loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Lỗ Tấn từng khẳng định “Trên đời làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Vẫn biết mọi so sánh chẳng hề chính xác, nhưng hoàn cảnh này rất hợp với khát vọng của bầu Đức trong việc nâng tầm bóng đá Việt thông qua quyết định se duyên với Arsenal 10 năm trước.
Phải dùng từ cho chuẩn, khi mối tình giữa HAGL và Arsenal đứt gánh sau 10 năm hợp tác, nếu không sẽ dễ gây hiểu lầm. Đấy là mối quan hệ kinh doanh, làm ăn và khi, một trong các đối tác không thể đáp ứng được nhu cầu, thì chia tay là chuyện nên làm.
Năm 2007, bầu Đức đạt được thỏa thuận hợp tác với Arsenal và JMG toàn cầu, cho việc mở Học viện bóng đá. Đây là mô hình mới ở Việt Nam, chứ hoàn toàn không xa lạ với nước ngoài, mà gần nhất là Thái Lan.
Ban lãnh đạo HAGL cho rằng sở dĩ đội bóng phố núi và CLB Arsenal chấm dứt hợp tác mối quan hệ liên kết trong 10 năm qua vì phía đối tác Anh có sự thay đổi trong chiến lược phát triển.
Theo chia sẻ của các thuộc cấp của bầu Đức, trên thực tế, ông chủ tập đoàn HAGL đã có ý định "làm ăn" với Arsenal từ vài năm trước đó. Nhưng cứ lần lữa, đội bóng Anh khước từ, dù HAGL là người đem tiền (và danh tiếng và cả CĐV) đến cho họ. Ngay cả điều này cũng không quá khó hiểu.
Việt Nam có thể đã và đang là một đất nước đam mê bóng đá cuồng nhiệt, nhưng thị phần bán áo đấu (xịn) và phát triển phong trào cổ động ở dải đất hình chữ S là rất ít tiềm năng. Nguyên nhân là gì thì phần lớn chúng ta đều hiểu.
Với chỉ một nền bóng đá còn đang phát triển cùng văn hóa cổ vũ chưa phải kiểu mẫu, quả rất khó để làm đối trọng trong tài phán, đặc biệt là với các đối tác ở trời Âu và Anh quốc. Thực tế, HAGL đã phải nhún nhường nhiều khi làm việc với Arsenal dù chỉ để ghép tên.
***
Sau tất cả, dù tỷ lệ ăn chia, về lý thuyết đã được quy định khá rõ ràng với một sản phẩm đào tạo bán ra, nhưng đội bóng Anh không kỳ vọng nhiều vào tiềm năng xuất khẩu cầu thủ của HAGL nói riêng và Việt Nam nói chung. Họ hỗ trợ về mặt công nghệ, cho mượn cái tên, thu tiền và... hết!
Nói về việc vừa qua CLB Arsenal đã chính thức “dứt tình” HAGL khi hợp đồng giữa đôi bên hết hiệu lực cuối tháng 6. HLV Triệu Quang Hà lấy làm tiếc vì điều này nhưng ông không hề cảm thấy ngạc nhiên.
JMG toàn cầu cũng chỉ là thương hiệu ăn theo, kiểu mối quan hệ hợp tác win-win... Không sao cả, bởi bóng đá Việt Nam chậm phát triển và cần nhiều hơn các gói kích cầu. Bầu Đức đã và vẫn là người đi tiên phong trong phần lớn các hạng mục kinh-doanh-bóng-đá thay vì với vai trò của một ông bầu, rót tiền cho bóng đá.
CLB Arsenal đã chấm dứt mối nhân duyên hợp tác với HAGL khi hợp đồng giữa đôi bên chính thức hết hiệu lực cuối tháng 6 vừa qua. Bắt đầu từ giai đoạn lượt về Toyota V.League 2017, CLB HAGL cũng không còn để logo của Arsenal trên ngực áo.
Arsenal chia tay HAGL và rời Việt Nam là một tổn thất cho nền bóng đá, nhưng việc gì cần phải đến sẽ đến. Chúng ta khó kỳ vọng sẽ có thêm những đối tác "ăn ý" tiếp bước, nếu không chứng minh đủ năng lực phát triển.
Điều quan trọng cuối cùng, chúng ta vẫn phải tự lực cánh sinh, bởi nội lực nền bóng đá mới là yếu tố quyết định, đối tác nước ngoài chỉ là yếu tố bổ trợ. Thế nên, hãy cứ nhẹ nhàng, nặng nề cũng chẳng giải quyết được gì. Cùng với công nghệ Âu châu, Arsenal có thể nói là đã sản sinh ra một thế hệ cầu thủ đầy tài năng cho Việt Nam.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
loading...