(Thethaovanhoa.vn) - Trở về từ Thụy Sỹ sau khi bảo vệ thành công chứng chỉ Pro.License, ngay vừa xuống sân bay, HLV Hoàng Anh Tuấn đã có những chia sẻ khá tâm huyết với Thể thao & Văn hóa về việc làm sao thúc đẩy nền bóng đá Việt Nam trong bối cảnh này. Ông cho biết đợt sát hạch, được các giáo viên yêu cầu phải viết một bài luận về các vấn đề của bóng đá Việt Nam, cùng giải pháp trước mắt. Ông chia sẻ 5 vấn đề.
Đầu tiên, bóng đá Việt Nam cần phải có Giám đốc kỹ thuật. Vị trí này như kiến trúc sư trưởng, để định hướng, xây dựng tầm nhìn chiến lược, lối chơi, triết lý, mục tiêu… cho nền bóng đá quốc gia. Giám đốc kỹ thuật phải có mối quan hệ hợp tác tốt với Hội đồng HLV QG, với HLV các đội tuyển, HLV các CLB, tiểu ban kỹ thuật để kiến thiết lại nền bóng đá.
Với vi trí quan trọng thế nhưng đã quá lâu chúng ta không có một Giám đốc kỹ thuật đúng nghĩa nên các đội tuyển lạc lối là dễ hiểu.
Vấn đề thứ hai, theo ông Tuấn, phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực HLV thật tốt. Không có thầy giỏi, tất yếu khó tìm ra trò tài. Tuy nhiên, hiện nay theo thống kế ở Việt Nam số HLV được cấp chứng chỉ A của AFC mới chỉ có 127, chứng chỉ B,C khoảng vài trăm, chứng chỉ A HLV nữ chỉ được 14 người, đó là những con số không thể đáp ứng yêu cầu. Năm tới quy định các CLB phải có HLV thể lực càng gay go với các đội.
HLV Hoàng Anh Tuấn bảo hãy nhìn sang Nhật Bản, chứng chỉ A lên đến đơn vị ngàn, Pro. License có vài chục, chưa kể là chứng chỉ B, C.
Về vấn đề thứ hai là đào tạo trẻ, ông Tuấn cho rằng chúng ta quá ít lò đào tạo trẻ bài bản, có chiều sâu. Cần phải có vài ba chục trung tâm như Viettel, PVF, HAGL – Arsenal JMG thì mới có sự lựa chọn nhân tài tối ưu.
Ví dụ như PVF vừa rồi cho ra lò được 8 cầu thủ chơi cho đội tuyển U19 QG, nếu như có 10 lò như VPF thì HLV trưởng đã có 80 cầu thủ để lựa chọn, điều này đồng nghĩa chất lượng của đội tuyển U19 sẽ tốt hơn.
Ngày 15/10, HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ lên đường sang Thụy Sỹ để thi tốt nghiệp chương trình Pro.license- chứng chỉ hành nghề bóng đá chuyên nghiệp của thế giới.
Về vấn đề thứ tư, hệ thống thi đấu hiện còn nhiều bất cập. HLV Hoàng Anh Tuấn lý giải các tuyến trẻ tại các CLB của chúng ta hiện nay được thi đấu cọ xát quá ít. Đơn cử giải U21 toàn quốc, đội đá từ vòng bảng đến vòng chung kết tối đa chỉ được 10 trận. 1 năm đá được 10 trận đấu, các vận động viên trẻ sao có thể tiến bộ?
Cần phải thay đổi hệ thống thi đấu, chọn giải pháp để gia tăng số lượng trận đấu nhằm giúp cầu thủ trẻ được đá 45 đến 50 trận giao hữu/ năm.
“Theo tôi, với đặc điểm địa lý như Việt Nam, điều kiện di chuyển, đi lại khó khăn, nên chăng có sự hỗ trợ từ nhiều phía, gồm Liên đoàn, các đội bóng. Chúng ta tổ chức các giải đấu theo vùng miền, Bắc, Trung, Nam, trước khi tổ chức các giải U mở rộng…
Hệ thống thi đấu giải chuyên nghiệp, tại sao V-League có 14 đội, hạng Nhất chỉ có 8 đội, như thế là chân đế yếu. Phải có vài chục đội hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba thì đỉnh của nền bóng đá mới mạnh được.
Vấn đề thứ năm, ông Tuấn cho rằng phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bóng đá. Ở mỗi liên đoàn bóng đá các quốc gia thường có tiểu ban kỹ thuật. Tiểu ban này phụ trách công tác tổng hợp, thống kê chi tiết các hoạt động bóng đá, từ các ĐTGG đến các giải. Các CLB chơi với xu hướng nào, thậm chí hồ sơ cầu thủ nào nếu cần thì vài phút sẽ có ngay.
Ở ta, các thống kê, tổng hợp, báo cáo mới chỉ nói được hiện tượng chứ chưa nói được bản chất. Chẳng hạn, chỉ thống kê bao nhiêu trận đấu, số bàn thắng bao nhiêu, đội nào ghi được bao nhiêu bàn thắng, nhận bao nhiêu bàn thua, thẻ vàng, thẻ đỏ… trong khi các số liệu: kiểm soát bóng và chuyền bóng bao nhiêu %, sơ đồ nào, hệ thống chiến thuật nào được nhiều đội sử dụng và sử dụng thành công nhất? Dữ liệu phân tích tình trạng thể lực cầu thủ Việt Nam đang đạt đến mức nào, yếu ở đâu, cầu thủ nào chơi tốt với bao nhiêu đường chuyền, bao nhiêu cú sút bóng chính xác?... Từ đó Giám đốc kỹ thuật sẽ cùng các bộ phận chức năng sẽ lần tìm ra chiến thuật, lối chơi, triết lý chơi bóng phù hợp với cầu thủ Việt Nam, ở bình diện quốc gia. Cũng từ những số liệu, họ sẽ giúp HLV các CLB sẽ nhận ra điểm yếu của cầu thủ mình là gì để tập luyện cải thiện. Còn Hội đồng HLV Quốc gia, cũng dựa vào những số liệu ấy họ sẽ ngồi lại bàn bạc, phân tích các hệ thống chiến thuật, lối chơi, xây mục tiêu cho ĐTQG, rồi đưa ra những góp ý cụ thể cho HLV trưởng.
Tóm lại đấy là các vấn đề thuộc nền tảng của nền bóng đá. Lúc này, theo tôi bóng đá Việt Nam cần hy sinh thành tích để củng cố lại nền móng”- Ông Tuấn kết luận.
1. HLV Hoàng Anh Tuấn là người duy nhất ở Việt Nam có chứng chỉ Pro. License, có giá trị toàn cầu và vô thời hạn.
0. HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn chưa nhận lời làm HLV cho bất kỳ đội bóng nào dù đã có một số CLB mời ông ngồi ghế HLV trưởng, hoặc GĐKT.
18. Khóa học chứng chỉ Pro. License của HLV Hoàng Anh Tuấn kéo dài 18 tháng, (4/2014-10/2015), trải qua 4 học kỳ tại 4 quốc gia: Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thụy Sỹ. |
Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa