loading...
(Thethaovanhoa.vn) - … Chỉ có trái tim lầm chỗ đặt trên đầu thôi.
Cổ động viên HAGL vẫn bấm bụng tự hào, rằng họ có lực lượng hùng hậu nhất Việt Nam, từ Nam ra Bắc, từ Tây sang Đông, ước chừng khoảng mấy ngàn hội viên chính thức, không kể các hội viên chưa được cấp thẻ, các đối tượng vãng lai và những người yêu mến. Ngoài ra, số lượng người theo dõi và yêu thích đội bóng phố núi luôn thuộc tốp đầu châu Á, ở cấp độ CLB, đấy cũng là một chi tiết thú vị, đáng được ghi nhận ở thời đại công nghệ và kỹ thuật số.
Kể từ khi ra ràng, năm 2014, "những đứa trẻ nhà bầu Đức" đi đến đâu, khán đài nơi đó được lấp kín, thậm chí không ít phen vỡ sân. Một hiện tượng lạ hiếm khi xuất hiện, kể từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên. Thậm chí ở tầm các ĐTQG, chỉ từ khi Công Phượng và đồng đội lứa của anh xuất hiện, từ Mỹ Đình đến Thống Nhất, rồi Cần Thơ, sân bóng mới được lập đầy. Sự gầy dựng có căn cơ của một đội bóng chơi cống hiến và "fair play" bậc nhất.
Ngay lúc này, lượng người đến sân theo dõi - cổ vũ HAGL đã giảm, vì nhiều lý do trong đó có biểu đồ thành tích của đội bóng không được như mong đợi, nhưng so với các CLB khác ở V-League, vẫn là rất khả quan.
Trong một diễn biến có liên quan khác, người của Hà Nội FC cũng vỗ ngực rằng, họ đang sở hữu lượng CĐV đông đảo bậc nhất trên sân nhà Hàng Đẫy. Sự cấy ghép, nuôi và chăm sóc Hội CĐV của đội bóng Thủ đô là có căn cơ từ nhiều năm qua. Nông dân gọi là "có gieo trồng, chăm sóc, ắt có quả ngọt". Cùng với nhà tài trợ SCG (Thái Lan), CLB Hà Nội tổ chức rất nhiều các hoạt động bóng đá đường phố đồng hành, thu hút - gây sự chú ý và tiếng vang.
Cũng như HAGL, Hà Nội FC chơi đẹp mắt và công hiến. Đây là 2 trong số ít các đội bóng tại V-League có lối chơi thuần Việt Nam nhất. Và thực tế, 2 CLB này cũng cung ứng nhiều tuyển thủ cho các ĐTQG nhất, nếu không muốn nói là đến hơn 90%. Một số khán giả - CĐV trung lập, yêu thích cả hai, số còn lại ở 2 bờ chiến tuyến lại không chịu nhau, cãi nhau như mổ bò, từ trên các diễn đàn mạng xã hội đến ngoài đời thực. Con ai đẻ người ấy đặt tên.
Trong quá khứ và cả hiện tại, SLNA và FLC Thanh Hóa là những đội bóng có lượng CĐV sân nhà cũng như sân đối phương ổn định bậc nhất xứ sở. Cộng đồng dân xứ Nghệ và xứ Thanh đông, trải dài khắp nước, điều này không bàn cãi, đấy gọi là tính bản địa - vùng miền, song cơ bản phải là khâu tổ chức. Từ hàng chục năm nay, Hội CĐV SLNA đã được tổ chức rất bài bản, với những hoạt động trước, trong và sau các trận đấu đa dạng, thú vị.
HAGL thủng lưới nhiều nhất V-League, ‘Messi Lào’ muốn đánh bại Việt Nam ở AFF Cup là những thông tin chính trong chuyển động bóng đá Việt tối ngày 20/9.
Hải Phòng vẫn được ví là kinh đô của V-League, trong những trận đấu trên sân nhà của họ. Khoảng thời gian diễn ra ASIAD 18, sân Lạch Tray được phủ kín chỉ bằng những màn hình lớn, chiếu các trận đấu của U23 Việt Nam từ Indonesia, là minh chứng cho thấy tình yêu bóng đá của người dân đất cảng lớn đến đâu. "Người Hải Phòng là không lòng vòng", nói là làm, bất kể ở nhiều giai đoạn khác nhau, CLB Hải Phòng không có thành tích như mong đợi.
Việc khơi gợi, chắp cánh tình yêu bóng đá của khán giả là rất mất công, không nói hay được, mà cần những hành động thiết thực. Các đội bóng mang những gam màu khác nhau, lúc thịnh lúc suy, nhưng nếu CĐV và người hâm mộ chỉ sát cánh khi đội bóng ở trên đỉnh, thật chưa nói lên bản chất của tình yêu. Hãy thử chìm xuống tận đáy của thất bại và thất vọng, để thấy thất bại cũng đẹp tựa bông hồng, thất bại giúp chúng ta hiểu rõ giá trị của thành công.
Tùy Phong
loading...