FIFA 'xuống tay' phạt CLB Hải Phòng
(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 5/2021, FIFA vừa đưa ra phán quyết yêu cầu CLB Hải Phòng phải đền bù gần 60.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng) cho tiền đạo Joseph Mpande. Vụ việc xảy ra khi 2 bên xung đột với nhau trước mùa giải và phải nhờ FIFA giải quyết.
Từ đó đến nay, đội chủ sân Lạch Tray “biệt vô âm tín”. Theo lời tường trình trên các phương tiện truyền thông của lãnh đạo đội bóng này, họ cứ tưởng mọi việc đã êm xuôi vì cho rằng đã giải quyết êm đẹp với tiền đạo người Uganda.
Nhưng, FIFA thì không! Chưa có bất cứ chứng từ nào chứng minh Hải Phòng đã thanh toán xong khoản đền bù đó. Họ bị tuýt còi với “tội” bị gán là “Nợ quá hạn”. Nếu không giải quyết các vấn đề tài chính, CLB Hải Phòng có nguy cơ không được dự V.League 2022.
Và cũng như bao vụ việc khác trước đây, lỗi nằm do sự thiếu hiểu biết và không đồng nhất giữa chủ cũ và mới. Câu chuyện của Joseph Mpande xảy ra từ thời Chủ tịch tiền nhiệm Trần Mạnh Hùng. Ông Văn Trần Hoàn lên và lãnh hậu quả. FIFA không quan tâm đến câu chuyện thay đổi chủ ở đội bóng này. Họ buộc Hải Phòng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Có thể thấy, sự việc của Hải Phòng trở thành vấn nạn nhức nhối cho sự không nắm luật của bóng đá Việt Nam. Nó không chỉ đến từ cấp độ CLB mà còn cả cấp quản lý là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Quay ngược thời gian, chính Hải Phòng phải đền bù 5 tỷ cho ngoại binh Errol Stevens sau khi bị FIFA xử thua kiện. Hay chỉ mới đầu mùa, CLB Thanh Hóa mất đến 8 tỷ đồng vì không làm đúng luật với HLV Fabio Lopez cùng tiền đạo Idrissa Cisse. Năm 2005, VFF buộc phải đền bù cho HLV Letard khoảng 3 tỷ đồng vì "thiếu hiểu biết"!
Những khoản “học phí” quá đắt nhưng bài học lại không được thấm nhuần. Từ năm 2005 đến nay, số lượng vụ việc bị thua kiện FIFA ngày càng tăng. Nó cho thấy, bản thân các CLB không quá đề cao vai trò của luật trong bóng đá.
Mỗi đội hành xử theo cách khác nhau và vô hình trung, nó tạo lỗ hỏng để các cầu thủ cũng như HLV ngoại xoáy vào. Bởi vì, những người nước ngoài đến Việt Nam làm việc theo cách chuyên nghiệp. Họ trang bị đầy đủ kiến thức về luật phòng trường hợp bất trắc và dám sẵn sàng đứng lên đòi lại công lý. Hơn hết, họ không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ đằng sau đó.
Không ở môi trường V-League, bản thân các HLV và cầu thủ vẫn có thể tìm đến một môi trường mới; thậm chí có thể đến đội bóng mới ở giải đấu này.
Nhưng với Việt Nam, chính các nhà quản lý đội bóng còn quá thờ ơ và hành xử theo “luật riêng”. Đâu đó, họ tự cho mình là ông chủ và ngầm hiểu luật bất thành văn ở một địa hạt nhỏ.Nhưng, nên nhớ, tất cả các giải đấu đều dưới sự quản lý của FIFA. Ở đó, họ có một hội đồng chuyên nghiệp để can thiệp vào bất cứ vụ việc nào.
Các ông bầu có thể “vờn” cầu thủ nội vì các mối quan hệ phức tạp nhưng trước sự sòng phẳng, đòi tiếng nói công lý của những người ngoại quốc, bóng đá Việt Nam phải trả giá quá đắt.
Luật rạch ròi rằng, FIFA sẽ can thiệp đối với các trường hợp mang yếu tố nước ngoài còn VFF can thiệp với các vụ việc trong phạm vi nội bộ. Rõ ràng, với một nền bóng đá còn duy ý chí như ở nước ta, “xử” luật nhà bao giờ cũng dễ. ́y vậy, khi bơi ra biển lớn, sự thiếu hiểu biết khiến họ trả giá quá đắt. Từ những vụ việc kể trên, đã đến lúc, các ông bầu cần nhìn nhận đúng hơn về cuộc chơi thay vì cứ cho mình có thể điều khiển cuộc chơi đó.
Gia Bình