loading...
(Thethaovanhoa.vn) – K-League sẽ cần nhiều cầu thủ Đông Nam Á như Công Phượng để có thể khai thác thị trường mới giàu tiềm năng, giống như cách làm của J-League.
Bóng đá Việt tối 11/4: Công Phượng mạnh ở khả năng rê dắt. Lịch thi đấu V League. Lịch thi đấu Thai League. Lịch thi đấu K League.
Tờ Sportalkorea của Hàn Quốc mới đây có bài viết về những tác động tích cực mà Công Phượng mang lại cho K-League sau khi anh gia nhập Incheon United. Theo đánh giá của Sportalkorea, sự có mặt của Công Phượng đã góp phần quan trọng giúp quảng bá cho K-League tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói chung. Đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng mà K-League cần phải khai phá.
K-League cần khai thác thị trường ở Việt Nam
“Một trong những chủ đề được quan tâm ở K-League mùa giải này chính là sự góp mặt của Nguyễn Công Phượng, người được biết đến là cầu thủ chủ chốt của đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. Công Phượng đã gia nhập Incheon United vào tháng Giêng năm nay. Cho tới nay, Công Phượng có 2 trận đá chính liên tiếp cho Incheon United tại K-League.
Trước đó, số lượng cầu thủ Đông Nam Á chơi bóng tại K-League là rất ít ỏi. Trước đây, Việt Nam từng có Lương Xuân Trường đã lần lượt khoác áo các CLB ở K-League là Incheon United và Gangwon FC. Thái Lan từng có danh thủ Piyapong Pue-on, người từng đá cho CLB FC Seoul từ năm 1984 đến 1986 (khi đó CLB này có tên là Lucky-Goldstar FC ).
Piyapong được xem là cầu thủ Đông Nam Á thành công nhất K-League và đoạt 2 giải thưởng Vua phá lưới K-League và Cầu thủ kiến tạo nhiều nhất K-League trong năm 1985. Alvaro Silva, cầu thủ mang 2 dòng máu Tây Ban Nha – Philippines (từng đá cho Hà Nội FC), từng chơi bóng ở K-League cho CLB Daejeon Citizen”, tờ Sportalkorea viết.
Tờ Sportalkorea sau đó lấy trường hợp của Công Phượng làm ví dụ và cho rằng K-League cần đẩy mạnh việc quảng bá ở khu vực Đông Nam Á: “Incheon United hiện đang thu hút sự quan tâm rất lớn ở Việt Nam nhờ việc tuyển mộ Công Phượng. Ước tính có tới hơn 26 nghìn người ở Việt Nam xem trực tuyến trận ra quân của Incheon United tại K-League mùa này. Thậm chí LĐBĐ Hàn Quốc đã cho phát miễn phí trận đấu ở K-League trên trang chủ của mình cho các CĐV nước ngoài xem, tuy nhiên trang web này đã sập sau khi có hơn 30 nghìn người truy cập (được cho là các CĐV Việt Nam).
Bên cạnh sự quan tâm trên mạng internet, người ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy các CĐV Việt Nam đến các sân vận động ở Hàn Quốc để xem Công Phượng thi đấu. Mặc dù số lượng không lớn nhưng lượng CĐV Việt Nam đến xem các trận đấu của Incheon United đang tăng lên”.
"Không thể phủ nhận rằng nhờ Công Phượng mà Incheon United đã quảng bá hình ảnh của mình tại Việt Nam. Đấy là điều tất yếu với một CLB chuyên nghiệp, việc tiếp thị hình ảnh thông qua cầu thủ là bắt buộc. Nhờ có những cầu thủ ngôi sao mà việc marketing, quảng bá hình ảnh CLB đã trở nên hiệu quả hơn. Và Công Phượng chính là ngôi sao của bóng đá Việt Nam”.
Hiện tại ở K-League, giới hạn tuyển mộ ngoại binh đang là 3+1, trong đó “1” chính là số lượng cầu thủ châu Á. Theo tờ Sportalkorea, các CLB ở K-League trong quá khứ đã rất muốn tăng cường thêm hạn ngạch tuyển mộ cầu thủ ở Đông Nam Á. Tờ báo này nhận định rằng việc sử dụng những cầu thủ ở Đông Nam Á, đặc biệt là từ Việt Nam, sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho K-League do thị trường ở Đông Nam Á rất giàu tiềm năng và dường như là vô tận.
J-League là tấm gương cho K-League về việc chiêu mộ cầu thủ Đông Nam Á
Tờ Sportalkorea cũng lấy trường hợp của J-League làm ví dụ minh họa cho việc tăng chỉ tiêu tuyển mộ cầu thủ ở Đông Nam Á. J-League đã quyết định mở rộng hạn ngạch tuyển mộ các cầu thủ ở châu Á. Đặc biệt, các cầu thủ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Singapore, Indonesia, Iran, Malaysia và Qatar sẽ không được tính là ngoại binh. Các CLB ở J-League được phép có thêm 1 cầu thủ từ những quốc gia trên và họ được coi như nội binh.
Nhà báo thể thao của Nhật, Yoshizaki Eiji cho biết: “Các cầu thủ Đông Nam Á gia nhập CLB Consadole Sapporo (Lê Công Vinh và gần nhất là Chanathip Songkrasin) đều là những ngôi sao ở đất nước của họ. Khi Consadole Sapporo chiêu mộ những cầu thủ này, có thêm nhiều tour du lịch đến với Sapporo hơn. Và sự quan tâm ở các CĐV Đông Nam Á tới đội bóng này cũng tăng lên rất nhiều”.
“Các đội bóng ở J-League đã tối đa hóa việc sử dụng các cầu thủ Đông Nam Á. Nhờ vậy mà hoạt động du lịch được thúc đẩy và cùng với đó, bản quyền J-League còn được bán cho các quốc gia ở Đông Nam Á. Rõ ràng có quá nhiều lợi ích để các CLB tại K-League xem xét lại việc chiêu mộ các cầu thủ từ Đông Nam Á”, tờ Sportalkorea viết.
Sự thật phũ phàng về K-League
Mặc dù Hàn Quốc là nền bóng đá hàng đầu ở châu lục nhưng giải VĐQG nước này lại rất ít được quan tâm. Trên thực tế, bóng chày mới là môn thể thao số 1 ở Hàn Quốc.
Cây bút thể thao John Duerden chia sẻ trên tờ Asia Times và Nikkei Asian Review rằng K-League đang gặp khó khăn trong việc lôi kéo CĐV tới sân. Cách đây hơn 10 năm, ước tính trung bình có hơn 11 nghìn CĐV đổ tới xem các trận đấu ở K-League. Mùa giải trước, con số trên giảm xuống còn khoảng 5 nghìn, ít nhất trong những năm trở lại đây.
Dejan Damjanovic, cầu thủ người Montenegro, đang đá cho CLB Suwon Samsung Bluewings cho biết: “Là một cầu thủ, tôi cảm thấy rất kỳ lạ khi thi đấu trước sự chứng kiến của vài nghìn khán giả, đôi khi là vài trăm CĐV ở một sân vận động có sức chứa lên tói 40.000-50.000 người”.
Nhờ hiệu ứng World Cup 2002 mang lại (Hàn Quốc vào Tứ kết) mà lượng CĐV tới sân xem các trận đấu ở K-League tăng lên và khiến môn bóng đá ở Hàn Quốc có thời điểm vượt qua môn bóng chày để trở thành môn thể thao số 1 ở xứ Kim Chi. Nhưng hiện tại điều đó không còn nữa.
Một trong những nguyên nhân khiến CĐV giảm sự quan tâm với K-League là việc các tập đoàn kinh tế lớn ở nước này sở hữu các CLB (như Samsung và Hyundai). Mô hình này khiến việc xây dựng tính kết nối của CLB với CĐV địa phương giảm đi mà ví dụ điển hình nhất là việc LG chuyển CLB FC Seoul (tiền thân là Lucky-Goldstar) từ Anyang về Seoul. Điều này đã khiến người ta nghĩ rằng các CĐV địa phương là không quan trọng với CLB.
Thêm vào đó, scandal dàn xếp tỉ số ở Hàn Quốc vào năm 2011 cũng làm suy giảm lòng tin của các CĐV bóng đá xứ Kim Chi vào các đội bóng trong nước. Các đài truyền hình ở Hàn Quốc cũng không mạnh tay trong việc mua bản quyền phát sóng K-League. Tiền bản quyền truyền hình mà K-League nhận được chỉ là 6 triệu USD/năm, trong khi ở Nhật Bản, J-League thu về gần 200 triệu USD/năm.
Seo Hyung-wook, bình luận viên của đài MBC thừa nhận rằng ở K-League có quá nhiều trận đấu “không có gì đặc biệt”. Theo bình luận viên này, hầu hết các HLV ở K-League đều áp dụng lối đá giống nhau, quá thận trọng và tập trung vào các miếng đánh phản công cùng các yếu tố về thể lực và tốc độ. Seo Hyung-wook cho rằng các CLB ở K-League cần có sự đa dạng về lối chơi hơn để thu hút CĐV: “Cần có sự đa dạng về lối chơi hơn. Các CĐV bóng chày sẽ cho rằng K-League nhàm chán và nếu bạn là CĐV trung lập, bạn cũng sẽ có cảm giác tương tự”.
Mặc dù K-League có những CLB hàng đầu ở châu lục nhưng ngay cả những CLB này cũng đau đầu vì việc thu hút CĐV đến sân. Chiến lược dài hạn của các CLB tại K-League hiện nay chính là thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng cư dân địa phương.
Và sự xuất hiện của Công Phượng rõ ràng đã đem lại giải pháp mới cho K-League. Incheon United đã tìm cách tăng lượng CĐV tới sân bằng chiến dịch giảm giá vé cho những người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc hoặc khách du lịch Việt Nam ở xứ Kim Chi. Theo đó, họ sẽ được giảm giá vé 50% ở các trận sân nhà của Incheon United trong tháng 4 (3/4, 14/4, 27/4).
Đài truyền hình ở Hàn Quốc là KBS cũng đã thực hiện những phóng sự về Công Phượng, trong đó nổi bật là những hình ảnh về sự hòa nhập của cầu thủ Việt Nam tại xứ Kim Chi. Rõ ràng, K-League đang cần thêm những cầu thủ như Công Phượng.
Phóng sự đài KBS (Hàn Quốc) về Công Phượng
Sơn Tùng
loading...