Đuốc cho tàu cá và pháo sáng trên sân
(Thethaovanhoa.vn) - Thứ phát ra ánh sáng huyền ảo, rực cả một khán đài SVĐ Hàng Đẫy mà chúng ta hay gọi là pháo sáng ấy, thực ra là một loại "đuốc cầm tay" dùng cho tàu bè đi biển, đặng dễ liên lạc hoặc phát tín hiệu khi gặp nạn. Loại đuốc được nhập khẩu này có giá không rẻ chút nào, từ 180 - 250 nghìn đồng/hộp (2 hoặc 4 quả), đã được các CĐV Hải Phòng sử dụng sai mục đích trong các SVĐ hoặc đường phố, từ hàng chục năm nay.
"Các tàu đánh cá là những khách hàng thường xuyên của loại đuốc này và bắt buộc phải có, hòng khi gặp nạn ngoài khơi", ý kiến của dân trong nghề.
Không một Hội - nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, sau mỗi án phạt được đưa ra, bởi các CĐV Hải Phòng hoạt động không chính thức, không trực thuộc bất cứ tổ chức nào. "Họ là những nhóm riêng lẻ, có hàng chục nhóm như vậy. Khi vào sân thì đồng màu, đồng điệu và cùng một kiểu chơi, thậm chí là quậy phá, nhưng rồi xong xuôi tất cả lại về, như chưa từng quen biết nhau", một người Hải Phòng ăn nằm hàng chục năm với bóng đá đất Cảng chia sẻ.
VIDEO: CĐV Hải Phòng đốt và ném pháo sáng xuống sân Hàng Đẫy
Vậy là không hẳn và không phải lúc nào, một số cá nhân đứng đầu các Hội - nhóm, cũng sẵn "quỹ đóng phạt", như chúng ta vẫn nghĩ. Trăm dâu đổ đầu đội bóng, hay chính xác là đổ đầu ông Chủ tịch Trần Mạnh Hùng.
Ông Hùng sau khi bị mất chức từ vụ đấu tố với Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền mùa giải trước, đã quay lại chiếc ghế Phó Chủ tịch VPF (tức là tương đương với Phó Ban chỉ đạo các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, nếu quy chiếu từ Trưởng ban - ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám độc VPF). Từ tình huống này, có suy luận rằng CLB Hải Phòng có chân trong BTC, vừa đá bóng vừa thổi còi, nên mới lờn thuốc?
Thực tế là, lấy được tiền chỗ ông Hùng "bói cá" hay CLB Hải Phòng đâu phải dễ, dù mỗi năm, ngân sách rót cho đội bóng không dưới 40 tỷ đồng. "Chỉ có giấy ghi nợ và đòi nợ được chuyển đi, chuyển về bằng đường bưu chính. Chứ việc đóng phạt và đóng cho ai, tôi chưa thấy bao giờ", ý kiến khác.
Từ việc những cái "đuốc cầm tay" được dùng sai mục đích, cho đến thu hồi "công nợ" từ các án phạt nhiêu khê như thế, thì rõ ràng VFF hay BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cũng không kỳ vọng vào việc "tăng nguồn thu" cho giải đấu theo cách này (hoặc thẻ phạt). Nặng nhất với Hải Phòng trong quá khứ là án phạt cấm thi đấu trên sân nhà không có khán giả, và nhưng với hầu bao 40 tỷ đồng/mùa giải, tiền bán vé 13 trận cũng chỉ là "muỗi"!
Một "giải pháp" khác hòng ngăn chặn vấn đề pháo sáng và cả bạo lực (năm 2008, CĐV Hải Phòng và CĐV SLNA từng loạn đả ở sân Vinh, đồng thời trên đường "rút quân", xe chở CĐV Hải Phòng đã gây tai nạn chết người, khiến Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi buộc phải từ chức), Ban Kỷ luật VFF cũng từng ra án: Cấm CĐV Hải Phòng đến sân đối phương. Phát kiến này phá sản từ trong trứng nước, khi chẳng ai nhận và chứng minh được họ là CĐV Hải Phòng cả.
Dài dòng như thế để thấy rằng, nếu không thể thay đổi ý thức của một bộ phận CĐV Hải Phòng về sự phá hoại ảnh hưởng đến phát triển giải đấu, cũng như nền bóng đá, thì mọi án phạt được đưa ra đều chỉ là giải pháp tình thế, không thay đổi được gì cả. Về điều này, chương trình thể thao của VTV1 cũng đã phân tích rất rõ. Và các đồng nghiệp của chúng tôi thậm chí còn đặt ngược lại vấn đề: Ai kỷ luật Ban Kỷ luật, khi họ không giải quyết được các tồn tại suốt 10 năm?!
Bóng đá Việt Nam bao năm qua vẫn tồn tại những "kỳ hoa dị thảo" và cả những thứ không có phiên bản như thế, cho thấy BTC giải đấu và cả BTC các trận đấu còn yếu ở rất nhiều khâu. Điều lệ giải và Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp vẫn được sửa đổi từng năm, kiểu "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng chưa bao giờ hợp thời cả.
Tùy Phong