Lee Nguyễn và nỗi ám ảnh chấn thương
(Thethaovanhoa.vn) - Tiền vệ đắt giá nhất V-League dính chấn thương với CLB TP.HCM sau khi hội quân không lâu cùng CLB. Điều này có thể khiến nỗi ám ảnh quay về với Lee Nguyễn.
Lý do là bởi với cầu thủ sinh năm 1986, anh hiểu rõ chấn thương ảnh hưởng lớn thế nào đến sự nghiệp của mình. 10 năm trước, cũng tại V-League, khi đầu quân cho B.Bình Dương, Lee Nguyễn đã mang theo nỗi buồn trở lại Mỹ vì chấn thương dính phải khiến cầu thủ này không thể thi đấu cho CLB đất Thủ.
Lee Nguyễn gặp chấn thương lãng xẹt trong một buổi tập cùng B.Bình Dương. Cổ chân cầu thủ này tiếp xúc với bãi đất xấu và bong gân nặng. Lee Nguyễn nghỉ dài ngày và cùng với những chán nản tích tụ do phong độ không như ý từ ngày trở về quê cha, tiền vệ 35 tuổi đã quyết định xin thanh lý trước 1 năm hợp đồng với B.Bình Dương để làm lại từ đầu.
Lee Nguyễn chấp nhận mất cả chục tỷ đồng khi đó để quay về giải nhà nghề Mỹ (MLS) nhận mức lương 44.000 USD/mùa (thấp hơn cả chục lần). Tuy nhiên, tiền bạc với Lee không thể quan trọng bằng danh dự của cầu thủ từng được gọi vào đội tuyển Mỹ.
Và số phận sau khi thử thách Lee Nguyễn đã khuất phục cầu thủ này. Lee Nguyễn trở lại vị thế ngôi sao hàng đầu MLS trong màu áo New England Evolution, để rồi CLB TP.HCM phải chấp nhận chi trả một số tiền “khủng” mới có thể thuyết phục anh quay lại V-League.
Tuy nhiên, khi chưa chứng minh được nhiều giá trị như kỳ vọng của CĐV cũng như chính bản thân mình, Lee Nguyễn đã tái gặp vấn đề đã khiến mình tổn thương trong quá khứ. Lee Nguyễn chưa hề sợ hãi chuyện mình bị chơi xấu, chơi rắn, nhưng cầu thủ này có lẽ ngại nhất những mặt sân xấu như quá khứ đã khiến anh ôm hận.
CLB TP.HCM hiện tại phải thuê nhiều sân tập để đảm bảo duy trì phong độ cho các học trò HLV Polking. Họ không có sân chính để rèn luyện và phận đi thuê nên không có nhiều lựa chọn tốt. Ở địa phương hiện tại, ngoài sân Thống Nhất và sân tập Phú Thọ ở trung tâm và mặt cỏ lá kim chất lượng, CLB TP.HCM rất khó thuê hẳn những sân này.
Nhu cầu của các đội từ chuyên nghiệp đến phong trào là rất lớn, nên CLB TP.HCM lâu nay luôn bức xúc với khoản sân bãi. Sau khi Trung tâm thể thao Thành Long được Sài Gòn FC tiếp quản, có thể TP.HCM còn mất thêm một lựa chọn.
Lee Nguyễn và đồng đội đang tập ở sân Quân khu 7 không có chất lượng cao. Loại cỏ lá gừng vốn bộc lộ nhiều hạn chế và không còn được các CLB chuyên nghiệp sử dụng vẫn là nơi hàng ngày thầy trò HLV Polking luyện tập.
Bác sĩ của CLB TP.HCM khẳng định lý do chấn thương của các cầu thủ đội nhà có nằm ở mặt sân xấu. Xem đường chuyền của các cầu thủ dẫn tới độ nảy của quả bóng, HLV Polking có thể cũng phiền lòng khi ông muốn áp dụng chiến thuật chơi bóng ngắn, nhỏ cho đội nhà nhưng không hề được như ý.
Các cầu thủ muốn khống chế tốt quả bóng trên mặt sân xấu cũng phải gồng mình tập trung cao độ và thậm chí phải sẵn sàng phòng ngừa khả năng bóng đi không như ý.
Daisuke Matsui, đội trưởng Sài Gòn FC, tiết lộ với HLV Vũ Tiến Thành rằng anh rất sợ mặt sân xấu ở V-League sau khi đến Việt Nam chơi bóng. Năm ngoái, tiền đạo Diego của Hải Phòng cũng khẳng định sân bãi V-League thua cả đội hạng 3, 4 Thái Lan. Việc các ngôi sao hàng đầu V-League từng chơi bóng ở những môi trường bóng đá tốt hơn Việt Nam “hãi” tình trạng sân bãi là điều không lạ.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho biết: “Bóng đá hiện tại đã là ngành công nghiệp như bao ngành nghề khác rồi. Giá trị những cầu thủ như Ronaldo, Messi lên tới cả tỷ đô la và nhiều cầu thủ ở V-League hiện tại cũng có giá triệu đô.
Tuy nhiên, những mặt sân V-League lại không nói lên được giá trị của họ. Sự chuyên nghiệp của giải đấu cần được chú ý đầu tiên ở những yếu tố này. Chưa kể đến việc phải biết nâng niu giá trị cầu thủ, muốn cầu thủ đá hay, đá đẹp thì trước tiên phải có sân bãi đẹp cái đã rồi tính gì tính.
Sân đẹp thì cầu thủ chưa đá cũng cảm thấy sướng, muốn được thi đấu, cống hiến, từ đó mới sản sinh ra nhiều cái lợi hơn cho nền bóng đá. Còn sân xấu, cầu thủ tốn tiền mua về nhưng họ vừa đá vừa lo chấn thương, đá cho xong trách nhiệm thì bóng đá Việt Nam khó mà tiến xa hơn”.
V.H