A+ A A- Kiểu đọc sách

HLV Miura có cần thay đổi vì Công Phượng?

06:20 16/12/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Miura không cần thay đổi, không nên thay đổi và chẳng việc gì phải thay đổi vì Công Phượng hay bất kỳ cầu thủ nào khác.

Một lần nữa, HLV Toshiya Miura trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi rất nhiều người cho rằng lối chơi phòng ngự phản công, bóng dài của ông là nguyên nhân trực tiếp “triệt tiêu” sự sáng tạo và năng lực của lứa cầu thủ HAGL mà tiêu biểu là số 10 Nguyễn Công Phượng. Nhưng có thật là ông Miura cần phải thay đổi vì Công Phượng?

1. Lứa cầu thủ trẻ HAGL không đủ xuất sắc để buộc U23 Việt Nam và HLV Toshiya Miura phải thay đổi lối chơi. Về vai vế, nhóm cầu thủ HAGL chỉ xếp thứ hai trong đội hình U23 Việt Nam hiện tại. Hơn họ 1 tới 2 tuổi, hàng loạt tuyển thủ quốc gia như Thanh Hiền, Mạnh Hùng, Duy Khánh, Duy Mạnh... mới là nhóm cầu thủ nòng cốt. Tại vòng loại giải U23 châu Á, Công Phượng là cái tên duy nhất của HAGL giành được suất đá chính.

Bản thân Công Phượng rất xuất sắc nhưng anh chưa thể một mình gánh cả tập thể U23 Việt Nam. Tại V-League 2015, cầu thủ trẻ hay nhất là Duy Mạnh. Ở HAGL, cái tên hay nhất mùa là Tuấn Anh. Thực tế qua hai trận giao hữu với JFL Selection chứng tỏ một mình Công Phượng là không đủ.

Lịch sử bóng đá cũng chứng minh những đội bóng phải phụ thuộc vào một cá nhân thường không có kết cục tốt đẹp. Argentina của Lionel Messi và Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo là hai ví dụ điển hình. Thời đại “siêu nhân” của Diego Maradona đã qua và sẽ bao giờ trở lại.

Xuân Trường, 'phát hiện mới' của HLV Miura

Xuân Trường, 'phát hiện mới' của HLV Miura

Trong các tiền vệ trung tâm của U23 Việt Nam ra sân ở 2 trận gặp JFL Selection, Lương Xuân Trường là người thi đấu nhiều nhất. Cầu thủ 20 tuổi đá chính cả 2 trận, chơi 2/3 thời gian ở lượt đi trước khi đá 90 phút trong trận lượt về.






2. Ông Miura cũng không cần phải thay đổi vì Công Phượng bởi các thống kê khẳng định ông mới đang là người sử dụng Công Phượng hiệu quả nhất.

Mùa giải 2014, Công Phượng chơi 7 trận trong màu áo U19 Việt Nam ở các giải chính thức, ghi 2 bàn. Tại V-League 2015, anh chơi 25 trận, ghi 6 bàn. Hiệu suất lần lượt là 0,29 và 0,24 bàn/trận.

Tại U23 Việt Nam, sau 10 trận chính thức ở vòng loại giải U23 châu Á và SEA Games 28, Công Phượng ghi 7 bàn. Hiệu suất 0,7 bàn/trận, cao hơn tất cả các cầu thủ Việt Nam khác.

Tại sao phải thay đổi một hệ thống đang hoạt động tốt? Tại sao phải thay đổi một triết lý đang giúp cầu thủ hay nhất của U23 Việt Nam phát huy tốt nhất khả năng của mình? Nhìn thống kê trên, ai dám nói ông Miura không giỏi hơn HLV Guillaume Graechen?

3. Một sự thay đổi về triết lý của ông Miura (nếu có) cũng chưa chắc đã là tin vui với Công Phượng.

Chàng trai xứ Nghệ trưởng thành từ hệ thống đào tạo của HAGL Arsenal JMG, qua 7 năm đào tạo, 2 năm thi đấu cùng U19 Việt Nam, 1 năm ở V-League, chỉ chơi nguyên một lối chơi, vẫn đá với từng ấy người đồng đội, luôn thi đấu theo cùng một cách. Phong cách “một màu” ấy rõ ràng là chưa đủ để Công Phượng vươn tới đỉnh cao sự nghiệp.

Là cầu thủ giỏi, anh phải thích ứng được với mọi hệ thống chiến thuật. Là cầu thủ chuyên nghiệp, anh phải sẵn sàng thay đổi với mọi HLV. Trong đội bóng, không có chuyện HLV phải thay đổi vì cầu thủ. Đòi HLV Miura thay đổi vì Công Phượng là biểu hiện của sự o bế, ảo tưởng. Ở Nhật Bản, liệu Mito Hollyhock có thay đổi để phù hợp với Công Phượng?

Quyết định đội hình, quyết định lối chơi là quyền tôn nghiêm tối thiểu của HLV trưởng. Không ai có quyền bắt ông Miura thay đổi vì bất kỳ lý do gì.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...