nam.
Bởi, “nếu ai gọi em là Tú Linh của Man City, em sẽ nổi cáu đấy”, cô gái người Thái Nguyên sinh năm 1992, hiện là nhân viên tư vấn bán hàng ở Hà Nội, thẳng thắn nói về sự liên tưởng bất chợt đến một CĐV cũng tên Linh khác, của đội đối địch Manchester United.
“Là fan bóng đá, tất nhiên em cũng biết chị Tú Linh xinh đẹp và yêu Quỷ đỏ. Nhưng em chỉ muốn được gọi là “Linh láu của Manchester City”, Thùy Linh chia sẻ.
Hội CĐV Man City chính thức được công nhận tại Việt Nam
* Nhưng tại sao lại là… “Linh láu”?
Láu cá đấy anh (cười). Hồi nhỏ em láu cá, nghịch ngợm lắm, giờ thì đỡ nhiều rồi.
* Là thành viên nữ duy nhất của hội CĐV chính thức Man City Việt Nam. Chắc em được nhiều người để ý?
Thực sự khi nhận lời phỏng vấn của Thể thao & Văn hóa cuối tuần, mong muốn của em là chia sẻ sự cuồng nhiệt của cổ động viên nửa xanh thành Manchester tới tất cả mọi người thôi. Còn chuyện trở thành “hot” em nghĩ chắc mình chưa đủ nhiệt để “hot”.
* Nhưng một nữ CĐV như em có thể tạo sức hút rất lớn. Em đến với “người tình” Man City từ khi nào? Đã có cơ quan truyền thông nào mời em bình luận thể thao chưa?
Chưa anh ạ. Em chỉ có tình yêu với Man xanh thôi. Còn việc bình luận thể thao xin dành cho các bạn cổ động viên có kiến thức chuyên môn, và hiểu biết về bóng đá sâu rộng hơn em. Em nghĩ như vậy sẽ tốt hơn.
Em bắt đầu theo dõi tin tức về Manchester City khi cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatramua lại câu lạc bộvào năm 2007. Khi đó, em cũng chỉ quan tâm chứ chưa yêu thích, một phần vì việc học tập ở trường rồi học thêm ở cấp trung học phổ thông nên em cũng không có nhiều thời gian xem bóng đá.
Mục tiêu đỗ đại học của em chính là “có phòng riêng, có máy tính riêng để tự do phiêu theo màu xanh”, và em đã hoàn thành mục tiêu ấy. 4 năm đại học là thời gian tuyệt vời để nuôi dưỡng tình yêu với nửa xanh thành Manchester và gặp gỡ, kết bạn, chia sẻ đam mê của mình với rất nhiều những người bạn giống em. Điều đó thực sự rất tuyệt!
* Em nghĩ sao nếu bây giờ có một CĐV bảo với em: Man City không phải đội bóng lớn. Man City chỉ là “nhà giàu mới nổi” thôi, dùng tiền mua thành công, mua cầu thủ, như vụ Raheem Sterling hay Fabian Delph gần nhất?
Nếu như thế em sẽ khẳng định với bạn ấy: “Man City là một đội bóng lớn!”. Đó là đội bóng của sựcuồng nhiệt, tài năng, quyết tâm chinh phục và khát khao thống trị nền bóng đá Anh, xa hơn nữa là bóng đá châu Âu. “Nhà giàu mới nổi và tất nhiên sẽ nổi mãi” (cười).
* “Nổi mãi” nhưng anh thấy Man City giống PSG của Pháp lắm. Có đầy ngôi sao. PSG trước kia còn có ông Vua truyền thông David Beckham nữa kia, mà ở Việt Nam cũng có mấy fan đâu? Em có cho là người ta không thể yêu những đội bóng như PSG, như Man City chỉ vì họ không giàu truyền thống không?
Tất nhiên không thể so sánh PSG với Man City được trừ khi họ đá trong giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh là Premier League. Hơn nữa, Manchester City là đội có truyền thống từ lâu đời. Nếu ai không biết thì do họ “thiếu hiểu biết’’ thôi!(cười)
* Vậy sức hấp dẫn của Man City là…?
Các fan khác vẫn hay đùa đó là sự lấp lánh của những đồng tiền Ả Rập. Còn với cổ động viên Man City, thì đó là lối đá tấn công đẹp mắt, không ngừng cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu đỉnh cao.
* Tại sao em lại thích Mario Balotelli?
Cá tính mạnh, tài năng, lòng tốt bụng và những hành động không giống ai của “Bad boy” khiến em bị lôi cuốn.Đáng tiếc là “anh yêu” lại không còn chơi cho Man xanh nữa. Người hâm mộ gọi anh ấy là “Thánh”. Tuy anh không còn ở Man City nhưng em vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho anh ấy.
* Kỉ niệm đáng nhớ và đáng quên nhất của em với Man City là gì?
Em nhớ nhất là sự giận dữ của cổ động viên Man Utd trong trận derby lần thứ 161 (Man City thắng 6-1 ở Old Trafford). Khi đó chỉ mình em là cổ động viên áo xanh ngồi giữa một “rừng” áo đỏ.
Cảm giác vui mừng nhiều bao nhiêu thì cuối trận càng lo sợ là bấy nhiêu. Chỉ sợ không “bảo toàn tính mạng” ra về thôi (cười). Còn đáng quên nhất thì không có, vì em thấy mọi thứ về “người tình xanh” của mình đều đẹp hết.
* “Người tình xanh” hả? Nghĩa là những anh cao to đẹp trai mặc áo Man City màu xanh?
(Cười) Em chưa có bạn trai. Mà cũng không mong bạn trai em yêu bóng đá đâu, vì như thế sẽ chẳng có thời gian dành cho những thứ khác. Yêu bóng tốn nhiều thời gian lắm, em yêu rồi nên em biết mà (cười).
Vũ Thị Thùy Linh là nữ CĐV duy nhất trong BCH hội CĐV Man City tại Việt Nam
* Gia đình có biết em là CĐV cuồng nhiệt của Man City không?
Ở nhà em thì cả bố mẹ và chị gái đều yêu thích môn thể thao vua. Từ khi còn nhỏ em đã xem bóng đá cùng bố. Khi yêu Man xanh rồi em vẫn chia sẻ tình cảm đó với cả gia đình. Bố mẹ thì luôn gọi vui là “đội của con” khi nhắc đến và thường quan tâm hỏi han. Bố mẹ ủng hộ em nếu yêu, cuồng mà vẫn đảm bảo sức khỏe, học tập và công việc.
* Em nghĩ sao về việc Man City Việt Nam được công nhận là Hội CĐV chính thức của Man City?
Đây là điều mà tất cả các cổ động viên bóng đá đều mong ước. Hiện tại hội vẫn đang chờ xác nhận từ bên phía câu lạc bộ chủ quản và chắc chắn một thời gian ngắn nữa sẽ có kết quả. Khi đó mỗi cổ động viê chính thức sẽ là một phần của Man xanh, đóng góp cho sự phát triển của đội bóng con cưng.
* Mọi người sẽ đón Man City thế nào?
Hội cổ động viên Manchester City chúng em đang cố gắng hết sức để chuẩn bị cho sự kiện Manchester City tới Việt Nam du đấu. Ban điều hành hội kết hợp với phía nhà tài trợ SHB sẽ tổ chức nhiều hoạt động như đưa đón, giúp đỡ các bạn cổ động viên toàn quốc về Hà Nội xem bóng; ra sân bay đón đội bóng; tham gia các hoạt động giao lưu của đội như thăm làng trẻ SOS, giao lưu với sinh viên đại học Quốc Gia, đá tập; và quan trọng nhất là cổ vũ trận đấu với tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình. Không khí đã rất nóng rồi anh ạ.
Nhân đây em cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bác Nguyễn Quang Hiển: “Cảm ơn bác đã biến mơ ước của chúng cháu thành hiện thực”. Cảm ơn báo Thể Thao & Văn Hóa Cuối Tuần đã dành sự quan tâm đến Hội cổ động viên Manchester City Việt Nam!
Cảm ơn em về cuộc trao đổi!
Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần