loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Loạt trận ấn tượng của U22 Việt Nam trong thời gian vừa qua, kể từ vòng loại giải U23 châu Á năm 2018 cho tới trận giao hữu với Các ngôi sao K-League, đã khiến thầy trò HLV Hữu Thắng nhận được nhiều niềm tin và sự kỳ vọng hơn bao giờ hết.
Ngay cả một người khó tính và nổi tiếng là hay phản biện như HLV Lê Thụy Hải cũng hết lời khen ngợi, thậm chí ông Hải còn dự đoán nếu cứ chơi với phong độ như thế này thì U22 Việt Nam sẽ không khó để đoạt HCV SEA Games 29 tới.
Cách đây 1 năm, chính xác là vào tháng 10/2016, cũng dưới thời HLV Hữu Thắng, nhưng chỉ khác là đội tuyển Việt Nam chứ không phải lứa U22, bầu không khí phấn khởi và hy vọng cũng đã xuất hiện tràn ngập ở mọi nơi sau khi các cầu thủ Việt Nam đánh bại đội tuyển CHDCND Triều Tiên ở trận giao hữu tại TP.HCM với tỷ số 5-2.
Chiến thắng trước một trong những ĐTQG hàng đầu châu lục đã giúp đội tuyển Việt Nam khi ấu nhận được vô số lời khen ngợi từ truyền thông quốc tế cho tới dư luận trong nước, và có cảm tưởng nếu như AFF Cup 2016 diễn ra ngay trong tháng 10 sau đó chúng ta sẽ cầm chắc một vé dự trận chung kết.
Nhưng, kết quả thực tế sau đó như thế nào thì tất cả chúng ta đều biết, khi đội tuyển Việt Nam phải dừng bước tại vòng bán kết AFF Cup 2016 theo cách cực kỳ đáng tiếc, mà nói như ngôn ngữ bóng đá là chúng ta đã tự thua chính mình chứ không phải đối phương chơi hay hơn.
Có một chi tiết đáng chú ý là không ít cầu thủ từng chơi rất hay trong giai đoạn chuẩn bị nhưng tới lúc vào giải chính thức lại để mất phong độ, khiến cho chất lượng lối chơi của đội tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều, dù rằng ở AFF Cup 2016 chúng ta có rất nhiều cơ hội thuận lợi để đi đến trận đấu cuối cùng.
Lúc đó, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc dường như đội tuyển Việt Nam đã xác định sai điểm rơi phong độ, khi trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên diễn ra vào đầu tháng 10/2016 mới là lúc các học trò của HLV Hữu Thắng chơi tốt nhất chứ không phải AFF Cup 2016 diễn ra sau đó hơn một tháng.
Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, ở một trận đấu mang tính chất hữu nghị, đối thủ không đúng nghĩa là một đội bóng thì việc U22 Việt Nam giành chiến thắng trước Các ngôi sao K-League là điều hiển nhiên.
Từ thực tế ấy, nhiều nhà chuyên môn cho rằng không nên lạc quan quá mức về triển vọng giành HCV SEA Games 29 của U22 Việt Nam nếu chỉ căn cứ vào những gì mà các cầu thủ đã thể hiện trong thời gian vừa qua, bởi phải nửa tháng nữa lứa trẻ này mới chính thức vào trận tại SEA Games, còn vòng loại giải U23 châu Á năm 2018 hay trận giao hữu cùng K-League All Stars chỉ được xem như “bản nháp” mà thôi.
Lịch sử bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều bài học theo kiểu “thử kêu đốt xịt”, nghĩa là các ĐTQG khi vào giải chính thức lại không đạt được kết quả ấn tượng như trong giai đoạn chuẩn bị, và cũng ít người quên rằng lần duy nhất bóng đá Việt Nam lên ngôi số một khu vực tại AFF Cup 2008 lại chính là kỳ giải hiếm hoi mà đội tuyển Việt Nam trải qua quá trình khởi động vô cùng thất vọng (hơn 10 trận không thắng liên tiếp).
Vì thế, hãy cứ để dành và cất kỹ những lời khen ngợi U22 Việt Nam, còn bây giờ chỉ nên hy vọng thầy trò HLV Hữu Thắng tiếp tục duy trì được phong độ và lối chơi như vậy cho tới ngày kết thúc môn bóng đá nam SEA Games 29 (29/8).
Huy Anh
Thể thao & Văn hóa
loading...