loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Văn Lâm không phải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản thi đấu nhưng lại là người duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này được một đội bóng tại J-League 1 tiếp cận, chèo kéo, thậm chí sẵn sàng đối đầu pháp lý để ký hợp đồng cho bằng được.
Bóng đá Việt Nam hôm nay: Văn Lâm sẽ sớm được trao cơ hội tại Nhật Bản
Vậy Đặng Văn Lâm có gì để người Nhật, cụ thể là lãnh đạo CLB Cerezo Osaka tin tưởng và quan tâm đến thế? Tất nhiên, ngay lúc này có thể khẳng định, Văn Lâm không phải là người được ướm sẵn cho vị trí thủ môn số 1 tại đội bóng hạng 4 J-League 1 mùa giải 2020.
Thậm chí, ngay cả vị trí thủ môn số 2 cũng là không chắc chắn với Văn Lâm khi Cerezo Osaka đưa về Kenya Matsui, người hơn Lâm tới 8 tuổi và đã quen với môi trường bóng đá Nhật Bản hơn khi là người cũ của Mito Hollyhock.
Nhưng có hề gì, chẳng có bất cứ cầu thủ nào trên thế giới bóng đá đầy rẫy tính cạnh tranh khốc liệt nghiễm nhiên có được cho mình và không phải bỏ công sức ra mà phấn đấu, tìm kiếm cơ hội. Chính Văn Lâm cũng có xuất phát điểm là vị trí số 2 ở CLB Hải Phòng, số 3 ở đội tuyển Việt Nam rồi sau đó mới tiến tới số 1 ở đội tuyển Việt Nam và CLB Muangthong United đó sao.
Thế nên, Văn Lâm không có lý do gì để mà nóng vội và mong rằng, những người yêu bóng đá Việt Nam cũng đừng quá kỳ vọng vào việc Văn Lâm có ra sân bắt chính cho Cerezo Osaka hay không vì cái gì cũng cần có thời gian.
So về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, kinh nghiệm ở môi trường bóng đá đỉnh cao châu lục là J-League 1, Văn Lâm thua thiệt nếu đem so với Kenya Matsui hay Kim Jin Hyeon nhưng ở độ tuổi 28, Lâm còn thời gian để phấn đấu, rèn luyện và tìm kiếm cơ hội cho mình.
Việc chọn Cerezo Osaka, đích đến J-League 1 đã nằm trong lộ trình, mục tiêu sự nghiệp của Đặng Văn Lâm dù không biết trước nó sẽ đến ở thời điểm nào. Ngay cả khi biết chắc mình có thể phải đánh mất nhiều thứ, niềm tin, sự hoài nghi và cả những chỉ trích, các lời lẽ tiêu cực từ dư luận và truyền thông, Văn Lâm vẫn không hề e dè mà sẵn sàng dấn thân.
Văn Lâm luôn là vậy, kiên trì, chịu khó, không muốn mình ở mãi trong một vùng an toàn và chấp nhận đối diện khó khăn, thử thách dù không biết mình có thành công hay không. Văn Lâm luôn mang trong mình suy nghĩ cơ hội không nghiễm nhiên mà có mà phải do mình tự tạo ra và biết tận dụng.
Ngay thời điểm Cerezo Osaka công bố hợp đồng chiêu mộ Văn Lâm, bất chấp phản ứng từ đội bóng cũ Muangthong United, đã có không ít những ý kiến hoài nghi, rằng Cerezo Osaka có phải là một hợp đồng thương mại khi Yanmar, nhà tài trợ CLB này, cũng đã quá quen thuộc và là một trong những nhà tài trợ cho đội tuyển Việt Nam trong vài năm qua.
Rồi còn chuyện Lâm có được bắt cho Cerezo Osaka hay không, bắt bao nhiêu trận hay chỉ mòn mỏi mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Có quá nhiều những câu hỏi, nghi hoặc, xung quanh nhưng ý kiến hào hứng, tự tin khi Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại J-League 1.
Hơn ai hết, Văn Lâm là người hiểu rõ điều ấy nhất, biết người ta bình luận hay nói gì về mình. Nhưng như mọi lần trước đó, Văn Lâm không bao giờ để cho những bình luận cả tích cực lẫn tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý và sự phấn đấu của mình. Một khi đã quyết định lựa chọn là Văn Lâm xác định sẽ đi đến cùng với lựa chọn ấy dù con đường phía trước còn đầy rẫy khó khăn.
Trước Văn Lâm, Tuấn Anh hay Công Phượng cũng từng có thời gian sang Nhật Bản thi đấu. Thế nên, chuyện Văn Lâm xuất ngoại lần này, gia nhập Cerezo Osaka thì việc bị đem ra so sánh với đàn em Công Phượng cũng không có gì khó hiểu.
Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, Văn Lâm chơi khác vị trí Công Phượng, thời điểm Lâm sang Cerezo Osaka cũng khác và ở độ tuổi khác. Hơn nữa, Văn Lâm cũng đã chuẩn bị cho bước đi này từ lâu chứ không phải đột nhiên mới dấn thân.
Nói đừng so sánh Văn Lâm với Công Phượng cũng là vì lẽ đó!
Lâm Chi
loading...