(Thethaovanhoa.vn) -
Không đến như một vị vua và ra đi như một huyền thoại, như “tuyên ngôn” của siêu tiền đạo Zlatan Ibrahimovic sau khi anh rời Paris Saint Germain mùa hè 2016 để gia nhập Manchester United, Nguyễn Quang Hải, (còn gọi là Hải “gà”), cựu tiền đạo ĐTQG Việt Nam và các CLB Khatoco Khánh Hoà, Navibank Sài Gòn, XM Hải Phòng cũng như Than Quảng Ninh, luôn khiến người hâm mộ cũng như các đồng đội phải nhớ tới mình, ở bất cứ nơi đâu anh đặt dấu giầy.
Bóng đá đã cho Hải “gà” tất cả, tiền tài, danh vọng, hạnh phúc gia đình, bằng hữu…, nhưng tất cả đều không tự nhiên mà đến. Nó được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng nỗi đau và cả máu…
Nếu tính từ thời điểm tập bóng đá ở Năng khiếu Khánh Hoà, năm 11 tuổi, đến khi chính thức treo giầy (kết thúc mùa giải 2016), Nguyễn Quang Hải (sinh 1985) đã ăn ngủ cùng đam mê lớn nhất đời mình tổng cộng 24 năm. Mà thật ra, niềm đam mê đầu tiên lớn nhất của Quang Hải chưa chắc là bóng đá, mà là… gà, là chim, là cây cảnh, cá cảnh. Nhưng mê và nuôi một vài con thì được, chứ đầu tư những thứ này cần nhiều tiền, mà với một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới như Quang Hải ngày ấy, thì đào đâu ra tiền?! Có chút năng khiếu với quả bóng, coi như sẵn vốn, Quang Hải kỳ vọng bóng đá sẽ giúp mình thoát nghèo.
Lớn lên cùng cái nghèo
Đấy là một căn lều tồi tàn, được dựng trên vỉa hè, gần kho xăng Vĩnh Nguyên, Nha Trang, đủ để cho 4 – 5 mẹ con chui ra chui vào, đồng thời cũng là nơi mà cả nhà kiếm kế sinh nhai. Người ta có thể tìm được “kế” gì trên vỉa hè, ngoài việc bán trà đá và vài chai nước ngọt?!
“Sát thủ” của K.KH bảo gia đình là chỗ dựa lớn nhất lúc Hải khó khăn, nên khi đã có chút đỉnh giắt lưng, anh dồn tất cả cho mái ấm...
Vì nằm cạnh kho xăng quân đội, nên hàng ngày có rất rất nhiều bác tài xế xe bồn cần được giải khát và đối tượng khách hàng này cũng là nguồn thu chính để người mẹ già tần tảo nuôi lớn mấy chị em nhà Quang Hải. Cách đó mấy chục mét, trong cái hẹm cụt, vừa nhỏ vừa tối tăm, là nhà bà ngoại của Hải. Cũng rất nhỏ, nhưng may còn có nhà vệ sinh.
Các chị lớn lên, rồi đi lấy chồng, có gia đình và ra ở riêng, còn lại một người chị nữa và cậu út Quang Hải sống vẫn sống với mẹ. Năm 2008, khi có vợ, Hải dù thuê được căn hộ khang trang hơn, thì vẫn về cái lều này ăn cơm cùng mẹ mỗi bữa, vì “cơm mẹ nấu là ngon nhất”.
Tuổi thơ của Nguyễn Quang Hải lớn lên cùng mùi xăng, cùng cả những câu chuyện xen lẫn mấy câu chửi tục của cánh tài xế xung quanh cốc trà đá. Vỉa hè là nơi mà Hải cùng đám bạn tập bóng đá.
Quang Hải phải trải qua thời thơ ấu rất gian khó
“Chúng tôi không có lựa chọn khác. Chỉ quả bóng nhựa hai lớp và đám trẻ con cởi trần, đen nhẻm quần thảo. Việc được các thầy tuyển trạch gọi vào Năng khiếu Khánh Hoà (U11) thực sự là một giấc mơ có thật với chúng tôi khi ấy. Đôi giầy vải và quả bóng da là tài sản lớn nhất. Ngày đó, tôi không nghĩ gì được nhiều, ngoài việc sống với đam mê. Nhưng vẫn quá khó để nuôi dưỡng đam mê ấy, bởi đã vài lần ngắt quãng, tưởng như đã tắt lịm, chung quy cũng vì thể hình tôi quá khiêm tốn, lại không có tố chất gì đặc biệt”.
Hải không phải là đứa trẻ mồ côi cha, mấy chị em nhà Hải cũng thế. Nhưng anh lớn lên mà gần như không cảm nhận được hơi ấm, chứ đừng nói sự che chở của cha mình. “Tôi chỉ được nghe kể về cha qua lời mẹ, lời chị. Sau này lớn lên, đi đá bóng, thi thoảng tôi cũng được gặp ông ấy, nhưng chỉ trong chớp nhoáng. Ngày cha tôi mất, tôi cùng vợ con về chịu tang, nhưng “nhà” ông ấy không chấp nhận. Có cha không thể nhận, có nhà không thể về, dù chỉ để thắp nén nhang cho người đã khuất, cầu mong cha siêu thoát…, thì nó còn hơn cả một nỗi đau. Tôi đã là chồng, là cha, nên hiểu được trái phải. Rồi thời gian sẽ chữa lành…”.
Quang Hải (trái) và đồng đội Tấn Tài (phải) trong một lần đi làm từ thiện
Lớn lên trong cảnh thiếu cha, gia cảnh thiếu thốn tứ bề, Quang Hải vì thế mà trở nên rất cục tính, nóng nảy và khi cần có thể nói chuyện bằng nắm đấm với bất cứ ai xúc phạm đến mình, cũng như người thân của mình. “Tôi là một người giàu tự trọng”, Hải nói. “Đừng bảo tôi phải làm cái này, cái kia. Tôi từng trải qua quãng đời khó khăn, tưởng như không có lối thoát, nên tôi hiểu và trân trọng những giá trị mà bản thân gây dựng được, biết ai từng đứng cạnh và giúp đỡ mình. Ơn trời, tôi có nhiều quý nhân bên cạnh, đi đến đâu cũng có anh em, bạn bè tốt. Gia đình có ý nghĩa quan trọng, nhưng sự thật là nếu không có bằng hữu, tôi đã không được như ngày hôm nay”.
Giọt nước mắt yếu mềm của “người sắt”
Vì là người sống tình cảm, trọng và thậm chí là luỵ tình, Quang Hải cũng là người mau nước mắt. Anh cứng rắn là thế, một mình đứng ra gánh vác tất cả chuyện cơm áo gạo tiền cho gia đình, người thân và cho cả một vài người bạn – chiến hữu, nhưng thi thoảng Hải vẫn nhỏ lệ, ví như mấy bận con “chiến kê” đổ bệnh hoặc thua độ.
Và, một lần ở Trung tâm Thể thao TP.HCM, năm 2007, Quang Hải đã khóc thực sự, khóc như chưa boa giờ được khóc, khi cựu HLV ĐT U23 Việt Nam, Alfred Riedl, gạch tên mình trước giờ đội bóng lên đường đi Thái Lan đá SEA Games. Lần thứ 2, đấy là sau bàn thắng vàng vào lưới Singapore tại bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008 ở Kallang. Rồi lần thứ 3, thứ 4…
Khoảnh khắc không thể nào quên của Quang Hải sau khi ghi bàn vào lưới Singapore
Năm 2010, Quang Hải cũng từng cay đắng nuốt lệ vào trong, khi anh gần như không được vinh danh ở cuộc bầu chọn nào sau danh hiệu “Vua phá lưới nội” không chính thức ở V-League với 13 bàn thắng, giúp Khatoco Khánh Hoà đoạt hạng 4 chung cuộc, thứ hạng cao nhất mà bóng đá phố biển từng có ở kỷ nguyên V-League.
Vào thời điểm diễn ra cuộc bầu chọn các danh hiệu cá nhân, Quang Hải vẫn là thành viên ĐT Việt Nam vào đến bán kết AFF Suzuki Cup 2010, giải đấu mà ĐT Việt Nam đã thất bại trong chiến dịch bảo vệ vương miện bởi những sai lầm cá nhân ấu trĩ tại 2 trận bán kết với Malaysia. “Người ta phủ nhận tất cả”.
Những va vấp giúp Quang Hải lớn lên, nhưng những người phụ nữ và cả những đứa con, giữ thăng bằng cuộc sống cho tiền đạo này. “Những người phụ nữ có vai trò quan trọng nhất. Họ là mẹ, là chị, là vợ của tôi. Tất cả đã cùng tôi trải qua những ngày tháng khó khăn cùng cực. Và tôi không tưởng tượng được mình sẽ ra sao nếu thiếu bàn tay của họ, cả những đứa con nữa”, Quang Hải nói.
Vợ chồng Quang Hải - Kim Anh
Phải, người phụ nữ hơn Hải đến 7-8 tuổi, đã qua một lần đò và có 2 mụn con với chồng trước, cho đến nay vẫn mơ ước được một lần mặc áo cô dâu, bước trên thảm đỏ sân khấu cùng anh, giờ, có lẽ nó cũng không còn cần thiết nữa.
“Chúng tôi đã có với nhau tất cả. Tôi hạnh phúc vì được ở cạnh anh ấy, chăm sóc anh ấy, sinh cho anh thêm những đứa con”, bà xã Kim Anh nói. “Có nhiều thời điểm khó khăn, đặc biệt là giai đoạn đầu khi 2 đứa đến với nhau, gia đình cấm cản đủ kiểu.
Giờ thì mọi chuyện tốt đẹp hơn nhiều rồi và tôi cũng như Hải, chưa bao giờ hối hận điều gì cả. Anh ấy có cách yêu thương và chăm sóc gia đình riêng của mình, cố gắng đảm bảo một cuộc sống đủ ấm no, hạnh phúc. Tôi cũng chỉ biết vun vén, chia sẻ ít nhiều và trông bọn trẻ lớn lên từng ngày”, vẫn lời Kim Anh.
“Địa chỉ vàng” ở Nha Trang
Quản trị gia đình là một công việc khó khăn, không có phần mềm đạt chuẩn nào cả, nên mới có câu, mối cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Lạt mềm buộc chặt. Từ ngày còn ở chung mái lều tranh lấn chiếm, ăn bát cơm toát mồ hôi, ra vào phải khom người, đến khi chuyển vào ở căn nhà hiện tại trị giá nhiều tỷ đồng, xây cho mẹ và chị một ngôi nhà nhỏ khác, giúp các chị em còn lại chút vốn và các cơ hội làm ăn…, một mình Quang Hải sẽ khó có thể quyết định nếu không nhận được sự chia sẻ của người vợ hiền. “Tôi hiểu được những vất vả của vợ tôi. Nói không ngoa, cô ấy như sinh ra tôi lần thứ 2 vậy, và còn đẻ cho tôi những đứa con ngoan”.
Ngôi nhà được Quang Hải xây nên nhờ nghề cầu thủ
Có một bận, không biết vô tình hay cố ý mà Hải chia sẻ với một phóng viên, rằng anh thực sự rơi vào trạng thái kiệt quệ, thiếu tiền mặt đến độ phải bán tống bán tháo một cái xe máy để lấy tiền trang trải. Phóng viên đặt ra một vấn đề là, tại sao một cầu thủ có giá chuyển nhượng đến chục tỷ đồng, hưởng lương hàng trăm triệu/tháng, lại “khóc”?!
Tình ngay mà lý gian, quả là vào thời điểm cuối năm 2012 – đầu năm 2013, nhà Quang Hải phải ăn đong từng bữa và phải bán xe máy thật. Nhưng cái cách anh nửa đùa nửa thật với người đối diện, gây hiểu lầm tai hại trên mặt báo.
“Cuối năm 2012, khi ĐT Việt Nam tập huấn tại Nha Trang, Khánh Hoà, cũng là thời điểm mà tôi kiệt quệ thực sự về tài lực. Tất nhiên, không một ai tin cả, bởi tôi vốn không cờ bạc, rượu chè hay chơi bời gì. Nhiều người còn bảo tôi nói láo và quay qua dè bỉu.
Nhà Quang Hải luôn đón nhận rất nhiều bạn bè đến chơi Tôi gần như đã gần tiêu hết số tiền 9 tỷ đồng chuyển nhượng vào Navibank Sài Gòn (đầu mùa giải 2011) cho việc mua đất, xây nhà, giúp đỡ chị em, người thân và một ít cho các mối quan hệ khác. Thậm chí sau đó, tôi còn xin ứng của lãnh đạo đội bóng mới mấy trăm triệu đồng nữa để trả tiền vật liệu, sau đó trừ vào lương thưởng trả dần, nhưng vẫn chưa hết...”.
Ở Nha Trang, Quang Hải là tổng “đại lý” cho hầu hết các đồng nghiệp, đồng đội, thậm chí là người thân – bạn bè của đồng đội từ mọi miền Tổ quốc, mỗi khi họ đến đây du lịch hay công cán. Và nếu không sẵn chút tiền trang trải tiếp khách, e cũng khó nói chứ đùa?! Nhà Hải, một căn nhà khang trang, khá đầy đủ tiện nghi, vì thế tuần nào cũng nườp nượp khách. “Tôi cảm thấy rất vui khi anh em vẫn nhớ tới mình và gọi mình. Tôi không thấy sự phiền toái nào cả”.
Đọc tiếp kỳ 2: Hành trình AFF Cup 2008, ký ức và những bài học không quên
TUỲ PHONG