Đừng đi World Cup với... lạc rang và tôm rim
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bị biến thành cựu vô địch sau thất bại nặng nề 0-4 trước Philippines tại bán kết, kế đó là trận thua Myanmar 3-4 khi tranh hạng 3. Thêm một lần nữa, câu chuyện về đầu tư, sự chuẩn bị và cả tâm thế của người trong cuộc ở bóng đá nữ Việt Nam lại được nói đến.
Alen Stajcic, HLV trưởng của đội tuyển bóng đá nữ Philippines đã phải thốt lên: Thật là tàn bạo khi chứng kiến các học trò của mình vất vả như thế nào tại giải vô địch Đông Nam Á.
Mặc dù sau đó đã đăng quang ngôi vô địch nhưng sự bức xúc, thất vọng, xen lẫn kinh ngạc của ông Alen Stajcic là có thể hiểu. Việc dùng từ “tàn bạo” cũng không hẳn quá lời vì ở một giải đấu dành cho cầu thủ nữ, trên mặt sân cỏ nhân tạo mà diễn ra với mật độ 2 ngày/trận thì thật sự quá sức tưởng tượng với một HLV chuyên nghiệp như ông Alen Stajcic.
Vậy từ lời ca thán của HLV Alen Stajcic đến thất bại của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ở vòng bán kết có liên quan gì? Tất nhiên là có mối liên hệ giữa 2 câu chuyện tưởng chừng như không có gì liên quan này bởi lẽ chính HLV Mai Đức Chung sau khi nhận trách nhiệm về mình sau trận thua 0-4 của đội tuyển Việt Nam trước Philippines đã phải thừa nhận đội chủ nhà vượt trội về mọi mặt, nhất là thể lực.
Philippines với đội hình phần lớn là những cầu thủ nhập tịch bình thường đã nhỉnh hơn các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam về thể hình, thể lực nên đặt trong bối cảnh mật độ thi đấu dày đặc, 2 ngày/trận càng khiến ưu thế này trở nên rõ rệt. Thế nên, dù đội tuyển Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ trước, biết rõ đối phương sẽ chơi bóng dài, bổng để tận dụng tối đa lợi thế chiều cao nhưng vẫn bất lực trong việc hóa giải để rồi thua chóng vánh và chấp nhận vỡ trận theo cách không mong muốn.
11 ngày mà phải đá 6 trận, đến bóng đá nam còn oải chứ nói gì đến cầu thủ nữ. Đội Philippines đã phải thừa nhận sự “tàn bạo” của lịch thi đấu thì các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi sự mệt mỏi, quá tải.
Đã vậy, ngoài liệu pháp tâm lý, sự động viên, khích lệ của lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban huấn luyện mà trực tiếp là HLV trưởng Mai Đức Chung, các cầu thủ chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo nhất cho việc thích nghi với mật độ thi đấu như vậy.
Còn nhớ, sau trận ra quân thắng Campuchia 3-0, HLV Mai Đức Chung ở buổi họp báo sau trận đấu đã tiết lộ một thông tin bất ngờ là các học trò của ông đã chuẩn bị sẵn lạc rang, tôm rim để giúp bữa ăn trở nên quen miệng hơn, tránh sự nhàm chán và không thể thích nghi đối với thực đơn mà khách sạn chuẩn bị cho đội.
Sự chu đáo, tỉ mỉ từ những điều nhỏ nhất, chuẩn bị sẵn đồ ăn từ ở nhà với các cầu thủ là không sai, nhưng suy cho cùng, nó chỉ là giải pháp tình thế, giúp mang đến cảm giác ngon miệng tạm thời chứ về lâu dài, đi đá giải, mật độ thi đấu dày đặc như thế mà ăn uống kiểu vậy làm sao có thể đảm bảo thể lực mà tập luyện và thi đấu.
Trận thua của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trước Philippines và trước đó là thất bại 0-7 tại Pháp dù không muốn nhưng cũng đã xảy ra. Đó cũng không thể là sự chuẩn bị tốt nhất của 2 đội cho World Cup bóng đá nữ sẽ diễn ra sau đây gần 1 năm.
Thời gian còn đủ nhưng cũng không phải là quá nhiều để có thể mang đến sự tươi mới hay những tín hiệu tích cực nào đó và chắc chắn, không chỉ người hâm mộ mà chính thầy trò HLV Mai Đức Chung cũng không muốn đến với sân chơi World Cup bằng tâm thế thiếu tự tin và mang những thất bại nặng nề trở về.
Mỗi thất bại, những cú sảy chân nào đó đều mang đến những bài học bổ ích và với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Lâm Chi