loading...
(Bold) - Thông tin doanh nhân Nguyễn Hoài Nam trở thành chủ sở hữu của FK Sarajevo khiến nhiều fan bóng đá Việt Nam khấp khởi hy vọng rằng những Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu,… có cơ hội góp mặt ở Champions League. Nhưng đó có phải một hy vọng thực tế?
HLV Hà Nội FC Chu Đình Nghiêm phủ nhận thông tin Văn Hậu đã ký hợp đồng với CLB Monchengladbach, đội bóng đang chơi tại giải Bundesliga (Đức).
Theo báo chí Bosnia, ông Nguyễn Hoài Nam đã chi một số tiền không nhỏ để sở hữu 60% cổ phần của FK Sarajevo ở giải vô địch Bosnia. Còn lại 30% thuộc về ông chủ cũ Vincent Tan, và 10% thuộc về những cổ đông khác.
Không dễ như đi du học
Chúng ta vẫn hay có suy nghĩ rằng việc sở hữu một ông chủ người Việt là một thuận lợi quá ư lớn lao để các tài năng Việt cất bước sang châu Âu thi thố. Nhưng nếu quả thực chỉ nhờ có yếu tố đó thì châu Âu đã có vô khối cầu thủ Trung Quốc, chẳng thiếu cầu thủ Malaysia, hay các ngôi sao Ả rập.
Filip Nguyen trong màu áo Slovan Liberec
Hãy lấy chính Vincent Tan, “sếp tổng” của ông Nguyễn Hoài Nam, làm ví dụ. Vị tỷ phú người Malaysia là chủ sở hữu của Cardiff City (Premier League), FK Sarajevo (Ngoại hạng Bosnia), Los Angeles FC (Nhà nghề Mỹ), và K.V.Kortrijk (giải hạng nhất Bỉ). Nhưng trong số 4 đội bóng này, chưa có cầu thủ Malaysia nào được ông Tan hậu thuẫn để đưa về cả. Ngoài những rào cản về pháp lý, năng lực các cầu thủ và khả năng thích nghi của họ cũng là một vấn đề lớn.
Trong hơn một năm qua, bóng đá Malaysia dù không giành được những thành công lớn như Việt Nam, nhưng họ cũng sở hữu nhiều ngôi sao trẻ triển vọng như Syahmi Safari (21 tuổi), Syamer Kutty Abba (21), Safawi Rasid (22), hay Akhyar Rashid (19). Sang Cardiff thì không thể vì không đủ điều kiện, nhưng ở ba giải đấu còn lại thì hoàn toàn có thể nếu được ông chủ hậu thuẫn. Dù vậy, chẳng có một tuyển thủ Malaysia nào được thử việc, chứ đừng nói ký hợp đồng.
Vincent Tan, người mới chỉ đầu tư 2 triệu USD trong 6 mùa giải gắn bó với Sarajevo, thật ra chi tiêu khá dè sẻn, và ông cũng không đủ uy để can thiệp quá sâu vào công tác chuyển nhượng của các CLB. Nên nhớ, trong 6 năm kể từ khi tiếp quản FK Sarajevo, ông Tan mới chi 2 triệu USD, tức là mỗi mùa không quá 10 tỷ đồng. Nên nhớ, ngân sách hoạt động của mỗi đội bóng V-League mỗi mùa ước chừng cũng phải 30-40 tỷ đồng. Tại Cardiff, bản hợp đồng lớn nhất ông Tan từng mang về là Emilio Sala, với giá 15 triệu bảng, nhưng đáng tiếc, tiền đạo này tử nạn vì tai nạn máy bay, và Cardiff không chịu thanh toán nốt tiền cho Nantes.
Đá Thái League còn nhọc, sang châu Âu sao nổi
Việc Văn Lâm, Xuân Trường, và Công Phượng đang thi đấu bết bát ở Muangthong United, Buriram United, và Incheon United càng khiến viễn cảnh thi đấu ở châu Âu trở nên phi thực tế.
Thai League và K League đều là những giải đấu được cho là không giàu sức mạnh như tại châu Âu, cũng như gần gụi hơn về tư duy chiến thuật, cũng như nền tảng văn hóa. Ấy thế mà bộ ba ngôi sao của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Văn Lâm thì được bắt thường xuyên, nhưng phong độ chung của Muangthong quá thấp. Buriram chơi không tệ, nhưng Xuân Trường mòn đũng quần trên băng ghế dự bị, còn Công Phượng dù rất cố gắng nhưng vẫn chưa thực sự tạo dấu ấn ở Incheon, đội bóng đang rơi tự do.
Trước đây, ông Hoài Nam từng bảo nếu sở hữu FK Sarajevo thì sẽ thuyết phục ban huấn luyện đội bóng này chiêu mộ hoặc mượn Quang Hải và Công Phượng. Nhưng nếu như Vincent Tan còn không đưa được những người đồng hương sang châu Âu, liệu “lính” của vị tỷ phú này (ông Hoài Nam là TGĐ Berjaya Việt Nam, một chi nhánh của tập đoàn Berjaya) có thể thực hiện được điều đó? Tầm ảnh hưởng của ông Nam liệu có hơn ông Vincent Tan trước đây? Nên nhớ, bộ phận tuyển trạch của Sarajevo FK cũng biết thừa Công Phượng đang phải vật lộn như thế nào trên đất Hàn, trong khi khả năng Quang Hải thích nghi được với bóng đá châu Âu hay không thì còn bỏ ngỏ, dù đúng là anh rất tài năng.
Tóm lại, trước khi nghĩ đến chuyện góp mặt ở Champions League, hay viễn cảnh mộng mơ hơn là so tài với Messi, Ronaldo, thì các ngôi sao bóng đá xứ Việt cần phải hiểu rằng họ phải tự biết cách gây ấn tượng với các tuyển trạch viên bằng tài năng và bản lĩnh của mình cái đã. Chưa qua ngọn đồi, sao đòi leo núi.
Vài điều chưa biết về FK Sarajevo
FK Sarajevo được thành lập ngày 24/10/1946, với tên gọi ban đầu là SS Toperdo và từng 5 lần vô địch quốc gia, trong đó có 3 lần kể từ khi Bosnia tách khỏi Nam Tư cũ (1998-99, 2006-07, và 2014-15). Họ cũng từng giành 5 chức VĐQG Bosnia, cũng như một siêu cúp Bosnia. Tại Bosnia-Herzegovina, chỉ có 2 đội nhiều danh hiệu vô địch giải quốc nội hơn FK Sarajevo là HSK Zrinjski Mostar và FK Zeljeznicar Sarajevo cùng có 6 lần lên ngôi.
Tại mùa giải hiện tại, Sarajevo – đội bóng sở hữu sân đấu Asim Ferhartovic Hase với sức chứa 34,500 chỗ ngồi - đang tạm thời dẫn đầu giải vô địch Bosnia với 57 điểm sau 27 trận. Dù chỉ có 12 đội, song giải vô địch Bosnia lại đang diễn ra theo thể thức các đội gặp nhau 3 lần, nên phải đến vòng 33, giải đấu mới kết thúc.
Trong quá khứ, Sarajevo cũng đạt được một số thành tích nhất định trên đấu trường châu Âu. CLB FK Sarajevo từng vào đến vòng 1/8 Cup C1 châu Âu vào mùa giải 1967/1968. Thời điểm đó, FK Sarajevo chỉ chịu thua MU của Sir Matt Busby với tổng tỉ số 2-1 qua 2 lượt trận. Trên đấu trường UEFA Cup (sau này Europa League), FK Sarajevo cũng từng lọt vào đến vòng 1/8 vào năm 1983 nhưng thất bại trước CLB Anderlecht bằng tổng tỉ số 2-6 sau 2 lượt trận.
Ông Vincent Tan mua FK Sarajevo tháng 12/2013. Theo thống kê thì, FK Sarajevo cũng đứng đầu giải Bosnia-Herzegovina về giá trị chuyển nhượng với tổng giá trị đội hình lên đến 9,23 triệu euro.
|
Tuấn Cương
loading...