(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá cống hiến Ngày mai, 24/4, Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến của Báo Thể thao & Văn hóa sẽ diễn ra. Với lĩnh vực thể thao, Thể thao & Văn hóa cũng từng ấp ủ một giải thưởng Cống hiến thể thao nhằm tôn vinh những giá trị hướng thượng. Nếu để ý, không ít tờ báo đồng nghiệp đã tổ chức nhiều giải thưởng, dù hình thức khác nhau, nhưng rõ ràng mẫu số chung vẫn muốn cổ xúy cho cái đẹp, sự cống hiến vốn là bản chất cốt lõi của thể thao và bóng đá nói riêng. Cái đẹp, sự cống hiến luôn có sức lay động mãnh liệt! Tôi lại nhớ đến lễ ra mắt CLB bóng đá Sài Gòn, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Tất Thành Cang, chia sẻ rằng, đội bóng sẽ không cần cố gắng thắng bằng mọi giá, mà ngược lại...
…“Chúng ta có thể hòa, cũng có thể thua, nhưng phải đá đàng hoàng. Người Sài Gòn là phải chơi đàng hoàng”, Phó Bí thư Tất Thành Cang nói.
Chiều hôm đó, CLB Sài Gòn thi đấu mà không có “Tây” trong đội hình (vì chấn thương). Họ đã làm tất cả để có thể kéo lại 1 điểm trong cuộc tiếp đón QNK Quảng Nam, đội bóng có tiếng là cùng “anh em”. Phát biểu sau trận đấu, HLV Nguyễn Đức Thắng nói: “Một điểm mà đội bóng có được ngày hôm nay còn quý hơn vàng mười”.
Sân Thống Nhất hôm đó còn có cả đại diện VFF, VPF và cả bầu Hiển, Chủ tịch T&T Group. Nhưng, 2 đội đã chơi sòng phẳng, gần như không có bất cứ biểu hiện “kịch nghệ” nào.
Tối hôm sau trận đấu, ngồi với BHL QNK Quảng Nam, bầu Hiển đã ra điều trách cứ, rằng tại sao và như thế nào, đội khách với rất nhiều những lợi điểm, lại không thể giành chiến thắng. Ông Hiển cũng ra sức khen ngợi thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng đã biết vượt khó.
Dài dòng như thế, với các đội bóng của bầu Hiển, để thấy rằng, bóng đá vốn dĩ đã là môn chơi cống hiến, sòng phẳng và “fair play”. Bản thân ông Hiển có thể dùng các ngón tay như một nghệ sỹ múa rối nước, để điều khiển các đội bóng mà ông có thể can thiệp, nhưng ông không làm thế, dù rất nhiều lần ở hoàn cảnh khá ngặt nghèo. “Anh nào hay hơn thì anh ấy thắng”, ông Hiển nói.
Bóng đá, bản chất là một môn thể thao mang tính giải trí, phục vụ, trước khi trở thành một môn chơi vị thành tích, trở thành một ngành công nghiệp không khói hái ra tiền. Nhưng ở Việt Nam, cho dù dã 16 năm chuyên nghiệp, bóng đá chưa bao giờ được biết đến như một ngành giải trí, mà là chạy theo bệnh thành tích. Vì mục đích đó, người ta có thể làm mọi cách, mọi giá.
Cho nên, không thể trách cứ khi cho rằng cầu thủ ta ý thức chuyên nghiệp kém, tính màu cờ, sắc áo thấp. Họ chơi bóng vì tiền và vì danh vọng thì đúng hơn. Sự cống hiến (nếu có) đấy là khi cầu thủ được cất nhắc. Vì nấc thang danh vọng, họ thậm chí “chạy dây” lên Tuyển. Đấy là giai đoạn bóng đá kim tiền, khi nguồn tài chính còn dồi dào.
Không bàn thắng nào được ghi, không nhiều cơ hội tạo ra trong một trận đấu có chất lượng trung bình yếu, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng đã có màn chào sân Thống Nhất không như ý.
Có nhiều phương thức khác nhau để cống hiến, trong một chừng mực nào đó, một người giúp việc ở CLB hay ĐTQG, cũng đã là cống hiến rồi. Cống hiến không hẳn chỉ là những chuyện to tát. Chiều qua, ngồi chia sẻ các vấn đề liên quan đến bóng đá xưa và nay, với BHL CLB Sài Gòn và cả các cựu cầu thủ TP.HCM, thấy rất nhiều những khác biệt.
“VĐV trẻ bây giờ được nuông chiều quá, không như thời chúng tôi trước đây. Đó là lý do họ buông thả và hư hỏng, trước khi họ ý thức được trách nhiệm. Tôi không cho rằng đấy là vấn đề của thời cuộc, mà là do quản lý, do ý thức của từng người”, cựu tuyển thủ QG và CLB Cảng Sài Gòn cũng như Công an TP.HCM (cũ), Hồ Văn Tam chia sẻ.
Cống hiến tương xứng với sự quan tâm, nuôi dưỡng của xã hội dành cho bóng đá, đấy là điều chưa được đánh động trong tiềm thức của cầu thủ Việt Nam, ở mọi thời điểm kể từ sau hội nhập. Cho nên, việc khán giả quay lưng là đúng với quy luật nhân - quả. Người hâm mộ vốn vị tha, nhưng cho đi không phải không mong nhận lại, ít nhất là sự tôn trọng. Mà bóng đá Việt Nam, thực sự mang lại quá nhiều băn khoăn, hụt hẫng, phiền muộn cho khán giả cả nước.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa