A+ A A- Kiểu đọc sách

Hải Phòng thăng hoa, tuyển Việt Nam được lợi gì?

06:09 28/04/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hải Phòng đứng trên đỉnh V-League với chuỗi 7 trận toàn thắng cùng phong độ vô cùng ấn tượng. Thành công ấy của họ liệu có giúp ích cho ĐT Việt Nam?

Thông thường, ĐTQG sẽ được xây dựng dựa trên nòng cốt của CLB mạnh nhất giải quốc nội. Hiện tại, CLB đó là Hải Phòng. Theo cách lý tưởng nhất, CLB sẽ là mô hình thu nhỏ của ĐTQG về con người và lối chơi. Nhưng với Hải Phòng, mọi chuyện không diễn ra như vậy.

1. Hải Phòng là đội bóng được xây dựng theo đúng “chuẩn V-League” nhất hiện nay. Với 2 “Tây” đá cắm và một nhập tịch ở trung tâm hàng thủ, các vị trí trọng yếu của Hải Phòng đều không có bóng dáng cầu thủ Việt Nam. Những cầu thủ nội tốt nhất của Hải Phòng đều phải chơi dạt biên hoặc làm công nhân ở hàng tiền vệ. Lê Văn Thắng, Vua phá lưới nội mùa trước, đến Hải Phòng cũng phải đá cánh vì không cạnh tranh được với Errol Stevens và Andre Fagan.

Khác biệt về cách bố trí con người dẫn tới khác biệt về bố trí chiến thuật. Hải Phòng thi đấu theo đúng chuẩn “lật cánh đánh đầu, chuyền dài chơi bổng”. Trong hệ thống ấy, các cầu thủ ngoại có vị trí then chốt. Nội binh chỉ là người hỗ trợ, là phương án hai của hệ thống tấn công.

Chiến thuật của Hải Phòng đi ngược hoàn toàn với triết lý xây dựng ĐT Việt Nam dưới thời Hữu Thắng. Hải Phòng đá bóng dài, ĐT Việt Nam chơi bóng ngắn. Hải Phòng có 2 “Tây” tiền đạo, ĐT Việt Nam toàn chân sút nhỏ con, Hải Phòng thủ chặt, chăm chuyền dài, ĐT Việt Nam chơi kiểm soát, ưa chuyền ngắn. Cứ như thế, Công Vinh, Tuấn Anh, Xuân Trường về Hải Phòng chưa chắc đã được đá chính.

2. Thông thường đội đứng đầu V-League luôn đóng góp rất nhiều tuyển thủ quốc gia, là nòng cốt trong việc tổ chức lối chơi và xây dựng tập thể. Hà Nội T&T và Bình Dương là những điển hình như thế suốt nhiều năm. HAGL hiện tại cũng là đội bóng có phong cách tương đồng với ĐTQG.

Hải Phòng ở chiều ngược lại. Bộ ba tiền vệ Minh Châu - Khánh Lâm - Quốc Trung có phong cách hoàn toàn khác lối chơi kiểm soát của Hữu Thắng. Trong khi ấy, Ngọc Thịnh không có cửa cạnh tranh cho suất trung vệ. Văn Thắng là tuyển thủ duy nhất của Hải Phòng có cơ hội ở ĐT.

3. Nhưng như thế không có nghĩa là ĐT Việt Nam không thể học được gì từ Hải Phòng.

Giải mã sự thăng hoa của Hải Phòng

Giải mã sự thăng hoa của Hải Phòng

Ngoại binh xịn, nội binh chất lượng, chiến thuật hợp lý, chuyển nhượng hiệu quả và tài năng của Trương Việt Hoàng là những nguyên nhân đưa Hải Phòng lên đỉnh V-League.


Thực tế chứng minh không phải lúc nào ĐT Việt Nam cũng có thể chơi bóng ngắn. Trước Thái Lan, Iraq hay các đối thủ lớn khác, phòng ngự rình rập đã từng cho thấy hiệu quả và là một lựa chọn không tồi. Khi đó, các nhân tố của Hải Phòng có thể được xem xét.

Bài học Hải Phòng cũng cho thấy một đội bóng hoàn toàn có thể thành công dù không sở hữu dàn cầu thủ đẳng cấp. Tinh thần và sự đoàn kết của Hải Phòng là điều mà ĐT Việt Nam có thể học hỏi. Trước đấy, HLV Toshiya Miura từng khá thành công khi xây dựng lối chơi phòng ngự cho ĐT Việt Nam trên nền tảng là những cầu thủ Hải Phòng.

4. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi mới nhậm chức, Hữu Thắng từng nói các CLB V-League đá thế nào cũng được, ĐT Việt Nam vẫn giữ nguyên triết lý của mình và sẽ không bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy không chỉ Hải Phòng mà nhiều đội bóng khác ở V-League cũng có lối chơi tương tự (B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Cần Thơ...).

Đó không phải là một môi trường dễ chịu cho Hữu Thắng nhất là khi rất nhiều học trò của ông cũng đang phải ngồi ngoài ở CLB như Công Vinh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Quyết...

Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...