loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tranh cãi, đổ lỗi tại trọng tài (TT) là vấn đề muôn thuở của bóng đá, nhưng việc một ông chủ đội bóng đòi 'tài trợ' cho BTC giải thuê TT ngoại điều hành giải đấu, đúng là chuyện xưa nay hiếm. Tất nhiên, điều này sẽ không bao giờ xảy ra, song vấn đề là, để xảy ra những phản ứng tiêu cực thì BTC và cả người trong cuộc cũng cần xem lại.
1. Vòng 21, V-League 2017, Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM, cựu danh thủ Lê Công Vinh kiến nghị - Sẵn sàng tài trợ cho BTC giải kinh phí để thuê trọng tài nước ngoài, hòng có thể bắt công tâm hơn trong các trận đấu. Đây là một đề nghị ngược đời, chưa từng có tiền lệ chẳng chỉ của bóng đá Việt Nam mà còn của làng cầu thế giới. Người của BTC, mà cụ thể là Trưởng BTC Nguyễn Minh Ngọc cũng đã khẳng định điều này trên mặt báo. Nhưng cả Công Vinh và ông Ngọc "béo" mới chỉ đề cập đến một nửa sự thật. Mà một nửa sự thật không bao giờ là sự thật. TP.HCM đã thua Hải Phòng 1-4 ở trận đấu vừa qua, thua lấm lưng trắng bụng, thì kiện tụng cái gì?
Cũng giống như lượt trận thứ 13, khi đội bóng của Công Vinh để thua S.Khánh Hoà BVN với tỷ số tương tự, ngay trên sân nhà Thống Nhất, Vinh đã từng phát biểu: "Tại sao BTC lại sắp một TT người Bình Dương - đội bóng đang cạnh tranh vị trí ở đáy bảng xếp hạng với TP.HCM, là Nguyễn Ngọc Châu, bắt chính trận này". Thắc mắc của Công Vinh sau đó bị cho là dở hơi, bị ném đá, bởi nó chẳng có cơ sở gì cả. Ngọc Châu thậm chí còn đang là đương kim Còi vàng, tức về lý thuyết, là TT tốt nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Đòi hỏi, đổ tại TT là việc của đội bóng, không là ông chủ tịch thì là HLV, chuyện này xưa như trái đất. Người ta buồn, trách là bởi, Công Vinh từng nhiều năm chơi bóng chuyên nghiệp, từng cầm băng đội trưởng ĐTQG, thậm chí từng chịu án phạt nặng khiến anh doạ giải nghệ..., mà lại phát biểu một cách thiếu kiềm chế như thế. Nhưng, Vinh không phải không có lý do. Anh quá hiểu đội ngũ "cầm cân nảy mực" và quá hiểu BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tự cổ chí kim, không có lửa tất không thể có khói, dù cả lửa lẫn khói là cái thứ chả ngửi được từ 1 nền bóng đá mà nói chữ một chút... mất gốc!
2. Trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp và điều lệ V-League, có chế tài về phát ngôn, với cầu thủ, HLV và quan chức đội bóng. Song dường như điều này đã và đang bị xem nhẹ. Ai thích nói gì thì nói, BTC giải đấu hoặc nhắm mắt nhấc chân, hoặc giải thích cho có, kiểu ông Nguyễn Minh Ngọc với tình huống của Công Vinh vừa rồi.
Có khởi đầu khá tốt nhưng CLB TP.HCM đã có dấu hiệu tụt dốc từ lượt về, bất chấp quyền Chủ tịch Lê Công Vinh dùng nhiều cách để đánh bóng thương hiệu CLB. Chiêu trò của Công Vinh dường như chỉ tạo hiệu ứng ngược từ sân cỏ đến hậu trường.
Ở các nền bóng đá phát triển, với các giải VĐQG hàng đầu, liêm luật luôn được bảo lưu. Cuộc chơi phải có luật, sai thì phạt, đúng và gương mẫu thì tuyên dương. BTC V-League phải lật ngược lại các vấn đề, là tại sao và như thế nào, các đội bóng lại phản ứng quá gay gắt, thậm chí bỏ giải. Xử lý khủng hoảng là một công đoạn khó, và nó liên quan đến uy tín của nhà tổ chức. Không thể "mềm nắn rắn buông" được. Ở tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, nhưng V-League vẫn có cảm giác yểu, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Cả Hải Phòng, TP.HCM hay trước đó là S.Khánh Hoà BVN, mùa này đều không đặt tham vọng cao, cũng không bị khoanh vùng nguy cơ rớt hạng. Nhưng người trong cuộc, ở đây là Công Vinh - cầu thủ đã có hơn 10 ăn cơm V-League, với vai trò ông chủ, vẫn cứ phản ứng gay gắt.
Tóm lại, để "dập lửa, xua khói", chúng ta cũng phải xem lại công tác điều hành giải đấu, cuộc chơi cũng như xem lại chính những người chơi trong cuộc. V-League 2017, kể từ cách đây vài vòng đấu, đã bắt đầu những con tính về mặt vĩ mô rồi. Kết quả lượt trận này, thậm chí, còn nằm trong dự đoán của nhiều người. Một giải đấu như thế có đủ hấp dẫn không và có cần thiết phải tranh cãi không?
Hỏi mà như đã trả lời.
Tùy Phong
loading...